Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Chị Diễm thành công với tôm – lúa

Chị Diễm thành công với tôm – lúa
Author: Mai Trường
Publish date: Friday. June 15th, 2018

Đó là khẳng định của chị Nguyễn Thị Diễm, thành viên của Tổ hợp tác Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang khi nói về hiệu quả sản xuất của gia đình trong những năm qua.

Chị Nguyễn Thị Diễm trao đổi với ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về nuôi tôm theo mô hình tôm - lúa   Ảnh: XT 

Vuông tôm - lúa của chị Diễm rộng 2,5 ha, lặng như tờ, không hề có lấy dù chỉ một cánh quạt tạo ôxy. Cũng phải thôi, vì ở đây, người dân chỉ nuôi tôm theo hình thức quảng canh, mật độ thả nuôi chỉ từ 1 - 2 con và không phải bổ sung thức ăn công nghiệp. Chỉ ra vuông tôm mênh mông nước, chị Diễm tự tin nói: “Thấy vậy chứ mỗi năm tôi đều thu lời một đến hai trăm triệu là chuyện bình thường. Cũng nhờ làm mô hình tôm - lúa mới được vậy, chứ hồi trước thì “bèo” lắm”.

Hiện nay, vuông tôm của chỉ Diễm đã gần 3 tháng và theo chị tôm đã vào cỡ dưới 30 con/kg hết rồi. Chị Diễm cho biết: “Vừa rồi tôi mới thu khoảng trên 100 kg, do tôm chưa vô cỡ lớn nên chỉ bán được giá 160 - 200 nghìn đồng/kg, còn bây giờ chắc phải cỡ 250 nghìn đồng/kg trở lên hết rồi”. Như để kiểm chứng lời nói của mình, chị Diễm cho người em bơi xuồng ra vuông kéo chiếc lú lên, xổ ra toàn tôm bự, con nào cũng mạnh, búng mình văng khỏi cái xô. Kết quả cân thử cho thấy tôm đạt cỡ 24,4 con/kg.

Sau khi thấy kết quả, chị Diễm cười tươi khẳng định: “Cỡ này là bán được giá 270 nghìn đồng/kg rồi đó. Ráng thêm độ nửa tháng nữa là vô cỡ 20 con/kg, giá còn cao hơn nhiều”. Với 2,5 ha tôm - lúa, chị Diễm dành ra một ao nhỏ để làm ao ương trong khoảng 20 ngày sau đó mới bung ra hết toàn bộ diện tích nuôi. Với cách làm này, theo chị Diễm, mỗi năm chị thu hoạch khoảng 300 - 400 kg tôm cỡ lớn, lợi nhuận 170 - 200 triệu đồng. Sau đó, chị lấp lại bằng 1 vụ lúa ST5 tính ra cũng lời được 50 triệu đồng.

Ở vùng đất An Minh này, trước đây, người dân chỉ làm được 1 vụ lúa mỗi năm, năng suất chỉ khoảng 3 tấn, nên đời sống hết sức khó khăn. Từ khi có tôm sú về sống luân canh với cây lúa, đời sống người dân được cải thiện rất nhiều. Với mô hình này, vào mùa nắng, độ mặn lên khoàng 4 - 5‰, người dân bắt đầu thả tôm nuôi tôm sú mật độ thưa (1 - 2 con/m2), nên chỉ cần thức ăn tự nhiên trong ao thôi cũng đủ để tôm lớn. Đến khi mưa giá, độ mặn giảm (tháng 9 - 10), người dân bắt đầu làm đất để sạ lúa. Cây lúa được nuôi sống từ nguồn chất thải con tôm nên cũng phải sử dụng phân bón, giá thành mỗi kg tính ra chỉ khoảng 1.500 - 2.000 đồng.

Tôm sú chưa đầy 3 tháng của chị Diễm đã đạt cỡ 24,4 con/kg 

Riêng gia đình chị Diễm, từ lúc áp dụng mô hình tôm - lúa một cách triệt để, năm nào cũng thu hoạch được 1 đến 2 trăm triệu, cất được nhà khang trang và mua sắm không ít tiện nghi đắt tiền cho gia đình. Chị Diễm bật mí thêm: “Tổ hợp tác tụi tui bắt đầu làm theo VietGAP rồi, nhưng buồn một cái là giá bán thì cũng như giá tôm khác. Tui mong muốn tới đây có doanh nghiệp nào đó vô hợp đồng mua tôm VietGAP của mình để giá bán được ổn định và hiệu quả được cao hơn”.

Ở Kiên Giang và đặc biệt là vùng U Minh Thượng (gồm các xã: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận), tôm - lúa chính là mô hình chủ lực, với tổng diện tích trên 80.000 ha. Tuy nhiên, do năng suất tôm còn thấp nên thu nhập của người dân chưa cao. Vì vậy, tỉnh đang tìm kiếm, chuyển giao các giải pháp khoa học kỹ thuật, nhằm giúp nâng cao năng suất tôm nuôi trong mô hình lên 500 kg/ha và ổn định năng suất các giống lúa đặc sản khoảng 4 - 5 tấn/ha.


Related news

Xuất cấp hóa chất sát trùng cho 2 tỉnh Xuất cấp hóa chất sát trùng cho 2 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) hóa chất sát trùng cho 2 tỉnh: Quảng Trị, Bến Tre để phòng chống dịch.

Thursday. June 2nd, 2016
Triển khai dự án chăn nuôi theo hướng VietGAHP trong nông hộ Triển khai dự án chăn nuôi theo hướng VietGAHP trong nông hộ

Năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai dự án “Mô hình áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng VietGAHP trong nông hộ” tại hai xã Ngọc Châu, Liên Sơn (Tân Yên) với quy mô 6 con lợn đực giống và 2.450 con lợn nái trong mạng lưới thú y cộng đồng.

Thursday. June 2nd, 2016
Vùng đất đệ nhất chè và giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao Vùng đất đệ nhất chè và giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao

Được ví là vùng “đệ nhất chè”, những năm qua tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng đẩy mạnh sản xuất cây chè hàng hóa và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Friday. June 3rd, 2016
Ham học hỏi, nuôi dê mau thành công Ham học hỏi, nuôi dê mau thành công

Đang sống khỏe với nghề lái máy ủi, bởi đam mê, anh Phan Văn Phiệt (xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) chuyển qua nuôi dê.Ham học hỏi, không giấu dốt, bước đầu anh đã thành công với việc sở hữu đàn dê hơn 300 con.

Friday. June 3rd, 2016
Thành Phố Hồ Chí Minh kêu gọi tiêu thụ trái cây nội địa Thành Phố Hồ Chí Minh kêu gọi tiêu thụ trái cây nội địa

TP.HCM kêu gọi người tiêu dùng đẩy mạnh tiêu thụ trái cây nội địa, ủng hộ nông dân ĐBSCL vơi bớt khó khăn trước thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay.

Friday. June 3rd, 2016