Chuỗi rau muống an toàn vào các bếp ăn tập thể, thu 600 triệu đồng/ha, năm
Hàng năm huyện Gia Lộc, Hải Dương sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm cho các loại rau màu chất lượng như bắp cải, su hào, súp lơ… hàng trăm ha.
Ruộng rau muống an toàn của Cty Hưng Việt
Đến năm 2017, một số doanh nghiệp như Cty Thương mại & xuất nhập khẩu Trần Vinh, Cty TNHH Hưng Việt, Cty Giống cây trồng Kiên Giang… liên kết với các HTXNN của huyện đã liên kết sản xuất cây trồng mới là ngải cứu, rau muống, mồng tơi Hàn Quốc, cà tím...
Rau muống là rau truyền thống, cây trồng nước, thời gian thu hoạch kéo dài, cho năng suất cao, được người dân sử dụng nhiều và nấu ăn quanh năm. Đặc biệt vụ mùa năm nay miền Bắc mưa nhiều, năng suất, chất lượng rau muống càng cao.
Đến nay, toàn huyện Gia Lộc có hàng chục ha rau muống an toàn do Cty Hưng Việt, HTXNN Hồng Hưng đầu tư trồng. Sản phẩm được các công ty thu mua cung cấp cho các bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp, trường học, cơ quan.
Ông Lê Xuân Minh, Giám đốc HTXNN Hồng Hưng cho biết: “Thời gian thu hoạch rau muống từ tháng 3 đến tháng 10. Năm mùa đông ấm có thể thu hoạch đến tháng 11. Chu kỳ thu hoạch xén gốc từ 15 - 20 ngày 1 lứa. Giá bán từ 3.000 – 5.000 đồng/kg, thu nhập mỗi tháng trung bình khoảng 3,5 triệu đồng/sào 360m2, cá biệt có tháng thu trên 5 triệu đồng/sào. Sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 3 triệu đồng/sào/tháng.
Về chăm bón: Mỗi lần thu hoạch sau 3 – 4 ngày bón phân, chủ yếu là phân đạm và lân. Thường xuyên duy trì ruộng ẩm đến mực nước nông. Cứ 2 tháng bón bổ sung phân chuồng hoai mục mỗi sào 200kg. Rau muống ít sâu bệnh hại, chủ yếu sâu ăn tạp, phòng trừ bằng thuốc trừ sâu sinh học và thuốc trừ bệnh khô vằn là chính. Thu hoạch rau muống có thể dùng máy cắt cỏ cải tiến giảm công lao động”.
Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Cty Hưng Việt chia sẻ: “Hiện chúng tôi cung cấp rau xanh cho trên 40 bếp ăn tập thể, doanh nghiệp. Hàng ngày, có 8 công nhân thu hoạch rau muống. Sản xuất rau muống của công ty bảo đảm tiêu chuẩn rau an toàn. Thu nhập 1ha rau muống/năm trên 600 triệu đồng. Đây là sản phẩm chủ lực của công ty trong vụ hè và hè thu”.
Bà Nguyễn Thị Thắm ở thôn Cát Hậu, xã Hồng Hưng chia sẻ: “Tôi đã được theo học lớp Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên rau và lớp sản xuất rau an toàn. Gia đình tôi cấy 1 sào rau muống hợp đồng với HTXNN của xã. Năm nay mưa nhiều, các hộ trồng dưa và rau cải thu nhập thấp nhưng nhà tôi trồng rau muống tính đến đầu tháng 9 đã thu được gần 20 triệu.
Thu hoạch rau muống bằng liềm xén, thời gian mỗi lứa 15 – 20 ngày nên sâu bệnh rất ít, nếu có sâu bệnh thì HTX cung cấp thuốc phun phòng trừ. Việc bón phân và phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của HTX.
HTX hợp đồng với công ty nên từ khi thu hoạch lứa đầu đến nay chưa bị nhỡ lứa lần nào. Để rau muống thu hoạch lâu dài cần bón nhiều phân chuồng khi bừa ngả trước khi cấy giống, ruộng phải sạch cỏ dại ngay từ đầu, cấy mật độ dày. Trồng rau muống vất vả nhất là khâu thu hái nhưng thu hoạch bằng máy xén hoặc liềm nên người trồng không còn cực nhọc nữa”.
Nông sản an toàn và sạch là nhu cầu cấp thiết của xã hội. Sản xuất rau muống theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm và áp dụng cơ giới khâu thu hoạch bằng máy giảm công lao động góp phần tăng thu nhập.
Related news
Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI) phối hợp với Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam vừa tổ chức hội thảo "Giới thiệu giống mía mới và tiến bộ kỹ thuật trong canh tác mía
Hiện tại, các rẫy mía trong mô hình thí điểm được hơn 8,5 tháng tuổi và đang mang lại nhiều hiệu quả bước đầu so với những rẫy mía đối chứng bên cạnh.
Rầy lứa 7 nở và gây hại diện rộng trên các trà lúa. Sâu non gây hại trà lúa trỗ muộn. Bệnh lùn sọc đen gây hại trà lúa mùa trung - muộn.