Chợ phiên nông sản an toàn có sớm mọc, tối tàn?
Khi nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng ngày càng tăng, các phiên chợ nông sản an toàn, nông sản sạch… cũng nở rộ. Thế nhưng, để duy trì được tần suất, chất lượng sản phẩm tại các phiên chợ này là điều không dễ.
Nhộn nhịp chợ phiên nông sản
Sáng cuối tuần một ngày đầu tháng 10, chị Nguyễn Hồng Ngọc (ngụ quận 3, TP.HCM) lặn lội tới “Chợ phiên nông sản an toàn” tận đường Cao Thắng (quận 10) để tìm mua thực phẩm cho gia đình, từ thịt, trứng, rau đến gạo, sữa... “Đặc biệt, tất cả các nông sản tại đây đều có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc VietGAP, GlobalGAP… nên tôi rất yên tâm” - chị Ngọc cho biết.
Trong ảnh: Khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi mua hàng tại các phiên chợ Xanh tử tế. Ảnh: K.H
“Muốn chợ phiên được duy trì lâu dài, cần phải có được nguồn cung ổn định, do đó cũng cần người sản xuất làm sao để toàn bộ nông trại được chứng nhận an toàn chứ không chỉ riêng một vài loại sản phẩm”. Ông Bùi Văn My - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM
Ông Nguyễn Văn Trực – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, sau hơn 2 tháng tổ chức với tần suất 2 phiên/tháng, đầu tháng 10 vừa qua, “Chợ phiên nông sản an toàn” do Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức đã tăng tần suất lên 4 phiên/tháng, tức sẽ tổ chức định kỳ thứ 7 hằng tuần tại khu vực Nhà hàng Đông Hồ (phường 12, quận 10, TP.HCM).
Theo đó, các sản phẩm bày bán tại chợ phiên này phần lớn đều đã được nhiều người tiêu dùng biết đến như sản phẩm của các HTX rau Phú Lộc, Phước An, Thỏ Việt, Nhuận Đức, Ngã Ba Giồng, DalatGAP, thịt heo An Hạ, Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn…
Trong khi đó, “Phiên chợ xanh - tử tế” tổ chức tại 163 Pasteur (phường 6, quận 3, TP.HCM) cũng đã trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều bà nội trợ muốn tìm mua thực phẩm sạch, an toàn.
Bà Vũ Kim Anh - Chủ nhiệm câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), đơn vị tổ chức “Phiên chợ Xanh – tử tế”, cho biết, phiên chợ đầu tiên chỉ có 20 doanh nghiệp với 25 gian hàng tham gia. Thế nhưng, qua các phiên chợ sau đó, người mua ngày càng tăng, số lượng đơn vị tham gia bán hàng cũng đã tăng hơn 45 doanh nghiệp và trên 50 gian hàng.
Bên cạnh những phiên chợ nông sản do các cơ quan chức năng tổ chức, những phiên chợ nông sản “tự phát”, bắt nguồn từ nhu cầu tìm kiếm, trao đổi nông sản sạch của người trồng – người mua cũng nở rộ. Nhiều cái tên đã được cộng đồng người tiêu dùng TP.HCM biết tới như phiên chợ Tâm Dân (149 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM), phiên chợ Lương Nông (quận 1, TP.HCM)…
Duy trì chợ phiên có dễ?
Dù mới nở rộ, nhưng chợ phiên nông sản đã thu hút sự quan tâm của khá đông người tiêu dùng và cả người sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Thế nhưng, việc đảm bảo tần suất các phiên chợ và chất lượng sản phẩm tại chợ phiên là vấn đề khiến phần đông người tiêu dùng lo ngại.
Theo ông Trực, mục đích của “Chợ phiên nông sản an toàn” là tạo cơ hội cho những người sản xuất nông sản an toàn đã được chứng nhận có thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm tới người mua và người tiêu dùng có thêm một nơi để mua các loại nông sản an toàn, đáng tin cậy.
Do đó, các đơn vị tham gia phiên chợ đều phải đáp ứng những yêu cầu như có sản phẩm sạch, an toàn đạt chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP; hoặc đã nằm trong chuỗi cung ứng nông sản an toàn được TP.HCM hay các tỉnh chứng nhận…
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Sở NNPTNT cử cán bộ thường xuyên lấy mẫu kiểm tra và giám sát các sản phẩm đưa vào bày bán ở hội chợ. Tuy nhiên, cũng theo Ban tổ chức chợ phiên, ban đầu, có 27 đơn vị đăng ký tham gia, nhưng sau khi kiểm tra năng lực cung ứng nguồn hàng và yêu cầu về VietGAP, GlobalGAP…, một số đơn vị chưa đáp ứng đủ các quy định nên đã phải loại ra.
Trong khi đó, nguyên tắc để đảm bảo chất lượng sản phẩm của các nhóm nông dân tham gia một số chợ phiên kể trên là hình thức PGS (tức Participatory Guarantee System - hệ thống đảm bảo cùng tham gia). Đây là hệ thống cấp chứng nhận hữu cơ cho nhóm hộ nông dân theo hình thức đảm bảo các bên cùng tham gia, bao gồm người nông dân, ban điều phối PGS tại các địa phương và kể cả người tiêu dùng. Do vậy, tham gia chương trình này, người sản xuất sẽ phải cam kết thực hiện các quy trình sản xuất đúng như đơn vị hướng dẫn đưa ra và tự quản lý lẫn nhau, tự kiểm tra và tự chịu trách nhiệm cho sản phẩm của mình.
Related news
Gần đây, trên thị trường xuất hiện loại táo quả nhỏ, vỏ đỏ tím được người bán gọi là táo đá Hà Giang
Nhiều mặt hàng của Trung Quốc chất lượng kém, không rõ nguồn gốc đội lốt sản phẩm cùng loại có uy tín của Việt Nam.
Theo tính toán, trồng ngô sinh khối (thu hoạch cây), bà con nông dân thu lãi 100 triệu đồng/ha/năm