Châu Thành (Hậu Giang) Phát Huy Thế Mạnh Cây Trồng Giá Trị
Trên cơ sở phát huy thế mạnh cây trồng giá trị tại địa phương, đặc biệt là cây ăn trái có múi, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành (Hậu Giang) luôn chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó có biện pháp chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất mới nhằm giúp cho nhà vườn duy trì năng suất, hiệu quả kinh tế lâu dài.
Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, khẳng định: Những năm gần đây, không ít hộ dân nhờ biết phát huy thế mạnh kinh tế vườn mà đã vươn lên khá giàu nhanh chóng.
Trong khi dịch bệnh trên vườn cây có múi đang diễn biến hết sức phức tạp, có nguy cơ đe dọa đến đời sống, sản xuất của phần lớn dân cư trên địa bàn huyện. Cho nên công tác phòng chống dịch bệnh trở thành nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên đối với ngành nông nghiệp Châu Thành.
Khống chế dịch bệnh trên cam sành
Hiện, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên vườn cây ăn trái có múi trong huyện đang được khống chế. Đáng kể là bệnh vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ cây cam sành, sâu đục trái bưởi Năm Roi không còn bùng phát ra diện rộng như mấy năm trước nữa.
Đó là nhờ các cơ quan chuyên môn của huyện lẫn tỉnh, mà trước hết là ngành nông nghiệp Châu Thành đã tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật canh tác, phòng chống dịch bệnh cho nhà vườn. Anh Lê Minh Luân, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện, cho hay: Hầu hết nhà vườn đều mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật canh tác mới để nâng cao hiệu quả sản xuất cho gia đình mình.
Dẫn vào vườn cam sành 3-4 năm tuổi đang trĩu quả trên cành, với diện tích 1ha phía sau nhà, ông Phùng Văn Ba, ở ấp Phước Hưng, xã Đông Phước A không giấu được niềm vui trúng mùa, được giá. Khi mà thương lái đến tận vườn của ông ngã giá thu mua 26.000 đồng/kg.
Với mức giá ngất ngưởng này, tính ra ông Ba cầm chắc trong tay vài chục triệu đồng ngay từ đợt thu hoạch lứa trái đầu tiên của năm nay. Ông Ba chia sẻ: Bí quyết giữ cho vườn cây xanh tốt, cho trái sáng bóng, được thương lái ưa chuộng một phần cũng là nhờ ông mạnh dạn bón phân hữu cơ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Hàng năm, ông Ba sử dụng khoảng 6 tấn phân hữu cơ nhằm bổ sung vi chất cần thiết, chống bạc màu cho đất, nuôi dưỡng bộ rễ, kích thích cho vườn trái cây kéo dài tuổi thọ, sinh lợi lâu dài. Ngoài giải pháp bón phân hữu cơ đúng cách, phù hợp với quy trình xử lý ra hoa, cho trái rải vụ, ông Ba còn thường xuyên được cán bộ kỹ thuật của địa phương đến hỗ trợ cách thức phòng chống dịch bệnh cho vườn cam sành.
Ông Ba cho biết: Khi cần là liên hệ mấy anh em kỹ thuật của xã, cũng như của huyện đến đo độ phèn trong đất, hoặc kiểm tra nhanh về nguyên nhân bệnh vàng lá gân xanh, thối rễ là do vi rút hay nấm gây ra để có cách phòng trị kịp thời.
Phục hồi diện tích bưởi Năm Roi
Những năm gần đây, bưởi hồ lô được xem là đặc sản vào mỗi độ xuân về tết đến. Tuy nhiên, muốn được những trái bưởi có hình dáng bình hồ lô, mang ý nghĩa nhân sinh, đậm nét phong thủy trước khi cung cấp ra thị trường tết cổ truyền dân tộc, đòi hỏi người dân phải gìn giữ và chăm sóc vườn cây của gia đình luôn tươi tốt, chống lại sự già cỗi, lão hóa.
Nhưng trước mắt là duy trì diện tích, giữ vững vùng nguyên liệu, đảm bảo cung cấp bưởi Năm Roi thương phẩm cho thị trường trong và ngoài nước. Hiện giá bưởi Năm Roi trên 25.000 đồng/kg đã phần nào động viên, khuyến khích người dân gắn bó hơn với vườn bưởi Năm Roi truyền thống.
Sau khi được lực lượng chuyên môn khuyến cáo, hướng dẫn kỹ thuật, anh Lê Văn Tuấn, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu đã tiến hành ủ phân hữu cơ để bón cho 0,7ha vườn bưởi Năm Roi 15 năm tuổi của gia đình mình. Anh Tuấn cho hay: Từ trước đến giờ chủ yếu bón phân hóa học nên mặt đất của mương liếp trong vườn chai cứng qua từng năm, gây trở ngại cho việc tạo tán, tỉa cành nhằm trẻ hóa vườn bưởi.
Vì thế, vụ này anh quyết định chuyển sang bón phân hữu cơ nhằm cải tạo lại cây trong vườn đang có dấu hiệu già cỗi. Quan trọng hơn hết là duy trì tỷ lệ đậu trái đạt chất lượng, đáp ứng cho việc tạo hình nghệ thuật bưởi hồ lô vào dịp cuối năm.
Ông Trần Quang Hành cho rằng: Thời gian qua, thị trường trái cây có múi nói chung luôn ổn định và giá cả duy trì ở mức cao. Cùng với đó là ngành nông nghiệp huyện xúc tiến thực hiện giải pháp hỗ trợ giống cây sạch bệnh cho các nhà vườn, câu lạc bộ, hợp tác xã trong huyện khi có nhu cầu cải tạo, chuyển đổi sang trồng bưởi Năm Roi.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất, phòng chống dịch bệnh, trẻ hóa vườn bưởi, đầu tư hệ thống đê bao thủy lợi nên không những duy trì sản lượng, mà còn khôi phục lại diện tích cho vùng bưởi nguyên liệu Châu Thành.
So với 3 năm trở về trước, ước tính diện tích đã tăng thêm hàng chục héc-ta là minh chứng xác thực nhất cho mục tiêu khôi phục và phát triển vườn bưởi Năm Roi truyền thống của huyện Châu Thành.
Tổng diện tích cây ăn trái hiện có trên toàn huyện Châu Thành hơn 9.500ha, tăng 886ha so với cùng kỳ. Trong đó bưởi Năm Roi là 1.705ha, chanh không hạt 328ha, cam sành 4.711ha, quýt 77ha, còn lại là các loại cây ăn trái khác.
Related news
Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân xã Mỹ Bằng huyện Yên Sơn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống chè cành mới có hiệu quả kinh tế vào sản xuất trên đất vườn đồi để tăng thu nhập và nâng cao đời sống kinh tế.
Những năm gần đây, mô hình nuôi heo (lợn) kết hợp với thả cá đã không còn xa lạ đối với bà con nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi.
Trong 2 năm trở lại đây, phong trào trồng cây đu đủ giống Đài Loan rất phát triển tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Toàn huyện có khoảng 10 ha trồng đu đủ, trong đó xã Cam Hiệp Nam 6 ha, Cam Hiệp Bắc 2 ha và Cam Hòa 2 ha. Đu đủ là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác như mía, sắn (mỳ)… ở những chân đất cao thoát nước tốt và có điều kiện bơm tưới.
Ở thôn Dương Sơn xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn) có mô hình sản xuất tổng hợp của gia đình ông Ngô Mạnh Hồng gồm 1,5 mẫu ruộng khoán, một khu riêng biệt nuôi gà đẻ trứng với diện tích gần 100m2, cùng với 13ha ruộng thuê để sản xuất khoai tây giống.
Men theo con đường đất chúng tôi tìm về nhà chị Bùi Thị Trạm ở xóm Dài xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn. Đón tôi là một người phụ nữ dáng vẻ lam lũ nhưng khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười xởi lởi. Nhìn cơ ngơi của chị, khó ai có thể tin rằng trước đây chị là một hộ nghèo trong xã.