Chăm sóc nhãn sau thu hoạch
Hiện nay, toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 3.800ha nhãn đang cho thu hoạch. Những ngày này, khi công việc thu hoạch nhãn cơ bản kết thúc, người trồng nhãn trên địa bàn tỉnh lại tập trung chăm sóc nhãn. Công việc này đòi hỏi người trồng không chỉ biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn phải vận dụng cả những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế.
Ông Nguyễn Văn Phi ở xã Tiền Phong (Ân Thi) cắt, tỉa cành nhãn sau thu hoạch
Với 30 năm kinh nghiệm và biết cách áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào việc thâm canh nhãn, ông Nguyễn Văn Phi ở thôn Bình Lăng, xã Tiền Phong (Ân Thi) đã “làm chủ” được việc ra hoa đậu quả của cây nhãn. Năm nào, vườn nhãn 1 mẫu nhà ông cũng sai quả.
Sau khi kết thúc vụ thu hoạch nhãn của gia đình, vợ chồng ông Phi thường xuyên có mặt tại vườn nhãn để tạo tán, tỉa bớt cành. Đây là công đoạn chăm sóc bắt buộc mà bất kỳ nhà vườn nào cũng phải thực hiện sau khi thu hoạch nhãn và phải hoàn thành càng sớm càng tốt.
Ông Phi cho biết: “Sau thu hoạch quả, cây nhãn bị tổn thương rất lớn. Giai đoạn này cây yếu nhất, vì vậy muốn tạo đà cho vụ sau thì việc đầu tiên gia đình tôi làm là tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, trả lại sức khỏe cho cây. Đây là công việc hết sức quan trọng để bảo đảm sự phục hồi, sinh trưởng và phát triển cho cây sau 5 - 6 tháng nuôi quả và tiếp sức cho cây ra vụ quả sau. Việc tạo tán, tỉa bớt cành gầm làm cho cây thưa cành, tán rụt lại không để vươn quá cao để phân hóa mầm nhanh, đồng thời tạo độ thông thoáng, giảm khả năng lưu trú của sâu bệnh…”.
Ông Phi nhấn mạnh, công đoạn tỉa tán, bón phân phục hồi cho cây nhãn sau thu hoạch phải hoàn thành trước tháng 10 âm lịch để khống chế không cho cây nảy lộc đông. Bởi nếu nhãn nảy lộc vào mùa đông thì cây sẽ không thể có quả cho năm sau.
Xã Hàm Tử (Khoái Châu) có trên 300ha nhãn, năm nay, toàn xã ước thu trên 5.000 tấn quả. Thời điểm này, nông dân ở đây đã cơ bản thu hoạch xong và bắt đầu tích cực chăm sóc nhãn để cây sớm phục hồi.
Sau thu hoạch, cây nhãn thường có những cành khô, cành vượt, lúc này ông Nguyễn Văn Sức ở thôn An Cảnh sẽ tiến hành biện pháp cắt, tỉa tạo tán cho cây thông thoáng để cây hấp thu và quang hợp ánh sáng được tốt nhất. Ông Sức cho biết: “Gia đình tôi có trên 4 mẫu trồng nhãn, thời điểm này tôi đã thu hoạch xong. Cắt tỉa cành là một khâu quan trọng quyết định cho vụ quả năm sau. Sau khi thu hoạch quả, tôi cắt tỉa toàn bộ những cành tăm, cành bị sâu bệnh, cành trong tán, cành vượt, cành sát mặt đất tạo cho cây thông thoáng. Ngoài ra trong quá trình sinh trưởng thường xuyên cắt tỉa những cành vô hiệu cho cây. Việc tạo tán, tỉa bớt cành yếu làm cho cây thưa cành, tán rụt lại không để vươn quá cao để phân hóa mầm nhanh và còn có tác dụng làm giảm sâu bệnh cho cây nhãn. Sau khi công việc này được hoàn thành, tôi tiến hành dọn dẹp, vệ sinh vườn nhãn, bón phân để giúp cho cây nhãn phục hồi, tái tạo bộ rễ và phát triển mầm mới”.
Để hướng dẫn nông dân cách chăm sóc cây nhãn sau thu hoạch, Chi cục Khuyến nông tỉnh Hưng Yên khuyến cáo: Ngay sau khi thu hoạch nhãn, nông dân cần cắt tỉa cành nhãn sao cho ánh nắng có thể chiếu được vào trong thân cây để giúp cho cây quang hợp tốt nhất và hạn chế được sâu bệnh. Đối với những cây cao thì cắt bỏ những cành ở ngọn để hạn chế chiều cao của cây, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chăm sóc và thu hoạch quả. Ngay sau khi cắt, tỉa cành nhãn, nông dân nên vệ sinh vườn sạch sẽ, khơi thông những rãnh nước ở trong vườn để giúp cho rễ cây phát triển tốt. Để thúc đẩy cây nhãn ra lộc thu thì nông dân nên kết hợp bón phân hữu cơ và phân vô cơ cho cây ngay. Đối với hữu cơ có thể sử dụng ngô, đỗ tương ngâm ủ, phân vô cơ nên dùng loại phân NPK chuyên sử dụng cho cây ăn quả. Bón phân bằng cách đào rãnh xung quanh hình chiếu của tán cây với chiều rộng của rãnh từ 20 - 30cm, độ sâu từ 20 - 25cm sau đó lần lượt rải phân hữu cơ, phân vô cơ rồi lấp đất, tưới nước cho cây. Đồng thời, nông dân nên phun phân bón lá kết hợp với các chất kích thích sinh trưởng để thúc đẩy mầm thu phát triển.
Related news
Hầu hết đất canh tác ở đồng bằng sông Cửu Long đều thiếu calci, nhất là vùng đất sét và phèn là vùng đất chua độ pH đất rất thấp
Nhãn là cây trồng tương đối dễ tính, sức sống khỏe nên ít đối tượng dịch hại, ít phải phun phòng thuốc BVTV. Tuy nhiên hầu như cứ sau mỗi vụ sai quả lại thường
Ghép nhãn muộn trên 700 gốc nhãn địa phương (nhãn ta) và trồng mới 800 gốc nhãn muộn trên diện tích 7ha, sau khi trừ chi phí mỗi năm anh lãi 600 triệu đồng