Chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata của Việt Nam
Các sản phẩm ngao Meretrix Lyrata của Việt Nam được nhiều thị trường quốc tế ưa chuộng và được các nước đánh giá cao về chất lượng.
Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng 11 tháng đầu năm nay Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam vẫn chế biến xuất khẩu được 5.420 tấn. Ảnh: AL.
Nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi nhuyễn thể nói riêng của nước ta gần đây có sự chuyển biến tích cực, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung hướng đến xuất khẩu.
Diện tích nuôi ngao và các loài nhuyễn thể tính đến năm 2019 ước khoảng 41.500ha với tổng sản lượng gần 310.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt gần 94 triệu USD; trong đó, ngao là 63 triệu USD.
Nghề nuôi ngao phát triển đã khai thác một cách hiệu quả diện tích bãi triều ven biển và tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động tại các địa phương.
Các sản phẩm ngao Meretrix Lyrata của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường nhiều nước trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...; trong đó thị trường châu Âu chiếm tỷ trọng 52% tổng sản lượng ngao xuất khẩu của Việt Nam.
Tại Nam Định, ngao là đối tượng chủ lực trong phát triển kinh tế biển. Nghề nuôi ngao bắt đầu hình thành từ năm 1992 theo hình thức tự phát, đến năm 2004 đã có bước phát triển mới khi du nhập và nuôi thành công ngao trắng Mertrix lyrata. Nghề nuôi ngao thực sự phát triển bền vững và có bước tăng trưởng mạnh từ năm 2010 cho đến nay.
Trong đó, vùng nuôi huyện Nghĩa Hưng thuộc vùng bãi bồi do phù sa sông Ninh Cơ và sông Đáy tạo thành, diện tích hơn 500ha. Đối tượng nuôi chính là ngao trắng Meretix lyrata, chiếm khoảng 85%.
Sản lượng thu hoạch ngao thương phẩm hàng năm đạt trên 35.000 tấn, thị trường tiêu thụ xuất khẩu tươi sống tiểu ngạch và xuất cho các nhà máy chế biến xuất khẩu gần 70% sản lượng, tiêu thụ tại các siêu thị và thị trường trong nước chiếm khoảng 30%.
Để hướng tới nâng cao giá trị và thương hiệu cho ngành ngao tỉnh Nam Định nói riêng và ngao Việt Nam nói chung, được sự hỗ trợ của Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển Nông thôn (RECERD), Sở NN-PTNT Nam Định phối hợp với Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam cùng các hộ nuôi ngao trong tỉnh triển khai Dự án “Liên kết chuỗi ngao theo ASC tại tỉnh Nam Định”.
Tháng 5/2020, “Vùng nuôi liên kết Lenger Farm” ở xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng với quy mô 500ha, sản lượng 10.000 tấn vinh dự là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata.
Chứng nhận ASC là tiêu chuẩn quốc tế về nuôi thủy sản bền vững được thiết lập bởi Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) với 8 bộ tiêu chuẩn cho 12 loài thủy sản nuôi, trong đó có ngao. Ðây là cơ hội tốt cho sản phẩm ngao ASC của Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng khi ra mắt cộng đồng quốc tế.
Phát biểu tại Lễ công bố “Chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho ngao - Meretrix Lyrata”, diễn ra tại tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Hồ Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam nói, Công ty luôn giúp đỡ bà con vùng nuôi ngao trong tỉnh Nam Định để sớm nhận được chứng chỉ quốc tế ASC và nuôi trồng bền vững.
Đến nay, chứng chỉ ASC đã được công nhận. Đây là một chứng chỉ rất quan trọng, giúp Công ty phát triển hơn nữa sang nhiều thị trường rất khắt khe về chất lượng con ngao.
Ông Nguyên cho biết thêm, từ năm 2018, Công ty đã được phép xuất khẩu chính ngạch, sản lượng chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa của nhà máy liên tục tăng, đã góp phần đẩy mạnh sản xuất theo liên kết chuỗi và tiêu thụ sản phẩm ngao nuôi của tỉnh.
“Năm 2019, đã chứng nhận xuất xứ cho 26.000 tấn ngao xuất khẩu tiểu ngạch và cho các nhà máy chế biến. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng 11 tháng đầu năm Công ty vẫn chế biến xuất khẩu được 5.420 tấn và bán trong nước 1.000 tấn”, ông Nguyên bộc bạch.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Ðức Tiến nhấn mạnh, trình độ nuôi trồng, sản xuất, chế biến ngao của Việt Nam không thua kém quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến của các nước trên thế giới. Với chứng nhận ASC, sản phẩm ngao của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất đi nhiều quốc gia.
Related news
Dù không giữ nhiều vai trò trong văn hóa ẩm thực như các nước Đông Á, rong biển lại giúp Ấn Độ thu về 500 triệu USD mỗi năm.
Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng bạt lót dưới đáy ao giúp dễ dàng dọn sạch chất thải đáy ao đảm bảo tôm có môi trường sống sạch.
Kết hợp các hạt nano đồng (CuNPs), hạt nano nhôm silicat natri ngậm nước (NPsHSCAS) hấp thụ độc tố trong thức ăn, duy trì hiệu suất tăng trưởng tối ưu.