Chọn Lọc Giống Khoai Tây Thương Phẩm Để Bảo Đảm Năng Suất

Khoai tây đang trở thành loại cây rau màu chủ lực đem lại thu nhập cao và là hướng phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. Để sản xuất khoai tây phát huy hiệu quả trên từng diện tích canh tác, việc sử dụng nguồn khoai giống có chất lượng, bảo đảm đóng vai trò hết sức quan trọng.
Hàng năm, toàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 2.000 ha trồng khoai tây, tập trung chủ yếu ở Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành với các giống chủ lực là khoai Đức, Atlantic, KT2, Sinora… Nguồn giống sản xuất khoai tây do nông dân sử dụng khoai thương phẩm từ vụ đông bảo quản trong kho lạnh hoặc mua giống nguyên chủng để trồng ở vụ xuân.
Thực tế, việc nhân giống bằng khoai thương phẩm giúp nông dân giảm giá thành đầu vào nhưng, giống lai có nguy cơ thoái hóa cao và giảm năng suất. Thông thường, các hộ dân chọn những củ to đẹp để bán, tận dụng củ nhỏ, củ loại để lưu giữ giống ở kho lạnh bảo quản cho vụ sau. Trong khi bản thân những củ giống này đã bị nhiễm bệnh, độ thuần chủng thấp do đã qua sản xuất một số vụ.
Tại xã Yên Trung (Yên Phong), mặc dù Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện luôn khuyến cáo nông dân chỉ trồng 1 vụ bằng giống khoai tây thương phẩm, nhưng tỷ lệ hộ dân sử dụng giống thương phẩm qua nhiều vụ vẫn khá cao.
Theo ghi nhận từ sản xuất ở địa phương, năng suất khoai tây trồng bằng giống thương phẩm thấp hơn từ 15-20% so với giống khoai xác nhận và giảm dần theo từng vụ. Nông dân tiết kiệm được tiền mua khoai giống nhưng chất lượng giống thấp dẫn đến năng suất giảm, mất nhiều công chăm sóc do cây thường bị các bệnh mốc sương, héo xanh,…
Là một địa phương có truyền thống trồng khoai tây, nông dân ở Quế Võ đã chủ động trong việc nhân giống để cho năng suất cao. Bà Nguyễn Thị Mỳ, thôn Nghiêm Xá, xã Việt Hùng cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã nhận thức rõ hơn về kỹ thuật thâm canh cây khoai tây.
Vụ đông vừa qua, tôi đã gửi 300kg khoai thương phẩm vào kho lạnh của HTX, tuy nhiên tôi cũng xác định, với loại khoai tự gây giống này chỉ trồng 1 vụ. Ngoài ra, tôi còn chủ động mua giống của HTX để trồng thêm 1,5 sào khoai giống vụ xuân trên những chân ruộng cao”.
Theo ông Đặng Văn Bình, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT Quế Võ, các chính sách của tỉnh hiện nay đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất giống. Theo quyết định 30/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh, nhà nước hỗ trợ 70% giá giống để sản xuất các loại giống khoai tây, đầu tư 100% kinh phí mua thiết bị lạnh khi xây dựng kho lạnh để bảo quản giống.
Thông thường khoai tây giống nguyên chủng sạch bệnh, chất lượng tốt cung ứng cho nông dân để sản xuất giống ở vụ xuân được nhập ngoại thông qua các viện giống cây trồng ở Trung ương, với giá thành trung bình sau khi được hỗ trợ từ 8.000-9.000 đồng/kg, vì vậy ngày càng nhiều nông dân sử dụng loại giống nguyên chủng này.
Mỗi năm, Phòng Nông nghiệp và PTNT Quế Võ cung ứng được hơn 80 tấn khoai giống nguyên chủng, dự kiến sản xuất được gần 800 tấn khoai giống để trồng thương phẩm. Toàn huyện có hơn 40 kho lạnh, mỗi kho lạnh trung bình chứa được 50 tấn cơ bản đáp ứng nhu cầu bảo quản giống tốt cho nông dân. Nhờ vậy, vụ đông năm 2013, Quế Võ đã hoàn thành sản xuất 1.300 ha khoai tây, năng suất bình quân hơn 150 tạ/sào.
Để việc nhân giống từ khoai thương phẩm có thể đem lại hiệu quả, theo anh Nguyễn Đức Hiển, Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư tỉnh, nông dân cần chọn lọc đầu vào chặt chẽ và thực hiện đúng kỹ thuật. Đối với ruộng khoai thương phẩm giữ lại nhân giống, cần chọn chân đất cao ráo và áp dụng chế độ luân canh tốt, không trồng lại trên đất họ cà (cà chua, cà tím, khoai tây…).
Trong quá trình trồng, khóm nào bị chết hoặc nhiễm bệnh phải loại bỏ để kịp thời phòng trừ các dịch bệnh lưu lại. Sau khi thu hoạch, nông dân chọn củ có phẩm cấp tốt, kích cỡ đồng đều, trọng lượng củ tối thiểu là 50g, tương đương khoảng 20 củ/kg. Ngành nông nghiệp cũng cần tăng cường tập huấn kỹ thuật, khuyến cáo nông dân kiểm soát khoai giống ngay từ đầu, thực hiện đúng quy trình bảo quản, trồng và nhân giống để tạo ra nguồn giống chất lượng cao giúp ổn định sản xuất.
Related news

Trà Vinh là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn ở ĐBSCL. Từ thế mạnh này, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, 02 năm gần đây, tình hình tôm nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng ngay từ đầu vụ khiến cho một số hộ nuôi tôm phải “lâm nợ”. Mặc dù hiện nay lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo sát sao và có chính sách hỗ trợ cho người nuôi tôm bị thiệt hại, nhưng với tình hình thời tiết không thuận lợi, giá nhiên liệu tăng, người nuôi tôm thiếu vốn, việc đầu tư vụ nuôi mới càng khó khăn hơn.

Ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, vụ hè thu 2013, chi cục phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, HTX Nông nghiệp An Ninh Tây tiến hành gieo sạ khảo nghiệm 20 giống lúa chịu mặn trên diện tích 1.000m2 tại xã An Ninh Tây (Tuy An). Bộ giống do Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Nông lâm Huế tuyển chọn từ Viện lúa Quốc tế (RIRI) chuyển giao.

Nông dân vùng mặn ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đang đẩy mạnh nuôi tôm sú - cua kết hợp, nuôi cua trên ruộng muối cho thu nhập khá cao.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Trước nay, nhiều hộ dân trồng rau màu ở Đức Trọng (Lâm Đồng) đã phải chịu cảnh “Được mùa rớt giá, được giá mất mùa” và thường bị thương lái ép giá với những lý do về chất lượng sản phẩm. Từ khi áp dụng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, đầu ra ổn định và kinh phí đầu tư cũng giảm.