Chàng Trai Quê Biển Thuần Hóa Cá Vược

Yêu biển, yêu quê hương nơi mình sinh ra, chàng thanh niên Công giáo huyện Tiền Hải (Thái Bình) Trương Văn Trị đã ấp ủ và thành công trong việc thuần hóa cá vược nuôi từ môi trường nước mặn sang môi trường nước ngọt.
Đề tài khoa học của anh ứng dụng trong thực tế được các chuyên gia trong ngành thủy sản đánh giá cao và mở ra hướng đi mới giúp hàng trăm ngư dân ven biển tỉnh Thái Bình có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Sinh năm 1980, quê gốc xã Nam Chính (Tiền Hải), nhưng Trương Văn Trị lại bén duyên với mảnh đất lân cận Nam Cường, nơi anh dựng nghiệp và thành công với con cá vược giàu giá trị kinh tế.
Năm 2003 khi tốt nghiệp Trường trung cấp Thủy sản, trở về quê làm thuê cho một công ty thủy sản được vài tháng thì thất nghiệp. Sau khi lập gia đình năm 2005, anh xin ra làm tại Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (Cát Bà, Hải Phòng) được bảy tháng rồi lại quay về quê vay tiền diện hộ nghèo được bốn triệu đồng để thuê đất tại xã Nam Cường mở trại cá giống.
Với diện tích sản xuất chưa đến 1 ha, việc làm cá nước ngọt không đủ cân đối thu chi kinh tế cho nên ngay trong năm 2005 Trương Văn Trị nung nấu ý định thuần hóa cá vược từ môi trường nước mặn sang sống ở môi trường nước ngọt.
Theo suy nghĩ của chàng thanh niên quê biển, cá vược có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, ít xương, chỉ sống được trong môi trường sạch cho nên trong tương lai sẽ thay thế các loài cá nuôi truyền thống như trắm, trôi, mè... Nghĩ là làm, chàng trai trẻ lao vào nghiên cứu, tìm tòi và dành trọn cả năm 2006 để tiến hành thử nghiệm.
Những thất bại liên tiếp không làm Trị nản lòng mà lại là động lực giúp anh thêm ý chí, nghị lực theo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn lựa. Bước sang năm 2007, quy trình thuần hóa giống cá vược đã thành công ngoài mong đợi, lần đầu tiên được thực hiện thành công trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn cả nước. Trương Văn Trị cho biết, việc thuần hóa được thực hiện bằng phương thức thuần ngọt dần, tức là cấp nước ngọt cho độ mặn nhạt ra từ 32%o xuống còn 0%o.
Sau khi đã thuần hóa được cá vược trong môi trường nước ngọt, Trị tiếp tục mày mò tự sản xuất giống, đồng thời thành công trong việc lưu giữ cá vào mùa đông lạnh giá của miền bắc. Đây là bí quyết giúp Trị tự tin, mạnh dạn hơn trong mở rộng diện tích nuôi thả cá vược trong mọi thời điểm, mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Giờ đây, quy mô sản xuất của ông chủ trẻ tuổi không ngừng phát triển lớn mạnh với một công ty chuyên sản xuất giống thủy sản mang tên Hải Long có diện tích ao nuôi, bể nuôi lên tới 5 ha đặt tại xã Nam Cường (huyện Tiền Hải).
Hằng năm, cung cấp cho thị trường miền bắc, miền trung từ 8 đến 10 triệu con giống, ngoài giống cá vược còn nhiều loại cá giá trị khác như cá chim vây vàng, cá sủ đất, cá song chấm nâu, cá hồng đỏ...
Đối với con cá vược nuôi trong môi trường nước ngọt dễ nuôi và phát triển nhanh hơn môi trường nước mặn. Tính ra, từ khi thả giống đến khi thu thành phẩm xuất bán chỉ trong thời gian từ sáu đến tám tháng. Thời điểm hiện tại, một kg cá vược bán ra thị trường có giá thành khoảng 100 nghìn đồng, nhưng mùa cao điểm lên tới 180 nghìn đồng/kg.
Tổng giá trị thu nhập mỗi năm tại cơ sở sản xuất của Trị luôn đạt ngưỡng hơn 10 tỷ đồng. Ý chí vượt khó, khát khao chinh phục khoa học kỹ thuật để làm giàu chính đáng ngay tại mảnh đất quê hương được ghi nhận bằng những phần thưởng xứng đáng của các cấp bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Nổi bật là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011, tiếp đến là Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Trung ương Đoàn. Năm 2010, Trương Văn Trị được vinh danh là một trong mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.
Tuổi đời còn trẻ, nhiều dự định mở rộng sản xuất đang tiếp tục được Trương Văn Trị ấp ủ và hình thành trong tương lai. Trị luôn tâm niệm rằng, bản thân xuất thân từ nông dân cho nên sẽ tiếp tục gắn bó với nông nghiệp, nông thôn. Người nông dân đồng hành, phát triển được kinh tế thì Công ty Hải Long sẽ phát triển bền vững và lớn mạnh.
Related news

Tại buổi tập huấn, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con tìm hiểu các triệu chứng, đặc điểm, chu trình gây hại của ruồi đục quả và biện pháp phòng trừ bằng bẫy bả sinh học Ento – Pro. Qua đó giúp nông dân phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm táo.

Tổng kết sản xuất vụ thu đông năm 2012, nông dân xã Tân Thạnh – vùng đầu nguồn của thị xã. Tân Châu (tỉnh An Giang) vô cùng phấn khởi bởi hiệu quả từ cánh đồng mẫu mang lại. Với năng suất thu hoạch đạt 7,1 tấn/ha, giá lúa 5.000 đồng/kg, giá thành sản xuất chỉ 2.800 đồng/kg; sau khi trừ chi phí còn thu lợi nhuận trên mỗi ha 15,5 triệu đồng.

Đối với loại vỏ xơ mít ủ chua cùng bột ngô theo tỷ lệ 3%, 6% và 9% trong thành phần với thời gian trên 90 ngày. Sử dụng vỏ xơ mít ủ chua nuôi bò, hiệu quả kinh tế cao hơn cho ăn rơm ủ urê. Kết quả là nhằm kết hợp tốt giữa sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả với chăn nuôi.

Ông Lê Thanh Triều - Chủ tịch UBND huyện U Minh tỉnh Cà Mau cho biết, vụ thu hoạch cá đồng mỗi năm chỉ có một lần hiện đang vào mùa nhưng đã xuất hiện nhiều hình thức tận diệt cá non, nguồn cá giống dùng để thả nuôi cho vụ mùa sau. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì sẽ không còn nguồn cá giống để thả nuôi cho vụ mùa tới.

Đi dọc triền đê Sông Hồng (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), tôi bị cuốn hút bởi màu xanh của những cánh đồng thanh hao hoa vàng với mùi hăng hắc rất đặc trưng. Năm 2006, cây thanh hao hoa vàng được triển khai trồng ở Yên Lạc đã mở ra một hướng đi mới cho người nông dân, nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì nỗi lo đã đến. Giá thanh hao hoa vàng lên xuống thất thường làm cho người trồng luôn trong trạng thái bất an.