Chạy Theo Phong Trào, Hàng Loạt Địa Phương Khổ Vì Dư Thừa Sắn
Năm 2011, nước ta đã thu được về hơn 1 tỷ USD từ xuất khẩu sắn. Thấy sắn bán được, nhiều địa phương đã đua nhau mở rộng diện tích trồng sắn. Bất ngờ là năm nay Trung Quốc ngừng nhập khẩu sắn của VN, dẫn tới giá sắn bị rớt thê thảm tại nhiều địa phương.
Sắn rẻ như… muối
Sau hàng loạt các tỉnh như Hà Tĩnh, Kon Tum… đến lượt Quảng Trị lại “dính” phải tình trạng: Sắn thừa, giá rớt. Từ đầu tháng 3 tới nay, giá sắn củ từ 2.400 đồng/kg đã giảm xuống còn 1.200 đồng, thậm chí 900 đồng/kg.
Tại huyện Hải Lăng, nơi có 1.300ha sắn, đã có rất nhiều nông dân bỏ mặc sắn trên đồng không dám thu hoạch, vì sợ giá còn rớt nữa. Huyện này có đến 1.300ha sắn, phần lớn diện tích này đang nằm trên đồng dù đã đến kỳ thu hoạch.
Bà Trần Thị Xanh ở xã Hải Phú nói: “Nhà tôi có 5 sào sắn đã vào vụ thu hoạch nhưng không dám nhổ, vì nếu nhổ bán lúc này, tiền thu về sẽ không đủ để chi trả cho nhân công cũng như trả nợ phân bón và giống”. Tâm lý của bà Xanh cũng là của hầu hết hộ nông dân ở đây, họ đều phải “găm” sắn tại ruộng để chờ giá lên.
Ông Nguyễn Nhạc- Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú cho biết: “Hiện chúng tôi chỉ biết vận động bà con cố gắng thu hoạch các diện tích sắn đã quá tuổi để bán lấy chút ít tiền đầu tư giống, phân bón cho vụ sản xuất sau. Có muốn hay không đến vụ cũng phải sản xuất, chứ không thể bỏ mùa vụ”. Cũng theo ông Nhạc, do năm trước giá sắn lên cao, nên nhiều gia đình chặt bỏ hàng chục ha cây rừng tràm 1-2 năm tuổi để trồng sắn, nhưng nay sắn mất giá nên bà con mới hoang mang, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần vì đầu tư cho sắn quá lớn.
Theo Phòng NNPTNT huyện Hải Lăng, giá sắn củ năm nay rất thấp, trong khi đó, giá phân bón, nhân công chăm sóc, nhân công thu hoạch, chi phí vận chuyển lại tăng. Đó là chưa kể nhà máy còn trừ 20 - 40% chi phí tạp chất khi mua sắn tươi của bà con. Do vậy, vụ sắn này nông dân cầm chắc thua lỗ nặng.
Sẽ hạn chế diện tích trồng sắn
Sở dĩ giá sắn liên tục bị rớt giá trong thời gian qua là do phía Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu sắn của Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hàng năm, Trung Quốc nhập khoảng 5 triệu tấn sắn lát. Nhiều năm qua, nhu cầu nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc không ngừng gia tăng, mỗi năm nước này vẫn phải nhập khẩu trên 20 triệu tấn. Do đó, theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, vấn đề là các doanh nghiệp VN cần có chiến lược bài bản và sản xuất thích ứng với nhu cầu của thị trường Trung Quốc để tận dụng cơ hội xuất khẩu mặt hàng này.
Ông Nguyễn Như Hải - Trưởng phòng Cây lương thực và thực phẩm (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT)
“Tình trạng ồ ạt phá rừng trồng sắn khi giá cao dù đã được Bộ NNPTNT cảnh báo nhiều lần, song trên thực tế vẫn tái diễn ở nhiều địa phương. Chủ trương của Bộ NNPTNT là sẽ tiếp tục giảm diện tích sắn xuống còn 450.000ha vào năm 2015 theo hướng canh tác bền vững, sử dụng phân hữu cơ để hạn chế tình trạng ế ẩm và rớt giá sắn”.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ NNPTNT, diện tích sắn cả nước đã được mở rộng lên tới 550.000ha, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa sắn nguyên liệu, làm giảm giá thành như hiện nay. Theo ông Nguyễn Như Hải- Trưởng phòng Cây lương thực và thực phẩm (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT), tình trạng sắn ế không xuất khẩu được đang khiến người nông dân nhiều địa phương lao đao. Vì thế, thay vì xuất khẩu sắn tươi như trước đây, nông dân phải thái lát phơi khô hoặc bán với giá rẻ cho các nhà máy chế biến tinh bột trong nước.
Bộ NNPTNT cũng đưa ra khuyến cáo, trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tìm kiếm thêm thị trường mới ngoài thị trường Trung Quốc nhằm hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường này. Tuy nhiên, ông Hải cũng nhấn mạnh, vì sắn xuất khẩu chủ yếu là sắn lát, sắn củ nên việc mở rộng thị trường ngoài khu vực Đông Nam Á gặp nhiều khó khăn. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần gia tăng hàm lượng chế biến trong sản phẩm xuất khẩu thay vì xuất khẩu sản phẩm thô như hiện nay.
Related news
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, diện tích sản xuất theo cánh đồng lớn của tỉnh Cà Mau tăng đáng kể, đến nay trên 15.000 ha.
Theo Cục Trồng trọt, hiện nay cả nước có gần 11.800 ha ca cao, trồng nhiều nhất là tỉnh Bến Tre, gần 2.800 ha, thấp nhất là Gia Lai 9,6 ha.
Do giá hạt tiêu trên thị trường luôn ở mức cao so với nhiều loại nông sản chủ lực khác ở Tây Nguyên, nên trong những năm gần đây, nông dân đã ồ ạt trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, khiến diện tích hồ tiêu tăng nhanh. Việc phát triển “nóng” nêu trên không chỉ phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Vì vậy, để cây hồ tiêu phát triển bền vững, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và lâu dài.
Trên địa bàn huyện chỉ mới xuất hiện những cơn mưa dông đầu mùa, đất chưa đủ độ ẩm nhưng nhiều người dân huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã ồ ạt xuống giống một số cây trồng vụ mùa; trong đó chủ yếu là cây mì, sau đó gặp nắng nóng kéo dài đã làm cho hàng ngàn ha mì chết và chậm phát triển vì thiếu nước. Những ngày qua, trên địa bàn huyện bắt đầu có mưa, phần nào giải cơn khát cho cây trồng thì cũng là điều kiện cho các dịch bệnh gây hại cây trồng xuất hiện.
Sự kết hợp đồng bộ các giải pháp giữa địa phương và các nhà quản lý chuyên ngành đã đưa giá vải thiều Bắc Giang lên cao nhất trong 5 năm qua, đạt trung bình 15.000 đồng/kg; tổng giá trị sản xuất đạt 2.900 tỉ đồng.