Chọn gà Đông Tảo để khởi nghiệp
Tốt nghiệp loại giỏi ngành chăn nuôi thú y, Trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk), được giữ lại trường làm giảng viên nhưng cô gái nhỏ nhắn Đào Thị Thùy Linh, sinh năm 1993, ở thôn 7, xã Thuận Hà (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) lại quyết định về nhà xây dựng mô hình nuôi gà Đông Tảo.
Nắm vững kiến thức chăn nuôi, đam mê là cách để tạo hiệu quả kinh tế của Linh
Ước mơ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình bằng những kiến thức đã học thôi thúc Linh trong suốt quá trình học tập.
Linh cho biết: Em biết đến gà Đông Tảo từ khi làm đề tài khóa luận tốt nghiệp đánh giá sự sinh trưởng, phát triển và hiệu quả kinh tế của gà lai chọi. Để có cơ sở, tiêu chuẩn đánh giá, so sánh, em đã nuôi thêm 15 con gà Đông Tảo. Trên cơ sở của 3 tháng trực tiếp làm khóa luận, nghiên cứu và so sánh, em đã nhận thấy hiệu quả kinh tế từ gà Đông Tảo hơn hẳn gà lai chọi. Vậy là, sau ngày tốt nghiệp cử nhân, năm 2016, em quyết định về nhà vay mượn tiền đầu tư xây dựng khu chăn nuôi gà.
Trên diện tích 100 m2 đất, Linh xây dựng chuồng, sân chơi cho gà và bắt đầu nghiệp làm… nông dân. Để có giống gà Đông Tảo chất lượng, Linh đã đích thân về Hưng Yên để liên hệ mua giống, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của những trang trại lớn tại đây.
Trở về, mang theo kinh nghiệm được chia sẻ và 50 con gà giống Đông Tảo mới 10 ngày tuổi, trị giá 25 triệu đồng. Khó khăn ngay lập tức ập tới khi Linh mua gà giống về nuôi trúng vào thời điểm gió mùa, gà lại không phải giống thuần chủng địa phương khiến đàn vật nuôi không đủ sức đề kháng nên chết phân nửa. Lứa gà đầu tiên lỗ vốn.
“Khởi đầu lỗ chút đỉnh coi như học phí để rút ra bài học cho mình tiếp tục nuôi sao cho hiệu quả. Điều quan trọng là mình đã biết được nguyên nhân thất bại để rút kinh nghiệm”- Linh chia sẻ.
Để chủ động nguồn giống, mỗi lứa gà nuôi thịt Linh đều lựa ra những con gà đẹp, có nhiều ưu điểm giữ lại nuôi để gây giống, từng bước tạo nguồn giống bố mẹ. Linh tách những con giống bố mẹ đẹp nuôi riêng làm giống và ghép đôi sinh sản. Đến thời kỳ sinh sản, Linh cho ghép đôi nhưng không đơn giản như Linh nghĩ, giống bố mẹ khỏe mạnh nhưng tỷ lệ trứng nở con rất ít.
Giống gà Đông Tảo trị giá nhất ở đôi chân
Đặc điểm gà Đông Tảo là khả năng đạp mái thành công không cao. Gà Đông Tảo rất vụng về trong cách ấp trứng và nuôi con nên Linh đã đầu tư mua máy ấp trứng để bảo đảm trứng ấp ra đạt cao. Nhờ sinh sản tốt, ít dịch bệnh, Linh đã nhanh chóng nhân số lượng đàn.
Linh đang tự tạo nguồn giống bằng cách sinh sản nhân tạo
Trên diện tích nêu trên, Linh xây dựng chuồng trại và phân thành từng chuồng nuôi theo từng loại gà sinh sản, gà thịt, gà con, gà giống. Hiện nay, đàn gà Đông Tảo có khoảng 300 con, trong đó có 200 con gà bố mẹ. Bán ra thị trường với giá gà thịt 300 ngàn đồng/kg, trứng giống 30 ngàn/quả, gà con 10 ngày tuổi 200 ngàn đồng/con, gà giống bố mẹ 3 triệu đồng/con. Mỗi tháng chỉ tính tiền bán giống gà, Linh thu về khoảng 10 triệu đồng.
Thị trường đầu ra cho gà Đông Tảo của Linh hiện khá ổn định. Nguồn con giống chất lượng vẫn không đủ hàng cung cấp cho khách hàng, còn gà thịt phải đặt trước Linh mới có hàng cung cấp. Trong thời gian tới, Linh đang từng bước mở rộng quy mô, xây dựng chuồng trại đạt chuẩn và chăn nuôi theo mô hình khép kín trong đó nuôi thỏ, lấy phân nuôi giun quế, lấy giun quế nuôi gà…
Theo kinh nghiệm của Linh thì nuôi gà Đông Tảo cũng giống như những giống gà khác, thức ăn chủ yếu dùng cám gạo, bột ngô. Ngoài ra thức ăn bổ sung là các vitamin, rau xanh và khoáng chất. Gà Đông Tảo có sức đề kháng kém nên người nuôi phải thường xuyên để ý các triệu chứng như sổ mũi, xù lông… để cách ly và chữa trị, tránh lây lan sang những con khác.
Trong quá trình nuôi không nhốt chung gà ở nhiều lứa tuổi khác nhau vào một chuồng và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để tránh dịch bệnh. Mỗi ngày Linh ghi chép cẩn thận lượng thức ăn, loại thức ăn cho mỗi con gà để tiện theo dõi, chăm sóc và cuối tháng tính lợi nhuận.
Chỉ với khoảng 50 triệu đồng, Đào Thị Thùy Linh đã tìm cho mình một mô hình chăn nuôi phù hợp, một môi trường để sử dụng kiến thức mình đã học vào thực tiễn và một mô hình khởi nghiệp đầy tiềm năng.
Related news
Thực hiện thành công mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới, kết hợp chăn nuôi lợn, gà, trồng rừng kinh tế. Tổng thu nhập của gia đình đạt khoảng 150 triệu đồng
Bà Trương Thị Hồng Giang, giảng viên khoa Kinh tế – luật, ĐH Trà Vinh, muốn trải nghiệm độ “gập ghềnh” của hành trình khởi nghiệp, với mô hình trồng măng tây
Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng trồng 2 năm liên tiếp với diện tích 3ha, mật độ gieo 25kg hạt giống/ha, tỷ lệ nẩy mầm đạt 99%.