Chuyện con cá nước ngọt
Hồ nuôi cá diêu hồng rộng hơn 5.000m2 trên địa bàn xã Hòa Phong của ông Nguyễn Tấn Yến, thôn Nam Thành.
Nông dân huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đang có xu hướng chuyển đất lúa kém năng suất sang nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống bởi có thể tận dụng thức ăn là cám, bã tại địa phương để tăng thêm thu nhập.
Rô phi “thất sủng” trên sân nhà
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cá rô phi hiện đang được xác định là 1 trong 4 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trên cả nước. Tuy nhiên, ở Đà Nẵng, cá rô phi lại đứng trong danh mục “cá hạng bét” và không có đất sống.
Thực tế, 3 năm trở về trước, địa bàn huyện Hòa Vang ở vùng quê nào cũng nuôi cá rô phi bởi nó là loài cá dễ nuôi, dễ sống, dễ thích nghi, ít bệnh tật, sống trong ao, hồ, lồng bè và cả trong ruộng lúa. Thức ăn được tận dụng từ cám, bã địa phương nên rất phù hợp với người nông dân.
Tại xã Hòa Khương và Hòa Phong, rô phi được nuôi với số lượng nhiều nhất. Tuy nhiên, sau một thời gian, nông dân buộc phải chuyển qua giống cá khác đạt hiệu quả kinh tế hơn.
Ông Bùi Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong lý giải, người dân miền Trung chuộng cá biển, ít thích cá nuôi do có mùi bùn đất đặc trưng, nên cá rô phi bán ra thị trường với giá rẻ, chỉ 12.000 - 14.000 đồng/kg.
Những năm về sau, cá rô phi bị thoái hóa giống, sinh sản nhanh, cá muốn bán ra thị trường phải đạt kích cỡ từ 500g trở lên nhưng khi cá chỉ mới lớn bằng hai đốt tay đã sinh sản.
Một số nông dân ở làng cá Hóc Khế (thôn Khương Mỹ) và làng cá thôn Nam Thành (thuộc xã Hòa Phong) nói thêm, điều đáng lo ngại là cá rô phi sinh sôi trong tự nhiên thành quần đàn quá nhanh, lấn át các loài cá bản địa về mặt thức ăn, môi trường sống. Ngay cả khi nông dân thả thuốc diệt cá rô phi xuống hồ, chỉ 3 - 5 ngày sau, hồ có nước là trứng cá rô phi lại nổi đầy hồ.
Giống cá bị thoái hóa, không có thị trường tiêu thụ là nguyên nhân chính khiến cá rô phi “thất sủng” ngay trên sân nhà.
Ông Trần Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang thừa nhận, hiện nay, trên địa bàn huyện không còn hộ dân nuôi cá rô phi, có chăng chỉ nuôi ghép với các loại cá truyền thống khác.
“Trước đây, khi nông dân nuôi cá rô phi vằn dòng gift đơn tính màu rất đẹp, xanh biếc, nhưng giá thành vẫn chỉ dừng lại ở 23.000 - 25.000 đồng/ký.
Giá thành thấp khiến nông dân bỏ dần, ít người nuôi nên đầu mối mua giống cá ở miền Nam cũng không mặn mà với thị trường Đà Nẵng. Cá giống mua tại Đà Nẵng chất lượng không cao, sinh sản nhiều.
Đặc biệt, thị trường tiêu thụ của rô phi chỉ nhỏ lẻ trên địa bàn mà không có đầu ra lớn”, ông Anh cho biết.
Quay về với cá truyền thống
Hiện nay, nông dân Hòa Vang chủ yếu nuôi cá truyền thống (trắm, chép, mè, trê...), các loại cá này chi phí đầu tư thấp, chủ yếu là tận dụng thức ăn có sẵn như cám bã, cỏ, sắn, lá chuối, rau xanh quanh vườn nên nông dân có thể “lấy công làm lời”.
Nếu như nông dân xã Hòa Phong chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, cá chép, cá mè thì nông dân Hòa Khương nuôi cá rô đầu vuông, diêu hồng, cá trê lai. Riêng cá trê lai, nông dân đã nuôi thâm canh từ 2 - 3 vụ/năm (trung bình 2 vụ)…
Nông dân Hòa Khương đã tìm được đầu ra cho 2 giống cá rô đầu vuông và trê lai, đó là xuất đi các tỉnh Tây Nguyên (chủ yếu là Gia Lai, đây là đầu mối xuất khẩu cá sang Camphuchia) và Huế với giá bán dao động từ 22.000 đồng - 32.000 đồng/kg.
Ông Cao Văn Mễ, một trong những hộ có diện tích nuôi cá trê lai lớn với 1.500m2, trung bình 1 năm nuôi 2 vụ. Năm trước, lãi 44 triệu đồng/năm, năm nay mới 1 vụ, nhưng giá đầu ra không ổn, nên lãi thấp hơn năm ngoái.
Khu nuôi cá nước ngọt của Hòa Khương tập trung ở 2 thôn Phú Sơn 1 và Phú Sơn 2.
Hai thôn này có hệ thống cấp nước của hồ Đồng Nghệ đi qua nên rất thuận lợi cho công tác nuôi trồng.
Năm 2013, nông dân nuôi cá tại xã Hòa Khương cũng thành lập tổ sản xuất cá nước ngọt nhằm tập trung những hộ dân nuôi cá, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, tìm đầu mối tiêu thụ.
Hiện nay, tại Hòa Khương đang đẩy mạnh mô hình nuôi cá trắm đen (giống được mua tại Hà Nội).
Hiện đã có 4 hộ nuôi giống cá này. Loài cá trắm đen được đánh giá có hàm lượng dinh dưỡng cao, sức đề kháng mạnh, giá thành cao.
Trong năm nay sẽ thu hoạch lứa đầu tiên, nếu thành công, sẽ nhân rộng.
Ông Nguyễn Kế Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, cho biết, từ ngày nông dân Hòa Khương chuyển đổi cơ cấu kinh tế ruộng thành ao, nhờ nuôi trồng thủy sản và cải tạo vườn tạp đã giải quyết tình trạng lao động phổ thông dư thừa của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, con cái họ được học hành, nhà cửa được sửa chữa khang trang hơn…
Tuy không mạnh bằng Hòa Khương nhưng Hòa Phong cũng là xã chuyển đổi khá thành công từ trồng lúa sang nuôi cá.
Ông Lê Ích Dũng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi cá nước ngọt xã Hòa Phong, cho biết: “Nông dân nào có vốn thì nuôi diêu hồng, vốn ít thì nuôi trắm, mè bởi 2 loại cá này tạp ăn, dễ nuôi. Mỗi năm, tôi bỏ ra 30 triệu đồng, khi thu hoạch thì được tầm 45 triệu đồng, lời 15 triệu đồng.
Số tiền không nhiều nhưng so với trồng lúa thì nhàn công hơn”.
Một số hộ dân ở xã Hòa Phong bắt đầu chuyển từ vụ lúa sang vụ cá từ năm 1994, tập trung nhiều nhất ở 2 thôn Khương Mỹ và Nam Thành. Lý do là vì địa hình 2 thôn này có 2 bên là núi, giữa là ruộng, độ pH trong đất cao, phèn nặng, sản xuất chỉ chừng 1 - 1,2 tạ lúa/sào (trung bình 3 - 3,5 tạ/sào).
Khi chưa chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chính quyền địa phương thường xuyên phải cứu trợ cho nông dân bởi trồng lúa không đủ ăn.
Từ ngày nuôi cá, cuộc sống của người nông dân ổn định hơn. Nông dân cũng chủ động trong việc nuôi trồng, chính quyền không còn hỗ trợ kỹ thuật, thức ăn và giống như trước nữa, chỉ hỗ trợ về thuốc men khi có dịch bệnh.
“Tuy nhiên, do diện tích nuôi trồng còn ít, nông dân chỉ mới nuôi bán thâm canh chứ chưa được chuyên canh nên năng suất chưa cao.
Nông dân vừa phải nuôi cá, vừa làm rừng mới đủ sống”, ông Lê Trung Thịnh, cán bộ giao thông-thủy lợi, phụ trách nông nghiệp xã Hòa Phong, cho biết.
Bên cạnh các loại cá truyền thống, nông dân Hòa Vang cũng nuôi thêm cá “công nghiệp” như diêu hồng. Chủ yếu là nuôi ghép cá diêu hồng và các loại cá truyền thống.
Nhưng loại này, chi phí thức ăn rất cao, trung bình một hộ tốn 1 triệu đồng/ngày tiền thức ăn. Chỉ cần khi cá đã lớn (trên 500g) một ngày không bán được là một ngày nông dân “ngồi trên đống lửa”.
Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá của một bộ phận nông dân huyện Hòa Vang dù có lúc vẫn chưa thuận buồm xuôi gió, nhưng vẫn là hướng đi đúng đắn, góp phần giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Trên địa bàn huyện Hòa Vang, xã Hòa Khương nuôi cá nhiều nhất, với 350 hộ và 65ha, kế đến là Hòa Phong 75 hộ/16 ha. T
ổng diện tích nuôi cá nước ngọt năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 là 125ha. Sản lượng bình quân 5 - 7 tấn/ha, tùy theo loại cá nuôi (nuôi ao), cá truyền thống 3 - 5 tấn/ha, cá trê 8 - 9 tấn/ha, cá diêu hồng 5 - 7 tấn/ha, cá lồng bè 1 - 2 tấn/lồng (25m2).
Tổng sản lượng trên 800 tấn/năm/vụ (trên địa bàn huyện nuôi chủ yếu 1 vụ/năm).
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang:
Nông dân Hòa Vang chưa thể làm giàu từ nuôi cá nước ngọt vì cá truyền thống chỉ bán tại các chợ, nhu cầu ít, giá bán thấp, bấp bênh, lợi nhuận không cao. Nếu nuôi nhiều cũng không bán được.
Nuôi cá trê, cá diêu hồng thì chi phí lớn, đầu ra phụ thuộc nhiều vào thương lái.
Đặc biệt, các khu vực nuôi trên địa bàn chưa chủ động về nước, phụ thuộc vào nước thủy lợi từ các kênh tưới cho lúa. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ do phát triển tự phát, thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa lũ, gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng như sạt lở bờ ao, trôi cá…
Related news
Sau khi giá củ mì tươi tăng cao đến 2.600 đồng/kg ở thời điểm mới bước vào vụ thu hoạch, hiện giá mì tươi bán tại rẫy tụt dốc nhanh chóng khiến cho cả thương lái và nông dân hết sức lao đao.
Khoảng 1 tháng qua, giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL ở mức cao, nhưng thời điểm giá này, nông dân không còn lúa để bán và đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014. Nông dân không đủ điều kiện tạm trữ để chờ giá nên luôn chịu thiệt thòi, hầu hết nông dân phải bán lúa tươi tại ruộng ngay khi thu hoạch.
Mặc dù một thời gian dài vào giữa năm 2013, thịt lợn hơi giảm giá mạnh làm cho người chăn nuôi không lãi nhiều nhưng vẫn cầm chừng đàn và với sự tính toán, nắm bắt nhu cầu thị trường, từ tháng 9/2013, nông dân tăng đàn để đảm bảo lượng thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong Tết Nguyên đán. Đúng vào thời điểm này, giá thịt lợn tăng trở lại tạo điều kiện để người chăn nuôi nâng cao thu nhập.
Xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là vùng đồng bằng ven biển có diện tích tự nhiên khá lớn nhưng 3/4 diện tích là đất cát bạc màu, hàng năm phải đối mặt với hạn hán, đất nghèo sinh dưỡng, cát lấp và cát bay.
Cụ thể, đối với vùng thấp thì đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, đưa các giống lúa ngắn ngày, chất lượng vào gieo cấy; đối với vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả thì chuyển sang đào ao nuôi trồng thuỷ hải sản; còn vùng đồi núi thấp thì trồng cây ăn quả.