Chủ tịch Hội NDVN - Nông nghiệp thiệt thòi khi chưa có gói 30.000 tỷ
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đánh giá như thế tại buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ngày 22.8, tại TP.HCM.
Chưa có “luật DN nông thôn” thì chưa có đầu tư
Theo ông Môn, hiện chỉ có 1% DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do chưa có cơ chế, chính sách ưu tiên cụ thể.
Đầu tư của ngân sách vào lĩnh vực nông nghiệp cũng chỉ khoảng 5% trong khi ngành này đóng góp cho GDP trên 20%.
Con số này cho thấy có sự “lệch pha” trong nghiên cứu các chính sách phân bổ nguồn lực kinh tế.
“Tôi thấy rất vô lý, rất nhiều ngành nghề khác, chẳng hạn như ngành bất động sản cũng có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để phát triển, tại sao lĩnh vực tam nông lại chưa có được hỗ trợ dù chiếm tới 70% cơ cấu dân số, đóng góp cho 20% tăng trưởng GDP”, ông Môn đặt vấn đề.
Cũng theo ông Môn, chính bởi hiện nay mới chỉ có luật DN chung chung mà chưa có “luật DN nông thôn” - nghĩa là các cơ chế, chính sách ưu tiên cho nông nghiệp - nên DN rất “ngại” đầu tư vào lĩnh vực này.
Hoặc có đầu tư nhưng cơ chế không thoáng, không được hỗ trợ thì cũng sớm “gánh nợ”, những con “cá mập” như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai… thời gian qua là điển hình dù nguồn lực rất mạnh.
Đồng tình với chia sẻ của lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam chia sẻ, nhiều năm qua Tập đoàn Cao su Việt Nam luôn tiên phong trong phát triển kinh tế các vùng miền.
Có thể nói, khi Tập đoàn đầu tư đến địa phương nào thì sau đó điện, đường, trường, trạm… mới “mọc” lên.
Dù vậy, chính sách ưu tiên cho ngành cao su vẫn rất ít, hầu hết là Tập đoàn phải tự bỏ tiền túi ra đầu tư vì đây không chỉ là trách nhiệm với xã hội mà Nhà nước giao phó mà còn là nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn.
Vì vậy, rất cần những ưu tiên về nguồn vốn, cơ chế chính sách…
Làm rõ “tái cơ cấu” từ đâu?
Trước tình hình khó khăn chung của các DN ngành nông nghiệp trong triển khai tái cơ cấu, ông Môn rất đồng cảm với các DN bởi thực tế hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam cũng chưa làm rõ được khái niệm tái cơ cấu bắt đầu từ đâu mà chủ yếu vẫn chỉ là khẩu hiệu chung chung.
Theo ông Môn, thực tế qua chuyến công tác và lắng nghe ý kiến từ chính quyền địa phương, các DN, người nông dân các tỉnh thành, ông đúc kết được 5 vấn đề cần phải làm trong vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trước hết, vấn đề quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp phải được đặt lên hàng đầu.
Từ tuân thủ quy hoạch chung cho đến các quy hoạch chi tiết của từng địa phương.
Ông lấy ví dụ, mới đây cả xã hội cùng phải chung tay “cứu” 65% người nông dân thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) niên vụ trồng hành tím, trong khi đó chúng ta có tới 94 triệu dân, nhu cầu hành tím trong các bữa ăn là rất lớn, sao không quy hoạch cho 94 triệu dân dùng?
Thứ 2, cần phải hoàn chỉnh bộ giống.
Hiện nay các địa phương bộ giống đều do tự người nông dân làm ra, chưa thấy có công nghệ đi kèm, chất lượng vì thế cũng bấp bênh.
Thứ 3, phải có cơ chế chính sách cụ thể, chính sách ra thì phải thực hiện được và phải có lợi cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thứ 4 là phải tổ chức lại sản xuất, liên kết và hợp tác theo chuỗi giá trị.
Cuối cùng là ở mặt tổ chức thực hiện, lãnh đạo chỉ đạo phải quyết liệt.
Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, cũng cho rằng điểm yếu trong tái cơ cấu của nông nghiệp VN là việc xây dựng thương hiệu, đầu tư chưa tới nơi.
“Chẳng hạn tại sao gạo Campuchia phát triển sau Việt Nam nhưng hiện nay lại xuất khẩu ngược sang Việt Nam? Vấn đề ở đây không quá to tát, chủ yếu là họ quy hoạch sẵn, cái gì sản xuất đại trà để bán thì sản xuất đại trà, cái gì xây dựng thương hiệu thì phải tập trung vào xây dựng thương hiệu, đơn giản thế nhưng chúng ta lại không làm được
Ngoài ra, vấn đề quy hoạch vùng sản xuất, đất đai, vùng nguyên liệu… của chúng ta cũng có vấn đề.
Thế nên tình trạng “chạy” theo phong trào trồng cây gì, con gì cũng là tự phát, manh mún” – ông Phong nói.
Related news
Theo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), xu thế trên thị trường lúa gạo thế giới hiện nay cho thấy, giá lúa gạo đang giảm do nguồn cung từ các nước xuất khẩu gạo tăng. Tuy nhiên, xu thế tiêu thụ lúa thơm lại đang có xu hướng tăng.
Trong khi giá đường Thái Lan chỉ khoảng 12.000 đồng một kg thì đường Việt Nam có thời điểm lên tới hơn 30.000 đồng, ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu.
Ở Tây Nguyên, đang có tin đồn cây đinh lăng, từ lá, cành, củ đều có thể bán được giá. Đặc biệt là những củ đinh lăng lâu năm giá bán lên đến hàng triệu đồng 1kg.