Chăm bón lúa đông xuân
Sau Tết Nguyên đán, ban ngày trời nắng, sáng sớm có sương mù là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn và một số dịch hại trên lúa đông xuân. Nông dân huyện Núi Thành tập trung ra đồng chăm bón và theo dõi sâu bệnh bảo vệ cây lúa...
Nông dân Núi Thành dặm lúa đông xuân. Ảnh: Văn Phin
Vụ đông xuân 2018 - 2019, Núi Thành sản xuất 4.200ha lúa, trong đó có 3.400ha lúa chủ động nước, 800ha lúa không chủ động nước, đến thời điểm này lúa phát triển bình thường. Theo Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành, trong những ngày sau Tết Kỷ Hợi 2019, lúa đông xuân đại trà bước vào giai đoạn đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ. Đây là giai đoạn quan trọng trong quá trình sinh trưởng của cây lúa, đồng thời cũng là giai đoạn dễ phát sinh các đối tượng dịch hại. Kỹ sư Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết, dịp trước, trong và sau Tết Kỷ Hợi, nông dân kịp thời ra đồng tỉa dặm và bón phân thúc đúng kỳ đối với diện tích chủ động nước để lúa đẻ nhánh tập trung, chú ý bón phân kali để giúp cây lúa đẻ nhánh tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và chống rét cho lúa; không nên bón phân khi trời rét lạnh và âm u kéo dài. Ngoài ra, bà con cần thường xuyên giữ nước, bón thêm tro bếp hoặc phân chuồng hoai mục để giữ ấm cho lúa.
Một trong những biện pháp chăm bón lúa đông xuân hiện nay theo Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành là vào giai đoạn lúa đẻ nhánh, nông dân cần áp dụng biện pháp tưới nước “ướt - khô xen kẽ”. Đối với những trà lúa đông xuân bị ngộ độc thuốc trừ cỏ (gốc to hơn bình thường, cây đùn lại, lá thô cứng và ngọn bị xoắn) hoặc những ruộng bị ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ - vàng sinh lý thì cần thay nước 1 - 2 lần, sau đó bón bổ sung thêm phân DAP (từ 1 đến 2kg/sào) và phun phân qua lá để lúa mau hồi phục. Theo kỹ sư Hà Văn Tâm - cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành, dịp sau tết, bà con nông dân cần thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại trên cây lúa. Đối với sâu năn, cần theo dõi kỹ đợt muỗi năn ra từ ngày 1 đến ngày 15.2.2019, sâu non của đợt muỗi này sẽ gây hại trên lúa đẻ nhánh, cục bộ có nơi mật độ cao. Ở những vùng xác định có muỗi năn ra nhiều, sau khi muỗi năn ra rộ từ 3 đến 5 ngày, có thể dùng một trong các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ hoặc thuốc dạng hạt để rải. Kỹ sư Tâm cũng khuyến cáo: hiện tại sâu cuốn lá nhỏ trên lúa chính vụ phổ biến tuổi 2, tuổi 3, lúa nước trời bướm ra rộ, nông dân phải thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, khi phát hiện mật độ trên 50 con/m2 sâu non tuổi 1 - 3 lúa ở giai đoạn đẻ nhánh và 20 con/m2 giai đoạn đứng cái - đòng thì dùng một trong các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ.
Vào thời điểm này, điều kiện thời tiết ban đêm và sáng sớm thường có sương mù là điều kiện thuận lợi cho bệnh bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên các giống lúa nhiễm, ruộng bón thừa đạm, Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành chỉ đạo các xã, thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp chú ý các vùng thường xuyên xảy ra cháy đạo ôn lá trên giống Xi 23, BC15, TBR 225 như xã Tam Sơn, Tam Trà, Tam Thạnh, Tam Mỹ Tây… Khi phát hiện bệnh với tỷ lệ bệnh trên 10%, vết bệnh cấp tính thì dùng một trong các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ. Dự báo, thời gian tới, chuột sẽ gây hại cục bộ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái, làm đòng, ốc bươu vàng gây hại trên lúa sạ muộn; nông dân cần thu nhặt ốc bươu vàng và ra quân diệt chuột đồng loạt bằng nhiều biện pháp như: đặt bẫy (bẫy lồng, bẫy kẹp), đánh bả bằng thuốc sinh học, hóa học, khi dùng bả cần chú ý phải đảm bảo an toàn cho người, gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, bà con nông dân cần chú ý bọ trĩ, ruồi đục nõn phát sinh trên lúa sạ muộn; sâu phao trên chân ruộng trũng. “Vụ đông xuân là vụ sản chính trong năm 2019, để đảm bảo một vụ mùa thắng lợi, chúng tôi đang đề nghị các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp tăng cường chỉ đạo, khuyến cáo bà con nông dân tập trung chăm bón lúa, thường xuyên thăm đồng những ngày sau Tết Nguyên đán để kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại và có biện pháp xử lý thích hợp để bảo vệ lúa đông xuận” - Kỹ sư Bùi Văn Gát nói.
Related news
Cây mạ khỏe là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tạo tiền đề cho năng suất cao.
Để chủ động giành vụ lúa mùa thắng lợi bà con cần chủ động làm tốt các khâu kỹ thuật sau:
Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hướng dẫn tới bà con nông dân một số biện pháp để khắc phục ngộ độc hữu cơ và cách xử lý như sau: