Chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm sau những thất bại trầy trật
Ở vùng quê có nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại, nhưng anh Quang không theo những nghề có sẵn mà chọn học nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu.
Trồng nấm - nghề “lành”
Anh Bùi Đức Quang ở xã Hồng Tiến, Khoái Châu (Hưng Yên) tâm sự, anh chọn cây nấm để làm kế sinh nhai vì trồng nấm ăn và nấm dược liệu không phải sử dụng phân bón và hóa chất độc hại, sản phẩm nấm tạo ra luôn thơm ngon và bổ dưỡng, đặc biệt là rất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chất thải từ nuôi trồng nấm cũng không gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, có thể nói trồng nấm là nghề “lành”.
Xuất phát từ những cách nghĩ này, ngay từ năm 2008, anh Quang đã tìm đến Viện Di truyền Nông nghiệp để học nghề trồng nấm. Chỉ sau 3 tháng được cầm tay chỉ việc, anh Quang đã nắm bắt được các kỹ năng căn bản trồng các loại nấm. Để rồi về nhà hăm hở mở trại sản xuất ngay.
Anh Quang kể lại, ngày đó chưa có nhiều máy móc cơ giới hóa nuôi trồng nấm như bây giờ. Nên phần lớn các công đoạn sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu đều phải làm thủ công, rất vất vả. Nấm làm ra cũng rất khó tiêu thụ tại địa phương. Do vậy, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ. Mỗi vụ chỉ nuôi trồng được 1,5 - 1,7 tấn nấm ăn các loại. Và cũng 3 lần mất "tiền ngu”, anh mới có được sản phẩm đưa ra thị trường ổn định.
2 năm trồng nấm, 3 lần thất bại
Sai lầm đầu tiên của anh Quang là dùng rơm cho trồng nấm bào ngư. Nghĩ làm như vậy sẽ có được nguồn nguyên liệu giá rẻ tại chỗ, giúp tăng hiệu quả sản xuất. Rơm khô gom về, anh Quang cũng tiến hành tuần tự theo các bước: Nguyên liệu → xử lý nguyên liệu → ủ nguyên liệu → cấy giống → ươm giống → chăm sóc → thu hoạch.
Thế nhưng không ngờ, mới đến khâu ươm giống đã thất bại, sợi nấm không hình thành. Tìm mãi không ra sai sót, anh Quang đã phải mang mẫu nguyên liệu lên Viện Di truyền Nông nghiệp tìm lời giải. Thì ra rơm khô sau thu hoạch, vẫn còn dư lượng thuốc BVTV từ quá trình canh tác lúa, làm cho nấm giống gieo cấy vào bịch bị chết nhanh, không thể phát triển thành sợi.
Biết khó có thể chọn được rơm sạch cho trồng nấm, từ sau vụ sản xuất trên, anh Quang chỉ sử dụng mùn cưa gỗ cao su hoặc gỗ keo làm nguyên liệu trồng nấm bào ngư, mộc nhĩ. Và cũng phải đặt mua từ các cơ sở cung ứng có uy tín cao...
Tuy nhiên, ở vụ trồng nấm này, anh cũng chỉ thành công được tới khâu ươm giống. Nguyên nhân là, nhà trồng nấm đặt giữa khu dân cư khuất gió, xung quanh có nhiều xưởng tái chế đồ dùng nhôm, sắt, khí CO, CO2… thải ra từ các lò than, đã làm cho sợi nấm không vươn thành quả thể.
Thất bại ở vụ sản xuất thứ 3 là thiếu mối liên kết giữa nhà sản xuất với thương lái bao tiêu. Kết quả, sản phẩm nấm tạo ra phải bán rẻ như cho. “Tuy chưa có lãi, nhưng tôi không nản lòng, vì cuối cùng cũng đã làm chủ được kỹ thuật nuôi trồng nấm ăn các loại. Đây chính là động lực giúp tôi tiếp tục theo đuổi ngành nghề mình đã lựa chọn”, anh Quang cho biết.
Rút kinh nghiệm sau 3 lần thất bại, anh Quang đã xây dựng được trang trại chuyên nấm, rộng 3.500 m2, chuyển đổi từ diện tích canh tác lúa hiệu quả thấp. Quân bình mỗi vụ sản xuất (tháng 8 đến tháng 4 năm sau), trang trại cung ứng ra thị trường 6 tấn nấm mộc nhĩ và 30 tấn nấm bào ngư các loại. Lợi nhuận đạt ngót 300 triệu đồng/năm, giúp 20 lao động nông nhàn có việc làm và thu nhập đều đặn 160 nghìn đồng/người/ngày.
Khi được hỏi về yêu cầu then chốt cho trồng nấm ăn thành công, anh Quang bật mí ngay: Một là, nguyên liệu phải sạch (không lẫn tạp, không độc tố), mùn cưa phải khô, không tinh dầu và phải ủ trước khi đưa vào sản xuất tối thiểu 1 tháng trở lên. Mùn cưa mới, tế bào thực vật chưa chết hoàn toàn, đôi khi còn tồn dư thuốc kháng nấm, sau đưa nuôi cấy giống, sợi nấm khó phân hủy nguyên liệu, làm giảm năng suất.
Hai là, phải thanh trùng nguyên liệu thật tốt (xử lý đủ thời gian và nhiệt độ theo quy trình). Cuối cùng, nước tưới phải sạch, nên dùng nước lọc giếng khoan. Nấm bào ngư rất nhạy cảm với hóa chất, thuốc trừ sâu, kim loại nặng trong nguyên liệu cũng như trong môi trường nhà nuôi trồng. Chú ý, cấy giống đúng tuổi để đạt năng suất cao.
Related news
Tuyên Quang nổi tiếng có giống trâu ngố vóc dáng to, khỏe, con đực nặng tới 800 - 900 kg. Tuy nhiên, giống trâu này ngày càng thoái hóa, cần được phục hồi
Nhu cầu xuất khẩu cao. Mít lại là cây dễ trồng, có thể xử lý để cho trái rải vụ, làm nghịch vụ nên có trái quanh năm, không gây ùn ứ sản phẩm.
Hơn 68% số nông dân tại khu vực Đông Nam Á được khảo sát, cho biết tác động của biến đổi khí hậu (lũ lụt, hạn hán) là một thách thức đáng quan tâm