Chung tay giải cứu khoai lang
Chung tay “giải cứu” khoai lang
Sáng ngày 6/8, hàng chục đoàn viên Phòng Thời sự- VTV Cần Thơ cùng Công ty CP Dược Hậu Giang đến xã Thành Lợi (Bình Tân) tìm mua hơn 4 tấn khoai lang để phân chia cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị tiêu thụ.
Xe tải đến tận ruộng chở khoai. Đoàn viên của 2 đơn vị cũng trực tiếp xuống ruộng thu hoạch, phân loại khoai cùng bà con.
Chị Phạm Thị Anh Đào- Bí thư Chi đoàn Phòng Thời sự VTV Cần Thơ là người khởi xướng phong trào cho biết, khi hay tin khoai lang Bình Tân rớt giá, chị bàn bạc với anh em chi đoàn lên kế hoạch đến trực tiếp mua khoai trợ giá cho bà con và đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình.
Việc làm này là vừa nhằm chia sẻ khó khăn với người dân địa phương, vừa là dịp khơi dậy tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ với cộng đồng.
“Mức giá mà chúng tôi thu mua là 9.000 đ/kg khoai loại 1 và 5.000 đ/kg đối với khoai loại 2, bảo đảm cho người trồng có lời. Tuy số lượng không lớn nhưng đó là tình cảm, sự sẻ chia của tuổi trẻ 2 đơn vị với người trồng khoai trong lúc khó khăn như hiện nay.
Ngoài đợt mua này, chúng tôi đang kêu gọi Thành Đoàn TP Cần Thơ tiếp tục vận động đơn vị trên địa bàn đến thu mua cho bà con trong thời gian tới”- chị Phạm Thị Anh Đào cho biết thêm.
Anh Trần Quốc Thới- phóng viên VTV Cần Thơ cho biết, toàn bộ số khoai đã được phân phát hết ngay sau khi chở về. Người 5kg, người 10kg, với tấm lòng sẻ chia của cán bộ công- nhân viên với nông dân lúc khó khăn.
Trước đó, khi hay tin vùng trồng khoai lang Bình Tân gặp cảnh tiêu thụ khó khăn, chàng kỹ sư công nghệ thông tin Hoàng Xuân Long (ở Tổ 5, phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên) đã thiết kế một website mua bán khoai lang ủng hộ bà con Vĩnh Long.
Thông qua website với thiết kế tên miền dễ nhớ, dễ sử dụng, người dân có thể liên hệ với người mua thông qua một đơn vị trung gian có năng lực và uy tín đến tìm hiểu thu mua.
Anh Long kỳ vọng, website sẽ giúp bà con thu thập được các đơn hàng từ các địa phương trong cả nước. “Hiện cách làm website bán hàng của nhiều doanh nghiệp thời gian qua rất có hiệu quả. Tại đây, họ bán rất đa dạng từ cà chua, rau cải đến cây ăn trái...
Vì vậy, khi thấy tình hình bà con ở Vĩnh Long khó bán khoai, tôi làm ngay một website hy vọng chia sẻ phần khó khăn bà con trồng khoai.” - anh Long chia sẻ.
Trong khi đó, là một công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, khi hay giá khoai lang rớt giá anh Nguyễn Tuấn Khởi- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhân ái vòng tay Việt cũng đã liên hệ chính quyền, Hợp tác xã khoai lang ở Bình Tân tìm cách thu mua hỗ trợ.
Thời gian qua, công ty đã tập hợp lực lượng thanh niên nhóm “giải cứu nông sản” thu mua rất nhiều nông sản như dưa hấu, hành tím… khi rớt giá. Theo kế hoạch, nhóm của anh về vùng khoai lang Bình Tân mua khoai lang cho bà con nơi đây với giá cao hơn thị trường.
“Hiện chúng tôi dự định sẽ tập hợp khoảng 200 thanh niên về thu hoạch khoai lang cùng bà con, sau đó mua vài trăm tấn khoai chuyên chở về TP Hồ Chí Minh vận động quán ăn, nhà hàng, bếp ăn mua giúp nông dân”- anh Nguyễn Tuấn Khởi cho biết thêm.
Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long thời gian qua cũng đã lập sàn giao dịch nông sản, xây dựng nhiều website mua bán khoai lang và nông sản của tỉnh. Ý nghĩa những việc làm này góp phần làm trung gian, cung cấp các thông tin của doanh nghiệp và nông dân, hỗ trợ giải đáp thắc mắc để 2 nhà gặp nhau trao đổi tiêu thụ sản phẩm.
Anh Lê Văn Trung- Chủ nhiệm Hợp tác Rau an toàn Thành Lợi- Bình Tân cho biết, thời gian qua đã làm cầu nối cho rất nhiều cơ quan, đơn vị đến mua khoai lang cho nông dân. Vụ khoai này có rất nhiều người thuê đất trồng khoai thua lỗ nên anh thường chọn những hoàn cảnh này để “chỉ điểm” thu mua. Nhiều ruộng khoai được “giải cứu” kịp thời, nông dân có thể thu hồi vốn tái sản xuất vụ tiếp theo.
Related news

Hiện nay, người trồng thanh long tại Bình Thuận chưa kịp mừng vì có thêm thị trường mới là New Zealand thì lại phải đối mặt với nguy cơ giá thanh long sụt giảm và dịch bệnh phá hoại.

Theo báo cáo của Phòng Thủy sản, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay trên toàn tỉnh đã có hơn 56 ha tôm bị dịch bệnh, chủ yếu là bệnh đốm trắng do virus gây nên, chiếm khoảng 10% diện tích hồ nuôi.

Dưới ánh sáng xanh huyền ảo được thiết kế mô phỏng đáy sâu đại dương và trông tựa như một công viên hải dương, những đàn cá mú bình thản lượn lờ trong những bể nước sủi tăm hình tròn bố trí trên tầng thứ 15 của một nhà kho ở Chai Wan, Hồng Kông.

Những năm qua, xã Hoằng Đông (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, điển hình như mô hình ớt xuất khẩu trồng 2 vụ/năm.

“Không có vốn, nông dân nỗ lực đến mấy cũng đành bó tay. Vùng tôm này ra đời đã hàng chục năm, song mới thực sự khởi sắc dăm ba năm trở lại đây, khi Phòng Giao dịch Hòa Sơn thuộc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hòa Vang (Đà Nẵng) giải ngân cho vay số tiền lớn”, ông Mai Phước Binh, Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp nuôi tôm nước lợ thôn Trường Định, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), tổ trưởng tổ vay vốn cho biết.