Chủ Động Nguồn Giống Vụ Đông Xuân
Giống là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng của sản xuất nông nghiệp, quyết định đến năng suất, sản lượng cây trồng. Vì vậy, trước mỗi vụ sản xuất, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đều phối hợp với chính quyền các địa phương để chủ động nguồn giống tốt cung ứng cho nông dân vụ đông - xuân năm 2014 - 2015; khâu cung ứng giống trong sản xuất cũng được cũng đặc biệt chú trọng.
Ông Trịnh Quốc Cường, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Dự kiến vụ đông xuân năm 2014 - 2015, toàn tỉnh gieo cấy 8.636ha lúa, diện tích gieo cấy nhiều nhất là huyện Điện Biên (4.700ha); Mường Ảng (940ha); Tuần Giáo (865,7ha); Điện Biên Đông (630ha)…
Địa phương có diện tích gieo cấy ít nhất là Nậm Pồ (91,8ha). Tính trung bình mỗi héc ta gieo cấy cần 80kg lúa giống, thì vụ đông - xuân năm nay, toàn tỉnh cần trên 690 tấn giống. Để đạt được mục tiêu năng suất đề ra gần 58,28 tạ/ha, chất lượng giống cũng như bố trí cơ cấu giống, khung thời vụ sản xuất được chuẩn bị chu đáo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Nhằm đảm bảo nguồn lúa giống trên 690 tấn cho vụ đông - xuân, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên chủ động chuẩn bị các loại giống phục vụ nông dân, với phương châm cung ứng kịp thời, đầy đủ và đảm bảo chất lượng.
Để cơ cấu giống đảm bảo và phù hợp với nhu cầu của bà con, đối với những vùng được hỗ trợ giống theo Quyết định 02 năm 2014 của UBND tỉnh, chính quyền địa phương triển khai lịch sản xuất, thông báo từng loại giống được hỗ trợ để bà con đăng ký với chính quyền cơ sở.
Sau khi tổng hợp nhu cầu giống của từng địa phương, các huyện, thị xã, thành phố ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên làm cơ sở để chuẩn bị nguồn cung ứng tới nhân dân. Cách làm này giúp bà con được cung ứng giống đúng chủng loại, cấp kịp thời, đúng khung thời vụ sản xuất và đảm bảo chất lượng.
Là đơn vị chủ lực cung ứng giống sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên có kinh nghiệm trong sản xuất, cung ứng các loại giống, nhất là các giống lúa.
Trên cơ sở hợp đồng đã ký với các địa phương, đơn vị chuẩn bị trên 1.400 tấn giống lúa các loại, chủ yếu là các giống lúa thuần: IR64, Tám thơm số 7, Hương thơm số 1; Khang dân… và một số giống lúa lai: Nghi hương 2308, Nhị ưu 838. Ngoài số giống cung cấp theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Công ty còn chủ động gần 200 tấn giống chất lượng cao cơ bản đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân, không để xảy ra tình trạng “sốt” giống.
Trên cơ sở khung thời vụ gieo cấy, hợp đồng cung ứng giống cho nông dân các địa phương, đến nay, Công ty đã bắt đầu xuất giống cho huyện Điện Biên (gần 90 tấn); Mường Ảng, Tuần Giáo, TP. Điện Biên Phủ, còn lại một số các địa phương sẽ hoàn thành việc cung ứng theo hợp đồng vào đầu tháng 12/2014.
Ông Trịnh Quốc Cường cho biết: Việc quản lý giống cây trồng hiện nay theo hướng tăng cường sử dụng giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, có giá trị hàng hóa cao và chống chịu tốt với sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Mở rộng tối đa diện tích lúa lai, ưu tiên giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt để tăng sản lượng lúa, song tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương nên chọn 2 – 3 giống lúa chủ lực và 1 – 2 giống bổ sung.
Trên cơ sở cơ cấu giống chung toàn tỉnh giống lúa lai chiếm từ 20 – 30% diện tích, giống lúa thuần chiếm 70 – 80% (trong đó, giống lúa thuần chất lượng cao chiếm 40 – 50% diện tích, giống khác 15 – 20%, còn lại là giống địa phương), các địa phương căn cứ vào đặc điểm từng loại giống, điều kiện đất đai, khí hậu cơ cấu giống lúa với tỷ lệ hợp lý, sử dụng các giống hiện có, tiềm năng năng suất cao, từng bước thay thế và mở rộng diện tích các giống lúa mới có triển vọng, không nên cùng một lúc thay thế 100% các giống mới khi nông dân chưa nắm bắt được quy trình, kỹ thuật sản xuất.
Để đảm bảo vụ sản xuất đông - xuân thuận lợi, căn cứ điều kiện khí hậu từng tiểu vùng và đặc điểm từng giống lúa để bố trí thời vụ phù hợp, đảm bảo lúa trỗ an toàn.
Đối với lúa gieo thẳng, trà xuân sớm gieo từ 25 – 31/12; xuân chính vụ gieo trong tháng 1/2015 và xuân muộn gieo trong tháng 2/2015. Đối với lúa cấy (áp dụng cho các tiểu vùng có khí hậu lạnh), gieo mạ có che phủ ni lông vào đầu tháng 1/2015, cấy đầu tháng 2/2015 khi mạ được 3 – 4 lá.
Tích cực áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất: chương trình canh tác lúa cải tiến SRI; chương trình “3 giảm 3 tăng”, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, ICM nhằm giảm chi phí lao động, tiết kiệm giống và tiết kiệm nước, tăng hiệu quả trong sản xuất.
Ngành Nông nghiệp chỉ đạo các phòng nông nghiệp – phát triển nông thôn, phòng kinh tế chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương phương án phòng chống rét cho lúa để hạn chế thấp nhất diện tích lúa bị chết do rét; chuẩn bị khoảng 10% giống dự phòng bằng những giống lúa ngắn ngày ứng phó kịp thời nếu xảy ra rét đậm, rét hại.
Dự báo vụ đông xuân năm 2014 – 2015 trên địa bàn tỉnh ta thời tiết diễn biến phức tạp sẽ có từ 2 – 3 đợt rét đậm, rét hại (cao điểm từ giữa tháng 12/2014 đến đầu tháng 1/2015), vì vậy đảm đảo cho vụ sản xuất thắng lợi, bà con nông dân phải áp dụng đúng quy trình đầu tư chăm sóc, tưới tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ và thường xuyên thăm đồng để phát hiện, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ch%E1%BB%A7-%C4%91%E1%BB%99ng-ngu%E1%BB%93n-gi%E1%BB%91ng-v%E1%BB%A5-%C4%91%C3%B4ng-%E2%80%93-xu%C3%A2n
Related news
Sản phẩm lúa làm ra được tiêu thụ hết theo hợp đồng; lợi nhuận của nông dân (ND) được đảm bảo, vai trò Hội ND được phát huy trong việc tổ chức lại sản xuất...
Trên địa bàn Hậu Giang, hiện nay chưa có khách hàng vay nuôi tôm, chỉ có khách hàng vay vốn để nuôi cá tra. Tính đến hết tháng 3-2014, tổng dư nợ cho vay nuôi trồng thủy sản trên toàn địa bàn là 2.098 tỉ đồng, chiếm 14,5% tổng dư nợ cho vay, trong đó chủ yếu cho vay nuôi cá tra, với dư nợ 1.025 tỉ đồng.
Cuối năm nay, Lý Sơn cũng sẽ có điện lưới quốc gia được thực hiện xuyên biển bằng cáp ngầm. Đây đều là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy huyện đảo vốn giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược quan trọng phát triển mạnh mẽ hơn về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng.
Ở thời điểm mà những ruộng lúa Xuân muộn vẫn còn đứng cái, hứng chịu cái nắng gắt gỏng chờ ngày trổ bông và đứng trước nguy cơ bị rầy nâu tấn công, phá hoại thì chỉ hơn chục ngày nữa thôi, người dân Nà Pâu, xã Lạc Nông (Bắc Mê) sẽ ăn mừng lúa mới. Một sự “đột phá” về chuyển đổi mùa vụ đang mang lại hiệu quả rõ nét nơi đây.
Để phát triển và nhân rộng mô hình tổ, đội khai thác thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngư dân thấy được lợi ích của việc tổ chức khai thác hải sản theo tổ, đội, đặc biệt là các tổ, đội khai thác hải sản xa bờ, kết hợp với bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển.