Cây thức ăn cho bò sữa: Tiến bộ kỹ thuật giống cỏ
Sau 3 năm thực hiện (2011-2013), dự án ”Trồng cỏ thâm canh” đã trồng được 147 ha mô hình cỏ thâm canh tại 24 điểm của 9 tỉnh.
Cỏ VA06
VA06 là giống cỏ được lai tạo giữa cỏ voi và cỏ đuôi sói của châu Mỹ được đánh giá là “vua của các loại cỏ”. VA06 rất thích hợp với điều kiện nhiệt đới. Có thể mọc được ở vùng đất khô có nước tưới nhưng không chịu úng. Tốc độ sinh trưởng mạnh, sức sinh sản nhanh, một cây có thể đẻ được 25 - 30 nhánh/năm, mức cao nhất là 60 nhánh/năm.
Năng suất 200 – 350 tấn/ha, đất tốt, thâm canh cao có thể đạt 400 -500 tấn/ha. Vật chất khô 15 – 20%, Protein thô 8 – 8,5%, tỷ lệ thân lá 53%, thích ứng rộng, chịu được rét, hạn, có thể trồng trên đất dốc. Là loại cỏ lâu năm, trồng 1 năm nếu chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch 4 – 5 năm.
Mô hình trồng cỏ phục vụ chăn nuôi
Cỏ Goatemala
Là giống cỏ có nguồn gốc Nam Mỹ, cây thân đứng, chiều cao cây đạt từ 1,5 – 2,0 m, trên thân cây có nhiều đốt, thân có màu xanh tím, phiến lá rộng 5 – 7 cm, dài 50 – 70 cm, phiến lá mềm và cong hình lượn sóng. Giống Goatemala năng suất cao, thích ứng rộng, là giống có khả năng chịu rét, khô hạn, sương muối. Hiện được trồng nhiều ở các vùng khó khăn miền núi phía Bắc như Hà Giang.
Cỏ Sweet Jumbo và Superdan
Cả 2 giống cỏ này đều có độ ngọt cao hơn cỏ sả, cỏ voi. Đây là giống cỏ lai F1 nên tăng trưởng mạnh, thu hoạch sớm. Năng suất khoảng 50 – 55 tấn/ha cỏ tươi, rất thích hợp cho gia súc.
Người trồng cỏ cần lưu ý: Đây là 2 giống cỏ lai nên không được để giống trồng đợt 2, bởi năng suất và chất lượng cỏ không đảm bảo. Sau 5 – 6 đợt cắt, nếu thấy sức tái sinh của cỏ yếu đi (dưới 50 tấn/ha) thì phải cày xới, gieo trồng lại đợt mới.
Cỏ Sweet Jumbo là giống nhập từ Úc, dễ trồng, dễ chăm sóc. Sinh trưởng mạnh, năng suất chất tươi cao (35 – 40 tấn/ha/lần/cắt), thân lá mềm. Bắt đầu thu hoạch sớm (5 tuần sau khi gieo), tái sinh nhanh (25 – 28 ngày cắt 1 lần). Hàm lượng đạm cao 18 – 20% khi cỏ cao 1 m. Thích hợp bò, trâu, dê, cừu nuôi thịt và cho sữa, cá trắm.
Cỏ bấc
Gồm có loại tía và loại trắng. Bò thích ăn loại cỏ bấc trắng có thân mềm, ngọt; loại tía hơi chát. Thân cỏ bấc dài, tròn, rỗng, chia nhiều đốt, lá dài. Cỏ mọc tốt ở vùng đồng chiêm trũng có nhiều bùn hầu, năng suất đến 60-70 tấn/ha. Thường cho bò ăn cỏ bấc kèm ít rơm rạ hoặc cỏ đã phơi tái để giảm lượng nước quá nhiều trong cỏ tươi đến 85,4% tỷ lệ protein 2,3%, lipit 0,3%.
Cỏ Pangola (Digitaria decumbens)
Là loại cỏ thân bò thuộc loài hòa thảo, trồng bằng hom thân, lá dài 14 – 15 cm, đốt dài 5 – 6 cm, nhiều rễ phụ ở các mắt lá nơi đâm nhánh mầm. Cỏ mọc tốt ở đất mầu mỡ, ưa ẩm nhưng phải thoát nước. Có thể trồng trên bờ đê, bờ thửa. Cỏ mọc rất nhanh, có thể lên 4 – 5 cm sau một đêm mưa ẩm. Mỗi năm cắt 5 – 6 lứa cho 40 – 50 tấn/ha. Tỷ lệ nước trong cỏ tươi 72,5%, protein 1,8%, lipit 2,3%, gluxit 5,1%, chất xơ cao 33 – 36%/chất thô.
Cỏ Ghinê (Panicum maximum)
Còn gọi là cỏ Tây Nghệ An, cỏ sữa, cỏ sả, chịu được hạn, không ưa đất ẩm cao, mùa đông vẫn xanh tươi, là giống cỏ hòa thảo, trồng bằng nhánh gốc 4 -6 tấn/ha, mọc bụi, rễ chùm, cao 60 – 120 cm. Trồng một lần có thể thu hoạch 3 – 4 năm, mỗi năm cắt 8 – 10 lứa. Nếu chăm sóc tốt có thể đạt 280 – 300 tấn/ha/năm. Hàm lượng protein thô 97,111 gr/kg chất khô. Có thể trồng hai bên bờ đường, lối xóm, vườn nhà thành từng dãy các bụi cỏ tây này. Cho bò ăn tươi hoặc phơi khô dự trữ.
Có hai loại cỏ Ghinê: Loại lá lớn và loại lá nhỏ. Loại lá lớn cho năng suất cao, nên trồng để cho bò ăn tươi hoặc ủ chua dự trữ với cỏ voi. Loại lá nhỏ cho năng suất thấp hơn, nhưng có khả năng chịu dẫm đạp, chịu hạn tốt, rất thích hợp cho việc trồng để tạo nên bãi chăn thả và chống xói mòn cho đất. Thời gian trồng từ tháng 2 – 4. Tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa để bảo đảm tỷ lệ sống cao. Thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11. Chu kỳ kinh tế 4 – 5 năm hoặc dài hơn (6 – 7 năm).
Cỏ voi (Penisetum purpureum)
Là một giống cỏ trồng chủ yếu cho gia súc, phát triển nhanh. Cỏ thân đứng, thuộc loài hòa thảo, rễ chùm, trồng hom cây 7 – 9 tấn/ha, mọc cao như mía đến 1,2 – 1,8m, cắt 6 – 9 lứa trong năm, năng suất 200 – 250 tấn/ha/năm. Trồng thâm canh và thu cắt kịp thời năng suất gấp đôi, thậm chí có thể đạt 400 tấn/ha/năm như ở Gia Lâm (Hà Nội) Củ Chi, Hóc Môn (TP. HCM).
Cỏ voi có thành phần dinh dưỡng cao hơn nhiều loại cỏ hòa thảo khác. Trong 1 kg cỏ tươi có 168 gr chất khô, protein thô 95 – 110 gr/kg chất khô, gluxit 1,3 gr, xơ 45 gr, canxi 0,6 gr, photpho 0,7 gr, năng lượng trao đổi 320 KCalo. Cỏ voi có các loại napier, kingrass, selecsion, cho ăn tươi và ủ xanh dự trữ mùa đông.
Thời gian trồng thích hợp là từ tháng 2 đến tháng 5, thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 11. Nếu mùa khô chủ động được nước tưới thì có thể thu hoạch quanh năm. Chu kỳ kinh tế của cỏ voi là 3 – 4 năm (tức là trồng 1 lần thu hoạch được 3 – 4 năm). Nếu chăm sóc tốt có thể cho năng suất cao trong 10 năm liền.
Cỏ Ruzi (Brachiaria Ruziziensis)
Là loại cỏ hòa thảo, thân bò, chịu khô hạn tốt, chủ yếu thu hoạch vào mùa mưa. Trồng cỏ Ruzi bằng hạt 6 – 10 kg/ha hoặc trồng bằng thân 6 – 7 tấn/ha. Thu cắt 5 – 7 lứa/năm, năng suất 70 – 80 tấn/ha. Tỷ lệ sử dụng trên 90%. Hàm lượng protein thô 90 – 120 gr/kg chất thô.
Cỏ có khả năng chịu dẫm đạp cao nên có thể trồng để làm bãi chăn thả gia súc. Cũng giống như cỏ Ghinê, cỏ Ruzi có khả năng chịu khô hạn tốt nhưng phát triển mạnh nhất vào mùa mưa. Thời gian trồng cỏ Ruzi là mùa mưa, nhưng tốt nhất là vào đầu mùa mưa (tháng 4 – 5) để bảo đảm tỷ lệ sống cao và cây phát triển tốt.
Cỏ Stylo (Stylosanthes)
Là giống cỏ họ đậu, đây là loại thức ăn xanh rất tốt cho gia súc và gia cầm vì có tỷ lệ đạm cao. Cỏ Stylo trồng một lần có thể thu hoạch 4 – 5 năm. Năng suất có thể đạt 90 – 100 tấn/ha/ năm nếu được chăm sóc, thâm canh tốt. Hàm lượng protein thô 158 – 169 gr/kg chất khô.
Cỏ Stylo có khả năng thích ứng rộng và dễ nhân giống. Thời gian gieo trồng tuỳ thuộc vào dùng cành giâm hay dùng hạt. Nếu gieo hạt, tốt nhất vào đầu mùa mưa (tháng 3 – 4, đối với miền Bắc và tháng 5 – 6, đối với miền Nam). Nếu dùng cành giâm thì trồng vào giữa mùa mưa (tháng 7 – 8). Thu hoạch từ tháng 6 – 12. Chu kỳ kinh tế 4 – 5 năm.
Kết quả dự án khuyến nông về trồng cỏ
Sau 3 năm thực hiện (2011-2013), dự án ”Trồng cỏ thâm canh” đã trồng được 147 ha mô hình cỏ thâm canh tại 24 điểm của 9 tỉnh (Bình Dương, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái) với 684 hộ dân tham gia.
Mô hình trồng bằng giống cỏ Goatemala là 38,7 ha; mô hình trồng bằng giống cỏ VA-06 là 108,3 ha. Đây là hai giống cỏ năng suất cao, chất lượng tốt, dễ nhân giống bằng hom. Năng suất cỏ VA-06 trồng mô hình đạt trung bình 257 tấn/ha, cỏ Goatemala đạt 166 tấn/ha. Sản lượng cỏ thu được từ 147 ha mô hình mỗi năm là 34.250 tấn, có thể chăn nuôi được 3.100 con trâu, bò. Từ mô hình có thể nhân giống để mở rộng diện tích trồng cỏ cho các địa phương.
Các mô hình của dự án được các hộ nông dân quản lý, chăm sóc cho thu hoạch cỏ đã được 3 – 4 năm, đồng thời có thể sử dụng các vườn cỏ để nhân giống, cung cấp giống cỏ cho người dân trong vùng mở rộng diện tích. Trong 1 năm, mỗi ha cỏ có thể cung cấp 60 – 80 tấn cỏ giống, trồng mới được 12-14 ha.
Dự án đã thúc đẩy chăn nuôi trâu, bò của các hộ nông dân tham gia dự án phát triển, đạt hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Dự án đã đào tạo, tập huấn cho 1.359 người nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cỏ. Kỹ thuật trồng cỏ thâm canh của dự án góp phần làm thay đổi phương thức chăn nuôi cũ của người nông dân tại các điểm triển khai.
Dự án đã xây dựng được các mô hình phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả, kết quả của dự án được người nông dân ở các địa phương trong vùng dự án tiếp nhận, được nhân rộng cho các địa phương, khu vực lân cận.
Lượng cỏ giống thu được của 1 ha trồng cỏ Goatemala cung cấp đủ thức ăn xanh chăn nuôi 15 con trâu, bò. Lượng cỏ giống thu được của 1 ha trồng cỏ VA-06 là 257 tấn cung cấp đủ thức ăn xanh chăn nuôi 23 con trâu, bò.
Nhà nước cần có chính sách tín dụng cho nông dân vay vốn trồng cỏ chăn nuôi cũng như phát triển 1 loại cây trồng khác. Coi cây thức ăn xanh cho chăn nuôi như một đối tượng cây trồng quan trọng góp phần vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cho hiệu quả kinh tế cao bên cạnh cây chủ lực như ngô, đậu tương, lạc, rau màu… Khuyến khích DN liên kết với nông dân SX cây thức ăn chăn nuôi nói chung và cây thức ăn xanh nói riêng.
Related news
Nông dân thường chăn nuôi bò lồng ghép trong các mô hình: VAC (vườn - ao - chuồng), RAC (ruộng - ao - chuồng) hoặc trong các mô hình kinh tế tổng hợp…
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và trao đổi ở xương, kiểm soát lượng canxi và phốt pho được hấp thu hoặc giải phóng từ xương.
Bệnh cầu trùng và viêm ruột hoại tử là những căn bệnh chính gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm trên thế giới.