Home / Tin tức / Tin thủy sản

Chuẩn bị tốt các điều kiện cho nuôi tôm

Chuẩn bị tốt các điều kiện cho nuôi tôm
Author: Lê Cung
Publish date: Thursday. April 1st, 2021

Thời điểm này, các hộ nuôi tôm trên cả nước đang trong giai đoạn gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thả nuôi vụ tôm chính trong năm. Việc chuẩn bị tốt trước vụ nuôi vô cùng quan trọng, không những tạo ra sự chủ động trong quá trình nuôi mà còn tiết kiệm được chi phí vận hành để tăng năng suất và hiệu quả của vụ nuôi.

Nắm rõ lịch thời vụ

Người nuôi tôm nước lợ nên theo dõi kết quả quan trắc môi trường do Chi cục thủy sản các tỉnh thực hiện để chủ động triển khai vụ nuôi đạt hiệu quả.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 – 2021 sẽ tiếp tục xuất hiện sớm và gay gắt ở ĐBSCL, có thể tương đương như năm 2015 – 2016, thậm chí có thể như mùa khô năm 2019 – 2020, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi tôm nước lợ năm 2021. Tổng cục Thủy sản đã ban hành Công văn số 2620/TCTS-NTTS về việc thực hiện khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2021. Các tháng 2,3,4/2021 dự báo cao điểm của nắng, nóng, xâm nhập mặn: Để tránh thiệt hại cho người nuôi tôm với loại hình luân canh tôm – lúa nên thả giống từ giữa tháng 12/2020 đến đầu tháng 5/2021 và thu hoạch dứt điểm vào tháng 8/2021; đồng thời khuyến cáo các vùng/cơ sở nuôi tôm không chủ động được nguồn nước, cơ sở hạ tầng không đảm bảo không nên thả nuôi.

Căn cứ vào khung lịch mùa vụ chung và tình hình thực tế ở từng địa phương để xây dựng lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ cụ thể, phù hợp cho từng vùng sinh thái trên địa bàn. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai quan trắc cảnh báo môi trường và các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Cải tạo ao nuôi

Đây là khâu kỹ thuật quan trọng, tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho tôm giống mới thả, hạn chế mầm bệnh tồn lưu trong ao. Các địa phương cũng phải chủ động thực hiện nghiêm quy trình nuôi, tập trung nhân lực, vật lực, nạo vét, tu sửa, cải tạo ao đầm, xử lý môi trường nước trước khi bước vào vụ nuôi mới. Cải tạo ao bao gồm phơi ao, ngâm ao, cày bừa, diệt, cấp nước, bổ sung dinh dưỡng.

Để chuẩn bị cho vụ nuôi mới, cuối mỗi vụ nuôi cần thu dọn hết dụng cụ, máy móc phục vụ cho vụ trước. Tiến hành vệ sinh, bảo dưỡng máy móc để dùng cho vụ sau. Đối với những dụng cụ có thể lưu lại nước ao của vụ nuôi trước như can nhựa, máy bơm, đường ống cũng cần được vệ sinh, khử trùng cẩn thận.

Phơi đáy ao là phương pháp cải tạo đáy ao tốt nhất mà lại không tốn kém, mà cũng là cách diệt khuẩn tốt nhất, tiết kiệm nhất. Mỗi năm sau khi thu hoạch xong nên kịp thời tháo nước để phơi đáy ao, để cho lớp bùn đen ở tầng đáy ao ôxy hóa chuyển thành màu trắng. Thời gian phơi ao không dưới một tháng.

Sau khi phơi tiến hành ngâm đáy ao, rửa những chất có hại trong ao nuôi, lần ngâm đầu tiên không dưới một tuần. Sau khi ngâm, phơi, tháo cạn nước rải vôi, cày bừa: Ao đáy cát sử dụng 52 kg CaO/1.000 m2. Ao đáy đất, cát sử dụng 112 kg CaO/1.000 m2, sau đó cày bừa đáy ao. Nếu thời gian cho phép, tốt nhất nên ngâm rửa ao nhiều lần. Thông qua nhiều lần cày, phơi, ngâm sẽ loại bỏ được mùi hôi trong đáy ao, khôi phục được môi trường lành mạnh.

Xử lý nước và gây màu

Khi đã lấy nước vào ao, người nuôi có thể tiến hành diệt tạp để loại trừ các loài địch hại, sinh vật trung gian mang mầm bệnh hoặc sinh vật cạnh tranh nơi ở, thức ăn với tôm nuôi. Để ngăn chặn địch hại, tác nhân gây bệnh, trung gian truyền bệnh khi cấp nước vào ao, nguồn nước phải được lọc qua túi lọc bằng vải nhiều lớp (túi vải katê…) hoặc dùng VICATO viên tan chậm 200 g đặt vào đầu nguồn nơi cấp nước để khử trùng. Diệt tạp bằng VICATO khử trùng với liều lượng 25 – 30 kg/1.000 m3Nước cấp vào ao nuôi phải qua túi lọc, độ sâu 1,2 – 1,5 m, tiến hành chạy quạt khí, kích thích trứng các loài giáp xác nở và để lắng ít nhất 3 – 5 ngày mới xử lý. Trước khi thả giống cần khử trùng nguồn nước bằng Chlorine 10 ppm (10 kg/1.000 m3 nước), duy trì pH 7,5 – 8; độ kiềm lớn hơn 80 mg/l.

Bón phân gây màu, duy trì mật độ tảo trong ao, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm giống. Phân vô cơ (urê hoặc DAP), bón ngày đầu 2,2 kg/1.000 m2, sau đó giảm dần hoặc dùng cám gạo, bón 1 – 1,2 kg/1.000 m2 trong 1 tuần. Sử dụng chế phẩm sinh học có chứa các dòng vi khuẩn (Lactobacillus, Nitrobacter, Nitrosomonas…) để khống chế vi khuẩn gây bệnh, làm sạch đáy ao, hấp thu khí độc NH3,H2S,NO2

Con giống, thức ăn

Chất lượng tôm giống (PL) là yếu tố quyết định sự thành công của một trại nuôi tôm. Một số tiêu chí được thiết lập được sử dụng để đánh giá chất lượng PL như: nguồn gốc PL và uy tín của trại giống, đánh giá trực quan, kiểm tra sức chịu đựng và các xét nghiệm PCR khác nhau để phát hiện mầm bệnh.

Thức ăn chiếm 40 – 70% chi phí sản xuất. Nghiên cứu và nắm rõ tập tính dinh dưỡng của tôm theo từng giai đoạn, cũng như kinh phí để chọn thức ăn cho tôm. Thức ăn phù hợp phải là loại đáp ứng được tất cả nhu cầu dinh dưỡng của tôm. Nên chọn mua tại các hãng sản xuất lớn, uy tín. Có kho bảo quản thức ăn để chống nấm mốc phát triển.

Vật tư, thuốc, hóa chất

Người nuôi cần có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, nhân lực, đặc biệt huy động được tối đa các nguồn vốn phục vụ kịp thời các yêu cầu trong suốt vụ nuôi cũng như các yêu cầu đột xuất đặt ra.

Quạt khí là yếu tố không thể thiếu trong hoạt động nuôi tôm. Vì vậy, người nuôi cần dự đoán sản lượng tôm nuôi để tính toán bố trí quạt hợp lý. Ngoài ra, nên có máy phát điện dự phòng trường hợp mất điện. Cần chuẩn bị sổ ghi chép mua, bán và sổ nhật ký nuôi tôm. Sổ nhật ký nuôi tôm sẽ ghi lại toàn bộ quá trình quản lý và chăm sóc tôm giúp người nuôi quản lý và nắm được kinh phí cũng như kinh nghiệm từ vụ nuôi.

Thuốc và hóa chất sẽ là những yếu tố không thể thiếu trong quá trình xử lý ao nuôi cũng như chăm sóc sức khỏe cho tôm. Người nuôi khi nắm được quy trình kỹ thuật sẽ chủ động đưa ra danh mục mua các loại thuốc và hóa chất xử lý môi trường khi cải tạo ao và quá trình nuôi.


Related news

Khoáng trong nuôi trồng thủy sản Khoáng trong nuôi trồng thủy sản

Có nhiều bằng chứng chứng minh lợi ích của các khoáng vi lượng hữu cơ, thay vì các dạng vô cơ trong thức ăn nuôi trồng thủy sản.

Tuesday. March 30th, 2021
Vi tảo - tăng cường sức khỏe tôm nuôi để đối phó với dịch bệnh Vi tảo - tăng cường sức khỏe tôm nuôi để đối phó với dịch bệnh

Bài viết cung cấp vai trò khi bổ sung vi tảo trên tôm và tiềm năng sử dụng để phòng trị bệnh cho tôm nuôi.

Tuesday. March 30th, 2021
5 lưu ý cho vụ nuôi mới 5 lưu ý cho vụ nuôi mới

Các yếu tố môi trường ao nuôi và chất lượng con giống trong nuôi tôm rất quan trọng. Chính vì vậy, trước khi vào vụ nuôi bà con cần làm tốt một số khâu kỹ thuật

Thursday. April 1st, 2021