Chăm sóc và phòng trừ bệnh thán thư trên ớt trong mùa mưa
Ớt là cây gia vị có giá trị kinh tế cao ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, đem lại lợi nhuận kinh tế, là mặt hàng xuất khẩu đứng vị trí số một trong các loại cây gia vị. Muốn trồng ớt thành công đòi hỏi phải có kiến thức, sự hiểu biết kỹ thuật canh tác, hiểu biết về giống, gieo trồng đúng thời vụ và nắm bắt thị trường, nhất là vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển nhưng giá ớt lại rất cao nếu quản lý tốt dịch hại sẽ mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người trồng ớt.
Cây ớt không kén đất, tương đối dễ trồng, tuy nhiên tốn công chăm sóc. Đất trồng ớt phải dễ tiêu nước, nên chọn đất cát pha, thịt nhẹ để trồng ớt có năng suất cao. Nếu trồng ở những vùng đất thấp, phải làm luống cao để thoát nước. Làm sạch cỏ và dọn sạch những tàn dư thực vật của vụ trước, phơi ải sau đó lên luống, đánh rãnh, bón phân và trồng. Cây ớt cần nước vào giai đoạn cây con, thời kỳ ra hoa, đậu trái và nuôi trái lớn. Cần tưới nước đủ theo nhu cầu của cây vào các giai đoạn này, thường xuyên giữ ẩm cho cây khoảng 60-65% bằng cách tưới luống, tưới rãnh. Bón phân hữu cơ hoai mục kết hợp với phân vô cơ một cách cân đối hợp lý, nhất là phân Kali rất cần thiết ở giai đoạn trái làm tăng hương vị thơm cay của ớt. Tỉa nhánh, tạo tán thực hiện khi cây còn non, khoảng 15-20 ngày sau trồng. Tỉa bỏ những nhánh phụ ở dưới để tập trung dinh dưỡng nuôi cây (tránh làm tổn thương đến cây). Khi cây cao khoảng 40-60cm, lúc này cây đã ổn định về thân lá, cây có 3-4 cành, tán lá đủ rộng, đã ra hoa được 2-3 đợt thì tiến hành bấm ngọn của thân chính để không cho cây tiếp tục vươn cao và cho hoa ra tập trung, những cành nhánh khi đã đủ trái cũng nên bấm ngọn để tập trung nuôi trái lớn. Vào thời kỳ thu hoạch nên để ruộng khô để tăng phẩm chất cho trái ớt.
Trong mùa mưa giá ớt rất cao, song không ít nông dân đã thất bại do bệnh thán thư gây hại nặng. Bệnh thán thư hay còn gọi là bệnh đốm trái hay nổ trái. Đây là bệnh rất phổ biến trên ớt trong mùa mưa. Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra. Chúng xuất hiện gây hại trên nhiều bộ phận của cây. Trên lá, vết bệnh hình tròn hoặc không có hình dạng nhất định, xếp theo chiều dài của gân lá. Lúc đầu, đốm bệnh ở mặt dưới lá có màu nâu nhạt, sau chuyển màu nâu sậm, có viền đỏ, lan rộng và lõm sâu. Trên cuống lá và thân cây vết bệnh cũng lõm xuống tạo thành vết dọc màu nâu đen. Cây bị bệnh kém phát triển, lá vàng và rụng sớm. Thiệt hại nặng nhất là bệnh tấn công trên trái làm thối trái hàng loạt, đôi khi thất thu năng suất 100%. Bệnh thường gây hại từ trái già đến trái chín. Nếu trên giống nhiễm, bệnh gây hại cả trái non. Ảnh hưởng trên trái khi bị nhiễm bệnh, xuất hiện lúc đầu là những đốm tròn có màu xanh đậm, lõm xuống, hơi ướt, sau đó vết bệnh lớn dần có màu vàng nhạt đến trắng xám hoặc đen, bên trong vết bệnh có nhiều vòng đồng tâm nhô lên, trên đó có những chấm nhỏ li ti màu vàng. Trái ớt sau thu hoạch vẫn tiếp tục bị bệnh. Có một số giống ớt chống chịu khá với bệnh thán thư như: Ớt cay (F1), TN 16, ớt hiểm lai (F1) 207, ớt hiểm địa phương,… Nấm bệnh tồn tại trong hạt giống, tàn dư thực vật hoặc sống trong đất 1-2 năm. Điều kiện thời tiết nóng, mưa nhiều, ẩm độ cao thích hợp cho nấm phát triển. Trồng dày, bón thừa đạm cũng là điều kiện tốt cho nấm bệnh thán thư phát triển mạnh. Bào tử nấm phát tán nhờ gió, mưa và côn trùng.
Biện pháp phòng trừ:
Khi trồng ớt trong mùa mưa, tốt nhất ngay từ đầu vụ nên áp dụng biện pháp tổng hợp để hạn chế sự phát triển của nấm gây bệnh thán thư:
- Tuyệt đối không sử dụng những ruộng ớt bị bệnh làm giống.
- Xử lý hạt giống bằng nước ấm (3 sôi 2 lạnh) hoặc thuốc trừ nấm.
- Nấm tồn tại trên các tàn dư thực vật nên cần thu gom tất cả các trái bị bệnh đem tiêu hủy để hạn chế lây lan.
- Không nên trồng ớt quá dày, làm cỏ tạo cho ruộng ớt thông thoáng.
- Liếp phải cao và thoát nước tốt. Không tưới nước quá đẫm vào chiều mát khi có bệnh xuất hiện.
- Luân canh với các cây khác họ cà ớt.
- Chọn giống kháng bệnh (giống ớt chỉ thiên ít nhiễm bệnh thán thư), tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục pha trộn với chế phẩm sinh học Trico (Trico -ĐHCT, Vi ĐK) cho ruộng ớt.
- Thường xuyên thăm ruộng ớt. Khi phát hiện bệnh mới chớm nên phun một trong các loại thuốc sau: Amistar 250SC, Plant 50WP, Antracol 70WP, Polyram 80DF, Daconil 500SC,… Nếu áp lực nguồn bệnh cao nên phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày. Trong mùa mưa nên pha thêm chất bám dính. Chú ý bảo đảm thời gian cách ly để không tồn dư lượng thuốc BVTV trong trái.
Related news
Ớt ngọt (Capsicum annum L.) là cây ưa nhiệt, nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển của cây ớt là 25 – 28 độ C ban ngày và 18 – 22 độ C ban đêm. Cây ớt cần nhiều ánh sáng, nếu thiếu ánh sáng nhất là thời kỳ ra hoa thì sẽ làm giảm tỷ lệ đậu quả.
Đây là giống có khả năng thích ứng rộng, trồng được ở nhiều vùng, nhiều vụ trong năm.
Bệnh thán thư làm thối chồi non, chết cây con vườn ươm, đặt biệt làm thối quả, cây bệnh ít quả, kém năng suất và giá trị kinh tế, xuất khẩu.