Chăn nuôi Việt Nam 2018: 6 tháng cuối năm sẽ diễn biến ra sao?
Chăn nuôi cuối năm được dự báo là phát triển do thị trường tiêu thụ và giá bán thuận lợi và việc khống chế, kiểm soát dịch bệnh được tăng cường và kiểm soát tốt sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. Chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi có nhiều triển vọng tạo động lực cho sản xuất chăn nuôi trong nước.
Người chăn nuôi đang có lãi (Ảnh: Trần Phú Cường)
1. Đầu con và sản phẩm sản xuất 6 tháng đầu năm
1.1. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 6 năm 2018, ước đàn bò có 5,58 triệu con, tăng 2,2%, trong đó bò sữa có 310 nghìn con, tăng 5,6%; đàn trâu có 2,48 triệu con, giảm 1%; đàn gia cầm khoảng 378 triệu con, tăng 5,2%; đàn lợn có 26,42 triệu con, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2017.
1.2. Sản phẩm chăn nuôi sản xuất đều tăng so với 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 3,27 triệu tấn, tăng 3,49%; trong đó, thịt bò đạt 185,4 nghìn tấn, tăng 2,2%; thịt trâu đạt 50,8 nghìn tấn, tăng 1,2%; thịt lợn đạt 2,19 triệu tấn, giảm 1%; thịt gia cầm đạt 608 nghìn tấn, tăng 6,1%; sữa đạt 470 nghìn tấn, tăng 8,2%; trứng đạt 6,27 tỷ quả, tăng 11,3%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi đạt 9.053 nghìn tấn, tăng 5,7%.
2. Nhập khẩu 5 tháng đầu năm
2.1 Về nhập khẩu giống và sản phẩm chăn nuôi:
5 tháng đầu năm đã nhập 338 con lợn giống, kim ngạch gần 740 ngàn USD (tương đương giảm 67,7% về lượng và 6,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017), thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Canada; tổng lượng thịt lợn đã nhập khẩu là 1.661 tấn, kim ngạch đạt gần 2,8 triệu USD (tương đương giảm 58,1% về lượng và 58,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017).
Tổng số gia cầm giống nhập khẩu là 954.545 con, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 4,3 triệu USD (tương đương tăng 11% và 21,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017), thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Pháp, Mỹ; tổng lượng thịt gà được nhập khẩu vào Việt Nam là 52.489 tấn, kim ngạch đạt gần 48,7 triệu USD (tương đương tăng 55,7% về lượng và 62,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017).
Có 87.524 con trâu, bò sống được nhập vào Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu gần 99,35 triệu USD (tương đương giảm 16,2% về lượng và 12,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017). Thị trường nhập khẩu chính cẫn là Úc.
2.2 Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi:
Theo số liệu báo cáo của các đơn vị kiểm tra và Tổng cục Hải quan, ước tính trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng khối lượng nguyên liệu nhập khẩu là 8,48 triệu tấn, kim ngạch nhập khẩu trên 2,6 tỷ USD (tương đương giảm 2,5% về lượng nhưng tăng 13,2% về giá trị kim ngạch nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2017).
Trong đó, nhập khẩu thức ăn giàu đạm đạt 3,45 triệu tấn (kim ngạch 1,2 tỷ USD) thức ăn giàu năng lượng đạt gần 4,74 triệu tấn (kim ngạch gần 980 triệu USD), thức ăn bổ sung đạt gần 290 ngàn tấn (kim ngạch gần 402 triệu USD). Ba thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm 2018 là Achentina, Hoa Kỳ, và Brazil, chiếm thị phần lần lượt là 38,1%, 15,6% và 8,6% tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu.
2.3. Sữa và sản phẩm sữa:
Theo số liệu thống kê từ TCHQ, kim ngạch 5 tháng đầu năm 2018 lên 421,6 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017. New Zealand tiếp tục là thị trường chính Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm
3. Xuất khẩu 5 tháng đầu năm
Một số sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam đó là: Thịt lợn sữa đông lạnh: 5,9 ngàn tấn, kim ngạch đạt trên 17,16 triệu USD; Trứng vịt muối: 8.534.960 quả, kim ngạch đạt trên 1,24 triệu USD; Mật ong: trên 12,21 ngàn tấn, kim ngạch đạt trên 18,44 triệu USD; Sữa tươi tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa: gần 14,55 ngàn tấn, kim ngạch đạt gần 14,9 triệu USD; Nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi: gần 445 ngàn tấn các loại; kim ngạch đạt khoảng 150,3 triệu USD.
4. Nguy cơ thịt heo tràn vào Việt Nam
Giá heo hơi VN đang cao hơn mức bình quân của thế giới ít nhất 5.000 đồng/kg. Heo nội đắt, heo ngoại được ưa chuộng nên lượng thịt nhập khẩu tăng đột biến trong tháng 5 vừa qua. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết: Tháng 5.2018, tổng sản lượng thịt nhập khẩu đạt gần 30.000 tấn, trị giá gần 43 triệu USD; tăng hơn 50% về lượng và 39% về giá trị so với tháng 4.2018. 5 tháng đầu năm nay, tổng lượng thịt lợn đã nhập khẩu là 1.661 tấn, kim ngạch đạt gần 2,8 triệu USD (tương đương giảm 58,1% về lượng và 58,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017).
Giá thịt heo trong nước đang ở mức cao trong khi thế giới đặc biệt là các nước lân cận thấp nên nguy cơ thịt ngoại sẽ tràn vào VN, nhất là đường tiểu ngạch:
(1) Trung Quốc là nước sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng heo cung cấp ra thị trường của Trung Quốc năm 2018 lên tới gần 55 triệu tấn, tăng 2,3% so với năm 2017. Sản lượng tăng khiến giá heo hơi tại nước này suốt từ đầu năm đến nay luôn duy trì ở mức thấp. Do chênh lệch giá (tới gần 10.000 đ/kg hơi) nên khó tránh khỏi tinh trạng heo sống và thịt heo Trung Quốc tràn sang Việt Nam qua cá lối mòn, lối mở, các chợ đường biên.
(2) Mỹ là nước xuất khẩu thịt heo lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung cấp thịt heo lớn nhất cho thị trường Việt Nam hiện nay với 37% thị phần.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng thịt heo toàn cầu trong năm 2018 sẽ tăng 1,8% so với năm 2017 lên 113 triệu tấn. Nhà xuất khẩu thịt heo lớn nhất thế giới là Mỹ đang gặp khó về đầu ra do Trung Quốc và Mexico sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu cao để trả đũa việc Mỹ áp thuế nhiều mặt hàng xuất khẩu của các nước này…Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiềm năng để các nhà sản xuất thịt heo của Mỹ tăng xuất khẩu.
(3) Nước có ngành chăn nuôi lớn, phát triển trong khu vực là Thái Lan, giá heo hơi bán tại trại chỉ có 1,67 USD/kg (38.500 đồng/kg), trong khi giá thành sản xuất là 1,92 USD/kg. Đây cũng là hâu quả của tình trạng cung vượt cầu như đã xảy ra ở nước ta năm 2016. Hiệp hội chăn nuôi ở Thái đã yêu cầu các trại chăn nuôi quy mô trên 5.000 con phải giảm quy mô đàn, đẩy mạnh xuất khẩu tiểu ngạch sang các nước lân cận.
Người chăn nuôi nên thâm canh tăng năng suất để đảm bảo tiêu dùng thịt lợn trong nước (Ảnh: Trần Phú Cường)
5. Triển vọng xuất khẩu thịt gà, thịt lợn
– Lâu nay, chúng ta vẫn xuất được lợn sữa đông lạnh (có lúc cả lợn choai) sang Hong Kong, Malaysia với trên chục ngàn tấn/năm.
– Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt gà sang Nhật, tính từ lô đầu tiên xuất khẩu vào tháng 8-2017 đến hết tháng 5/2018, lượng thịt gà xuất khẩu của Việt Nam đi Nhật đã đạt hơn 638 tấn. Trong đó, riêng 5 tháng đầu năm 2018, sản lượng xuất khẩu đạt 500 tấn và dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Mỗi tháng, công ty này xuất gần 100 tấn sản phẩm chế biến. Với 3 dây chuyền sản xuất mới được đầu tư mở rộng đã nâng tổng công suất chế biến lên 330 tấn/tháng gồm gà chiên, gà nướng và gà luộc. Thời gian tới, công ty sẽ đầu tư lắp đặt thêm nhà máy sản xuất để nâng công suất lên hơn 1.000 tấn/tháng mới đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Nhật.
– Công ty chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết đang xây dựng nhà máy hiện đại tại Bình Phước để phục vụ cho xuất khẩu các sản phẩm thịt gà sang Nhật. Giai đoạn đầu vốn đầu tư lên đến 250 triệu USD, với công suất 50 triệu con/năm; giai đoạn 2 tăng lên 100 triệu con/năm.
– Công ty CP Ba Huân, đang tìm kiếm đối tác để xuất khẩu các sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản.
– Tập đoàn Mavin và Công ty Sojitz Nhật Bản đã công bố hợp tác xuất khẩu thịt heo tươi (heo cấp đông) Việt Nam sang thị trường Myanmar với khoảng 26 tấn mỗi tháng. Đây là doanh nghiệp (DN) đầu tiên tại Việt Nam chính thức xuất khẩu thành công thịt heo tươi ra nước ngoài.
– Về lâu dài, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Philippin, Myanmar …cũng là mục tiêu xuất khẩu của thịt lợn Việt Nam dưới dạng thịt đông lạnh, thịt mát và sản phẩm chế biến từ thịt lợn.
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ký thỏa thuận với tổ chức thú y thế giới để hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi sản xuất theo chuỗi đạt tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu. Trước hết sẽ tập trung vào việc nhà nước đồng hành hỗ trợ các DN lớn, các tập đoàn lớn để họ tìm kiếm thị trường, đồng thời trên cơ sở yêu cầu của các tập đoàn để xây dựng các vùng nguyên liệu, chế biến xuất khẩu. Điển hình là Nhà máy Giết mổ chế biến thịt lợn xuất khẩu của Tập đoàn MASAN tại Hà Nam; của Công ty Cổ phần Biển Đông tại Nam Định; của Tập đoàn C.P Việt Nam tại Hà Nôi, Bắc Giang; của Tập đoàn DABACO tại Bắc Ninh; xây dựng Chuỗi thịt gà xuất khẩu 4A tại Thanh Hóa…
6. Dự báo chăn nuôi 6 tháng cuối năm
Được dự báo là tiếp tục phát triển do thị trường tiêu thụ và giá bán thuận lợi và việc khống chế, kiểm soát dịch bệnh được tăng cường và kiểm soát tốt sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. Chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi có nhiều triển vọng tạo động lực cho sản xuất chăn nuôi trong nước.
Tuy nhiên, những khó khăn có thể xảy ra, đó là dịch bệnh và thiên tai có nhiều nguy cơ, vì khi giá lợn thịt xuống thấp và kéo dài đã làm cho người chăn nuôi lơ là với công tác phòng, chống dịch bệnh; khi sản xuất chăn nuôi tăng trở lại với áp lực tăng năng suất và tăng đàn lợn lớn như hiện nay cộng với thời tiết bất lợi trong mùa mưa bão sắp tới thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn. Giá nguyên liệu đầu vào của chăn nuôi tăng do giá lợn giống sẽ tăng cao; giá thức ăn chăn nuôi tăng do: giá ngô, giá đậu tương của một số nước Nam Mỹ cao (vì khô hạn), giá thức ăn bổ sung tăng./.
Dự kiến một số chỉ tiêu chính ngành chăn nuôi năm 2018
Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 3,5-4,0% so với năm 2017, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp (ngành hẹp) đạt mức 33-34%. Tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng 2,8%, trong đó sản lượng thịt lợn hơi tăng 1,0%, sản lượng thịt gia cầm tăng 5,3% so với năm 2017; sản lượng trứng các loại tăng 9,0%; sản lượng sữa tăng 11,9%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi tăng gần 4,4 % so với năm 2017.
Related news
Thị trường nguyên liệu - thức ăn chăn nuôi thế giới ngày 16/7: Giá đậu tương hồi phục
Thị trường nguyên liệu - thức ăn chăn nuôi thế giới ngày 17/7: Giá đậu tương cao nhất 5 ngày
Theo số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu (TĂCN & NL) trong tháng 6/2018 đạt 372 triệu USD, tăng 8,91%