Home / Tin tức / Tin thủy sản

Chứng thư thủy sản: Giấy thông hành sang thị trường Trung Quốc

Chứng thư thủy sản: Giấy thông hành sang thị trường Trung Quốc
Author: Trần Nguyễn
Publish date: Friday. July 14th, 2017

Với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét và áp dụng việc cấp và kiểm tra Chứng thư trước thông quan theo quy định bắt buộc, đối với tất cả các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây được xem như một biện pháp mạnh để bảo vệ uy tín thương hiệu thủy sản Việt Nam.

Nhiều tiềm năng cho xuất khẩu cá tra  sang thị trường Trung Quốc   Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Có cũng như không

Từ năm 2008, Bộ NN&PTNT và Tổng Cục Giám sát chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch của Trung Quốc đã có thỏa thuận Hợp tác về kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thủy sản xuất nhập khẩu. Theo đó, tất cả các lô hàng xuất khẩu thủy sản giữa hai nước đều phải kèm theo Chứng thư vệ sinh (Chứng thư) do cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Tuy nhiên, do phía Trung Quốc hầu như không kiểm soát Chứng thư đối với hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bằng đường bộ qua biên giới, nên các lô hàng xuất khẩu dạng này hầu như không có chứng thư vệ sinh.

Những năm gần đây, các trang trại các nhà cung cấp tôm xuất khẩu đều phàn nàn về việc thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom thủy sản Việt Nam, nhưng việc kiểm tra kiểm định chất lượng hầu như quá lỏng lẻo. Ngoài việc ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, cách mua bán trao tay không hợp đồng không chứng thư có thể phá bỏ nề nếp nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ trước đến nay, vốn được xây dựng trên các tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, châu Âu…

Trong nhiều hội thảo, các nhà nhập khẩu đến từ châu Âu đều cảnh báo nguy cơ ngành thủy sản Việt Nam đánh mất đi uy tín thương hiệu của mình, nếu cứ tiếp tục nuôi trồng để cung ứng cho các thương lái Trung Quốc thu mua dễ dãi, không truy xuất nguồn gốc, không thương hiệu nhãn mác và không qua kiểm định theo tiêu chuẩn các thị trường khắt khe. Giá tôm, cá tra của Việt Nam xuất khẩu đều chững lại hoặc tăng trưởng rất chậm ở các thị trường truyền thống, nhưng lại tăng trưởng nóng tại thị trường Trung Quốc.

Chỉ riêng trong quý I/2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt gần 170 triệu USD, chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tăng 2,7% so cùng kỳ năm trước. Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2017 sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 30% và đạt trên 1 tỷ USD.

Song VASEP vẫn nhận định “Trung Quốc là thị trường không ổn định, nhiều rủi ro”. Việc thịt heo xuất khẩu sang Trung Quốc tồn đọng mà Chính phủ phải “giải cứu” mới đây là bài học trước mắt cho các doanh nghiệp và trang trại xuất khẩu thủy sản. Sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là tôm cá nguyên liệu, chưa qua chế biến, vì thế lợi nhuận mà phía Việt Nam được hưởng là rất thấp. Ngược lại, khách hàng Trung Quốc mua nguyên liệu từ Việt Nam về chế biến, bán ra thị trường với giá cao gấp 10 lần.

Vừa mừng vừa lo

Trong suốt 5 năm, tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng 24,2 - 88,7%/năm. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này năm 2016 đạt gần 305 triệu USD, tăng gần gấp 2 lần so năm 2015.

Sự gia tăng nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam của Trung Quốc là do nước này đang bị thiếu thực phẩm và phải nhập rất nhiều sản phẩm chăn nuôi, thủy hải sản để phục vụ người dân, thậm chí có nhiều thời điểm phải mở cả kho dự trữ nhà nước ra để bán nhằm bình ổn giá. Rất nhiều nước châu Âu, châu Á, với lợi thế về giá thành, uy tín thương hiệu, đang nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Đời sống của người dân cũng dần được cải thiện và với dân cư ở các vùng rừng núi, xa biển, thì việc thưởng thức các món ăn hải sản là một thú ẩm thực cao cấp. Trung Quốc đang tích cực nuôi trồng các sản phẩm phục vụ thị trường, song giá thành quá cao. Cá chép và cá rô phi Trung Quốc tự nuôi có giá cao hơn so cá tra 30 - 40%. Song rủi ro mà VASEP đề cập đến là việc các thương lái Trung Quốc “chỉ đặt cọc khoảng 30% tổng tiền lô hàng cá tra, nếu container tới cửa khẩu và phía bạn nhận hàng thì doanh nghiệp được, còn nếu không thì coi như mất trắng”. Song, điều đáng lo ngại nhất, đó là “các thương lái, doanh nghiệp Trung Quốc thường đến tận các vùng nguyên liệu để thu mua không theo tiêu chuẩn nào, gây nên tình trạng nhiễu loạn thị trường”. Các chuyên gia về thị trường đều nhận định, nếu như các vùng nuôi bán cho thương lái Trung Quốc dễ xảy ra rủi ro, phía Trung Quốc không mua thì hầu như rất khó xuất khẩu đi các thị trường khác, vốn có những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe.

>> Không chỉ với thị trường Trung Quốc mà từ ngày 1/4/2017, tất cả thủy sản nuôi và tự nhiên nhập khẩu vào Hàn Quốc đều phải có chứng thư nhập khẩu do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp theo thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng thủy sản Quốc gia (NFQS) thuộc Bộ Thủy sản và Hải dương Hàn Quốc (MOF).


Related news

Làm gì để thủy sản không phải lo về điện? Làm gì để thủy sản không phải lo về điện?

Nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng khi ngành thủy sản ngày càng phát triển. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn điện ổn định cho ngành này hết sức cần

Thursday. July 13th, 2017
Giải pháp phòng trừ dịch bệnh trên tôm Giải pháp phòng trừ dịch bệnh trên tôm

Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi và biện pháp phòng trị”; kiến nghị những giải pháp phòng trừ dịch bệnh trên tôm.

Friday. July 14th, 2017
Cơ hội làm giàu từ Artemia Cơ hội làm giàu từ Artemia

Artemia là đối tượng có nhiều giá trị dinh dưỡng và kinh tế. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đủ điều kiện sản xuất được loài này.

Friday. July 14th, 2017