Chư Jút, Nông Dân Tập Trung Sản Xuất Vụ Hè Thu
Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Chư Jút, vụ hè thu năm nay, địa phương sẽ tiến hành gieo trên 15.900 ha cây trồng các loại, trong đó, diện tích cây ngô, lúa vẫn chiếm ưu thế. Hiện tại, bà con ở các xã, thị trấn đã chủ động làm đất, xuống giống đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.
Tại xã Ea Pô, những ngày này, bà con nông dân đang xuống giống nhiều loại cây trồng. Theo kế hoạch, toàn xã sẽ gieo trồng gần 4.300 ha cây trồng các loại, đến nay, tiến độ đã đạt hơn 70%.
Ông Trương Minh Lợi, ở thôn Quyết Tâm cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng xuống giống đúng theo lịch thời vụ, nhằm đảm bảo cho lúa phát triển đúng thời gian, cũng như hạn chế các dịch bệnh khác gây hại. Hiện tại, với những diện tích lúa đã gieo được hơn 10 ngày, gia đình tổ chức phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh. Còn đối với những vùng đất cao hơn, ngay khi có lịch xả nước, các thành viên trong gia đình tiến hành làm đất, ve bờ để xuống giống cho kịp thời gian”.
Tương tự, những ngày qua, gia đình anh Lê Đình Chiến, ở thôn 1 đã xuống giống gần xong diện tích nằm trong kế hoạch gieo trồng vụ hè thu.
Anh Chiến cho hay: “Do thời gian sản xuất vụ hè thu tương đối cập rập nên khi thu hoạch xong vụ đông xuân là gia đình tôi đã tiến hành cày ải đất, chuẩn bị giống, phân bón khá đầy đủ. Hiện nay, đối với diện tích đất trồng hoa màu, tôi đã xuống giống xong. Còn diện tích đất lúa, gia đình sẽ hoàn thành luôn trong tuần này cho kịp tiến độ”.
Theo ông Đinh Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pô thì ngay sau khi thu hoạch xong các loại cây trồng vụ đông xuân, bà con nông dân trong xã đã khẩn trương tập trung dọn đất để gieo các diện tích hoa màu trên đất cạn.
Riêng cây lúa, mặc dù theo lịch xuống giống muộn hơn, nhưng đến nay người dân đã cơ bản hoàn thành việc gieo trồng. Để giúp người dân chủ động lịch thời vụ, cũng như chăm sóc tốt diện tích cây trồng sau khi xuống giống, chính quyền xã đã tổ chức các lớp tập huấn về cách chọn giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc…
Việc chủ động nguồn nước, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, cũng được địa phương hướng dẫn, chỉ đạo người dân thực hiện tốt. Nhờ vậy, hiện nay, tiến độ sản xuất vụ đông xuân tại xã diễn ra tương đối thuận lợi.
Còn tại xã Đắk D’rông, vụ hè thu này, toàn xã sẽ xuống giống hơn 3.900 ha cây trồng các loại. Để bảo đảm quá trình sản xuất vụ hè thu đạt kết quả cao, chính quyền xã đã chỉ đạo bà con nông dân thu hoạch vụ đông xuân đến đâu là phải làm đất ngay đến đó.
Đối với một số diện tích đất xa nguồn nước, nông dân tại xã Đắk D’rông đã tiến hành làm đất để gieo trồng hoa màu
Công tác vận động người dân ở các thôn tổ chức nạo vét kênh mương, thủy lợi nội đồng, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất rất được chính quyền xã chú trọng.
Bà Lê Thị Hiền, ở thôn 6 cho hay: “Gia đình tôi và nhiều hộ khác trong thôn đã cơ bản xuống giống xong diện tích cây trồng trong vụ này. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, chính quyền xã nên tất cả các khâu từ làm đất, lấy nước, chọn giống đến gieo tỉa, gia đình tôi luôn tuân thủ nên hiệu quả sản xuất khá cao”.
Cũng theo phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thì vụ hè thu năm nay, về khâu giống, địa phương luôn khuyến cáo bà con sử dụng những giống mới, với thời gian sinh trưởng ngắn ngày và khả năng kháng bệnh cao. Cụ thể, về giống lúa, cán bộ nông nghiệp luôn hướng dẫn các hộ sản xuất chuyển sang sử dụng những giống lúa thuần và lai như OMCS 2000, VND 95-20, Nhị ưu 838, Syn 6, BiO404, RVT, PBH 71, 27P31, BTE 1, TH 3-3.
Còn về diện tích gieo trồng ngô, người dân luôn ưu tiên các loại giống như CP999, DK 171, DK 5252, HQ 2000, Bioseed 9698, LVN 14, PAC 999, PAC 339, P4199, 30I87, 30B80, 30T60, NK54, NK66, NK67. Ngoài khâu chọn giống, lịch thời vụ năm nay cũng được địa phương hướng dẫn người dân chặt chẽ hơn do diễn biến thời tiết khá phức tạp.
Ngoài ra, huyện vận động người dân nên tưới nước hợp lý, không bón phân, xịt thuốc theo kiểu trừ hao để phòng ngừa sâu bệnh. Việc phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, các trạm khuyến nông, bảo vệ thực vật để chủ động nguồn nước, cũng như phòng trừ sâu bệnh, giúp người dân yên tâm sản xuất, cũng luôn được địa phương tổ chức thường xuyên và đạt hiệu quả cao.
Related news
Niên vụ mía 2014 - 2015 ở xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã khép lại. Một vụ sản xuất gặp sâu bệnh, nắng hạn đã khiến nông dân kiệt quệ. Đã vậy, nhiều nông hộ còn đang đối mặt với việc bị Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa (KSC) phạt vi phạm hợp đồng (HĐ) vì không giao đủ số lượng mía như cam kết.
Một số thương lái đang tìm mua cau non ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với giá cao. Theo các ngành chức năng, người dân cần cảnh giác, không nên thấy giá cao mà đốn bỏ những loại cây đặc sản của địa phương để trồng cau.
Khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất do nắng hạn kéo dài, thời gian qua, nhiều nông dân tại xã Lợi Hải (Thuận Bắc - Ninh Thuận) đã chủ động khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, góp phần giảm công lao động, tăng năng suất cây trồng, ổn định cuộc sống.
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.477 ha lúa xuân bị nhiễm rầy, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn, Mường Khương và thành phố Lào Cai.
Vụ khoai mỡ năm 2015, nông dân vùng Đồng Tháp Mười huyện Tân Phước (Tiền Giang) xuống giống được 413 ha. Đầu tháng 5/2015, bà con đã thu hoạch được tổng cộng 350 ha, đạt trên 70% diện tích. Khoai mỡ trúng mùa, được giá, nông dân lãi cao, rất phấn khởi.