Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Chanh leo lan rộng cao nguyên Mộc Châu

Chanh leo lan rộng cao nguyên Mộc Châu
Author: Việt Tùng
Publish date: Monday. August 15th, 2016

Chanh leo từng bước thay thế cây su su

Mộc Châu được biết đến như một cao nguyên trù phú, với các sản vật nổi tiếng như mận Tam hoa, đào mỏ quạ, su su và đặc biệt là nơi có nhiều tỷ phú bò nhất cả nước.

Mảnh đất màu mỡ này, được ví như là “Đà Lạt thứ 2”, bởi thổ nhưỡng, khí hậu thiên nhiên ưu đãi, quanh năm mát mẻ, nên rất thích hợp cho việc trồng trọt, sản xuất theo mô hình công nghệ cao, sạch.

5 năm trước, nếu cây su su là cây trồng chủ lực ở Mộc Châu, thì nay cơ cấu đã thay đổi, thay vào đó là cây chanh leo.

Ông Hà Trung Chiến – Bí thư huyện Mộc Châu cho biết, hiện Mộc Châu có 1.009ha sản xuất rau, củ, quả, đạt 17.300 tấn/năm, với 35 loại rau.

Trong đó có 21.7ha đã được chứng nhận VietGAP, 22,5ha được chứng nhận sản xuất an toàn, diện tích rau chủ yếu được sản xuất ở Đông Sang, Mường Sang, Chiềng Hắc và thị trấn Mộc Châu, với 9 tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 7 hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp.

Theo đó, giá trị sản xuất trung bình đạt từ 300 – 400 triệu đồng/ha/năm.

Cây chanh leo đang được thay thế dần cây su su và nó đang trở thành cây “vàng” trên cao nguyên Mộc Châu.

Hơn 2 năm nay, huyện đã đưa vào trồng thử nghiệm giống chanh leo Đài Loan, theo mô hình liên kết và đang phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Minh Thái – Chủ nhiệm HTX Chanh leo Mộc Châu cho biết, HTX được thành 11.2015, ban đầu có 28 thành viên và hiện là 78 thành viên, với 86ha, tập trung ở xã Tân Lập, Chiềng Hắc, Phiêng Luông và thị trấn Nông trường Mộc Châu.

HTX đang liên kết với Công ty CP Nafoods Tây Bắc để sản xuất và bao tiêu 100% sản phẩm cho bà con.

Theo ông Sáng, ngoài những cam kết trên, công ty còn cam kết với người dân, HTX là sẽ thu mua cho người dân mức giá từ 5.000 – 7.000 đồng, khi người dân tham gia góp đất trồng chanh leo và tạo thành mối liên kết theo chuỗi.

“Cây chanh leo rất thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng Mộc Châu, chỉ sau 4 tháng là cho thu hoạch.

Năm đầu tiên cho 40 - 45 tấn/ha, năm thứ hai đạt 65 – 70 tấn/ha, với giá trung bình 7.000 đồng/kg (đạt 12 – 13 quả/kg).

Để quả chanh đạt chất lượng, chúng tôi thường xuyên tập huấn cho các xã về cách ghi chép hàng ngày, sử sử dụng thuốc BVTV, lịch phun thuốc, bón phân, thu hái, đánh giá sản phẩm của từng diện tích của các xã viên.

Mỗi một tiểu khu HTX bầu ra một tổ trưởng để lên lịch phun thuốc, bón phân, hái quả...

nhờ đó có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm là của xã viên nào” – ông Thái cho biết.

Bà Đặng Thị Vui - xã viên trồng chanh leo với diện tích 1ha, ở Tiểu khu 84 – 85, thị trấn Nông trường Mộc Châu vui vẻ nói: “Trước đây nhà mình trồng su su, ngô, sắn và cây nậm, thu nhập chẳng đáng là bao.

Hai năm nay được công ty đưa giống chanh leo về trồng rất hiệu quả, cho thu nhập gấp 2 – 3 lần trước đây, nhờ đó mà đời sống gia đình mình cũng tăng lên”.

Liên kết bền vững

Ông Nguyễn Văn Sáng – Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Nafoods Tây Bắc cho biết, công ty đã ký hợp đồng liên kết với HTX và người dân trong việc sản xuất và tiêu thụ chanh leo.

“Chúng tôi cung cấp giống, kỹ thuật, phân bón cho bà con.

Khi chanh chín chúng tôi cam kết bao tiêu 100% sản phẩm.

Hiện công ty đang mở rộng thị trường ra các nước Đông Nam Á và chấu Á… nên lượng cầu rất lớn.

Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích chanh leo ra một số tỉnh phía Bắc, nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến của nhà máy và xuất khẩu” – ông Sáng cho hay.

Ông Nguyễn Viết Chữ - Phó Chủ nhiệm HTX Chanh leo Tây Bắc cho biết thêm, do chanh leo chín rất nhanh, nên khi chanh vào độ chín cứ 2 ngày, hoặc thậm chí ngày thu hoạch một lần.

Lịch thu hoạch, do HTX quyết định.

Bà con thu hoạch chanh tập hợp tại HTX, sơ chế, rồi giao lại cho công ty.

“Chanh leo là loại cây rất ít sau bệnh, nhìn vườn chanh rậm rạp thế, nhưng không có con sâu nào, chủ yếu chỉ dùng thuốc kích thích đậu quả thôi, nên chất lượng quả rất tốt, sạch” – ông Chữ chia sẻ.

Ông Tạ Đồng Bảy – xã viên, ở Tiểu khu 84 – 85, thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết, trước đây ông trồng hơn 1ha su su.

Tuy nhiên, gần đây giá su su liên tục sụt giảm, năng suất thấp, nên anh đã quyết định bỏ su su sang trồng chanh.

“Với năng suất 60 – 70 tấn/ha, chỉ cần giá trung bình đạt 5.000 – 6.000 đồng/kg, đầu ra ổn định, trồng chanh leo đã có lãi hơn rất nhiều cây trồng khác ở Mộc Châu hiện nay” – ông Bảy nhận định.


Related news

Trao quyền chủ rừng cho nông dân Trao quyền chủ rừng cho nông dân

“Chính quyền và lực lượng chức năng phải hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ rừng trồng; không can thiệp quá sâu vào việc trồng và tiêu thụ lâm sản trên diện tích rừng kinh tế” – ông Vũ Đức Thuận- Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Sơn La, bảo vậy.

Saturday. August 13th, 2016
Muốn làm giàu phải có... tư duy mới Muốn làm giàu phải có... tư duy mới

Đó là tâm sự của ông Lò Văn Thành (nông dân (ND) đội 15, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Ông là ND xuất sắc trong phong trào xóa đói giảm nghèo của tỉnh Điện Biên năm 2015 và là người tích cực giúp các hộ khác thoát nghèo, giúp bản làng thêm ấm no, hạnh phúc.

Saturday. August 13th, 2016
Kết nối sản xuất, tiêu thụ rau muống an toàn Kết nối sản xuất, tiêu thụ rau muống an toàn

Ngày 11/8, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp TP.HCM phối hợp với HTX Thỏ Việt, tổ chức họp bàn về kết nối sản xuất - tiêu thụ rau muống an toàn trên địa bàn TP.HCM.

Saturday. August 13th, 2016