Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Chăm sóc cây có múi sau thu hoạch

Chăm sóc cây có múi sau thu hoạch
Author: Ngọc Thơ
Publish date: Tuesday. August 20th, 2019

So với các loại cây trồng khác thì cây có múi như cam, quýt, bưởi thường có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn thì nhiều hộ trồng cây có múi vẫn chưa thật sự quan tâm đến công tác chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, nhất là thời kỳ sau thu hoạch. Các kỹ sư nông nghiệp và nhà vườn có nhiều kinh nghiệm sẽ chia sẻ những kiến thức cơ bản cách “Chăm sóc cây có múi sau thu hoạch” để vườn cây sinh trưởng và cho trái tốt hơn.

Kỹ thuật bón phân cho cây có múi sau thu hoạch.

Cây ăn trái đặc biệt là các loại cây có múi thường có thời gian khai thác từ 20 đến 30 năm, thậm chí nhiều loại cây có thời gian dài hơn. Trong thời gian cho trái, các loại cây có múi đã tích trữ trong cây một lượng lớn chất dinh dưỡng, do vậy khi thu hoạch, cũng đồng nghĩa với việc lấy đi một lượng lớn chất hữu cơ và dinh dưỡng, làm cho cây gần như kiệt quệ, cành lá và bộ rễ dễ bị già đi, dễ phát sinh các loại sâu bệnh gây hại, làm cho chất lượng sản phẩm vụ sau kém hơn vụ trước.

Chính vì vậy, ngay sau khi thu hoạch trái xong nhà vườn cần chú ý các biện pháp chăm sóc cơ bản. Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, Phó phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng : “Cây có múi có thời gian mang trái từ 7 đến 9 tháng nên dinh dưỡng trong cây bị suy kiệt, hệ thống rễ cây bị hư. Để cây phát triển và cho năng suất ở vụ kế tiếp bà con phải cắt tỉa đi những cành bị sâu bệnh, khô hư, làm cỏ vệ sinh vườn, quét vôi cho thân cây, để hạn chế gây bệnh xì gôm, chảy nhựa, thối gốc, loại bỏ rệp xáp gây hại cho cây, sử dụng vôi đá, phi ra thành bột, bón gốc cây, với liều lượng từ 1kg đến 2kg/gốc, sau khi xử lý vôi được từ 10 đến 15 ngày thì bà con tiến hành bón phân cho cây và tưới nước ủ ẩm từ 50% đến 60%”. 

Biện pháp tỉa cành, tạo tán cũng có nhiều tác dụng đối với cây có múi. Khi tỉa cành, tạo tán làm cho cây được thoáng, ánh sáng chiếu rọi trực tiếp xung quanh mặt đất dưới tán. Điều này giúp cho độ ẩm giảm đi, cây tránh được các loại bệnh nấm cũng như vi khuẩn. Mặt khác, tỉa cành, tạo tán làm cho các tán cây không bị giao nhau, giúp cho hiện tượng quang hợp của cây diễn ra tốt hơn và cây có khả năng sinh trưởng tốt hơn so với những cây không được tỉa cành, tạo tán.

Tỉa cành, tạo tán cho cây ăn trái sau thu hoạch.

Công tác tỉa cành tạo tán nên chọn những ngày trời nắng ráo, không nên cắt cành cây vào những ngày trời mưa để tránh hiện tượng lây lan bệnh từ cây này sang cây khác qua vết cắt. Khi cắt cành bỏ đi phải cắt sát vào thân, vết cắt phải dứt khoát và nhẵng, không được cắt cành quá dài, sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Ông Ong Thanh Hùng, nhà vườn huyện CLD cho biết: "Vườn bưởi của tôi sau khi thu hoạch, trước tiên là tôi cắt tỉa những cành già, khô rồi vô phân để dưỡng lại cây. Làm như vậy nên vụ sau, vườn bưởi của tôi, cây luôn cho trái tốt và chất lượng, bán được giá cao”.

 Ngoài việc tỉa cành, tạo tán, bà con cũng cần chú ý đến việc bón phân để kích thích bộ rễ phát triển mới. Trước khi bón phân, bà con cần cuốc rãnh. Rãnh phải đảm bảo độ sâu từ 30-40 cm và rộng 20-30cm ở phía ngoài mép tán, nhằm giúp làm đứt các rễ già, rễ tơ cũ của cây, khi bón phân sẽ kích thích cây ra rễ tơ mới. Theo tập quán, bà con thường cuốc rãnh xong là đổ toàn bộ phân hữu cơ, vôi bột, phân NPK xuống rãnh rồi lấp đất, với phương thức bón này chưa thể làm thay đổi lý tính của đất và không tạo được vùng đất tơi xốp cho rễ cây phát triển. Cách bón phù hợp là bà con nên rải toàn bộ lượng phân hữu cơ, vôi bột, phân NPK đều xung quanh tán cây, trên lớp đất được cuốc lên, sau đó trộn đều đất với các loại phân, lấp lớp đất đã được trộn đều này xuống rãnh và phủ đất kín rãnh. Mục đích là tạo độ tơi xốp, thoáng khí cho vùng rễ phát triển, cây hấp thụ tốt dinh dưỡng và đặc biệt giúp cải tạo độ PH. Ông Phạm Khánh Hồng, Thị trấn Cù Lao Dung cho biết thêm: “Sau mỗi vụ thu hoạch, tôi luôn tuân thủ cung cấp lượng phân bón cân đối, đúng kỹ thuật cho cây, để cây không bị suy kiệt. Cách làm này duy trì độ phát triển của cây, cây không bị già cỗi quá nhanh”.

Kỹ thuật xới đất chuẩn bị bón vôi, phân cho cây có múi sau thu hoạch.

Để việc bón phân có hiệu quả, tùy theo điều kiện bà có thể bón theo rãnh hình vành khăn tán lá nhưng tốt nhất nên bón rộng ra cả vườn với liều lượng: Phân hữu cơ oai mục từ 10 – 15 kg/gốc, phân lân Long Thành hoặc Super lân 0,5 kg/gốc, phân NPK (20-20-15) từ 200 – 300 gam/gốc (tùy cây lớn hay nhỏ), Nấm Trichoderma loại dùng để trộn với phân hoặc rải góc liều lượng 10 gam/gốc. Tất cả các loại phân trên trộn lại với nhau, rồi dùng cào răng xới xung quanh theo đường kính tán sau đó bón phân, lấp đất và tưới nước.

Bên cạnh đó sau khi cắt bỏ nhiều cành trên cây thì sẽ vô tình tạo ra rất nhiều vết thương cơ giới, những vết thương này nếu trong quá trình chấm vôi, còn bị sót lại sẽ dễ bị nấm hoặc vi khuẩn xâm nhập. Chính vì vậy phòng trừ sâu bệnh sau khi thực hiện xong các biện pháp chăm sóc cây, cũng là vấn đề quan trọng cần lưu ý. Thạc sĩ Nguyễn Thanh hải, Phó phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Bà con có thể sử dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM trong vườn cây có múi như: Vệ sinh vườn, tỉa cành, quản lý cỏ, nuôi kiến vàng .Những cây nào có biểu hiện bệnh vàng lá, thối rễ thì phải  xử lý bệnh trước khi bón phân; cách xử lý bệnh vàng lá thối rễ, đơn giản nhất là dùng cào răng xới đất xung quanh tán cây, sau đó phơi từ 3 đến 4 ngày  thì tiến hành xử lý vôi, sau khi xử lý vôi được 7 đến10 ngày, xử lý thuốc với khoảng cách 2 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày”.

Với những kiến thức hữu ích được chia sẻ, phần nào giúp bà con nông dân có thể áp dụng vào vườn cây ăn trái, đặc biệt là cây có múi của gia đình mình để đạt được năng suất và chất lượng cao


Related news

Tuyển chọn 3 giống lúa chịu mặn Tuyển chọn 3 giống lúa chịu mặn

Theo Chi cục BVTV Phú Yên, toàn tỉnh có hơn 600 ha đất nhiễm mặn, tập trung ở các huyện Tuy An 300 ha, Đông Hòa 200 ha, TX Sông Cầu 80 ha và TP Tuy Hòa

Monday. August 19th, 2019
Một số giống lúa chịu mặn nổi bật Một số giống lúa chịu mặn nổi bật

Xin giới thiệu cùng bạn đọc đặc điểm của một số giống nổi bật:

Monday. August 19th, 2019
Tập trung phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa cuối vụ hè thu Tập trung phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa cuối vụ hè thu

Hiện nay lúa sạ trà đầu ở một số xã đang trổ vè, lúa đại trà trên địa bàn huyện đang làm đòng, lúa sạ muộn đang đứng cái.

Monday. August 19th, 2019