Cây mãng cầu na Thái trên đất giồng cát
Những năm gần đây, lãnh đạo xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm đã vận động và được nhân dân tích cực hưởng ứng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Đặt biệt là mô hình sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trồng cây mãng cầu na Thái trên đất giồng cát.
Cán bộ huyện, xã tham quan vườn cây mãng cầu của ông Phan Công Út. Ảnh: Huỳnh Lâm
Phó bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi Thạnh Nguyễn Thanh Kiếm cho biết, Tân Lợi Thạnh là một trong những xã của huyện Giồng Trôm còn nhiều khó khăn. Tổng diện tích đất tự nhiên 1209ha. Trong 1.066ha đất nông nghiệp thì có gần 25ha trồng cây ăn trái và cây sơ ri. Cách đây khoảng 10 năm, phong trào chuyển đổi vườn tạp trồng cây sơ ri đã cải thiện thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, do diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, hạn hán, xâm nhập mặn nhất là năm 2016 đã làm các vườn cây ăn trái và sơ ri bị ảnh hưởng nặng.
Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông huyện phối hợp với Dự án DCO huyện và UBND xã triển khai thực hiện tại 4 hộ trồng trình diễn 315 gốc mãng cầu na Thái trên đất giồng cát.
Sau 2 năm chăm sóc, cây phát triển tốt và cho trái chiến. Cây mãng cầu na Thái chịu hạn tốt, cho trái nặng từ 600-700gram, vị ngọt, ít hạt nên được thị trường ưa chuộng. Hiện giá bán từ 50-60 ngàn đồng/kg.
Ông Phan Công Út, ở ấp 4, xã Tân Lợi Thạnh tham gia thực hiện mô hình cho biết: “Sau khi triển khai trồng cây mãng cầu na Thái trên đất giồng cát, tôi thấy nó rất phù hợp trên vùng đất này. Hiện tại, cây sơ ri không còn phù hợp nữa. Nếu đầu ra cây mãng cầu na Thái ổn định thì lợi nhuận gấp 2 lần cây sơ ri. Trong thời gian tới, tôi rất mong được ngành hữu quan chuyển giao khoa học kỹ thuật đến những hộ trồng mãng cầu na Thái và nhân rộng mô hình này để người dân khu vực đất giồng cát có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình. Tôi thấy, cây mãng cầu na Thái này trồng rất hiệu quả về kinh tế. Nên trong thời gian tới, tôi sẽ nhân giống để cùng bà con trong khu vực trồng phủ khắp cây mãng cầu. Cây mãng cầu này cho trái to, vị ngọt, khả năng chịu đựng hạn và kháng sâu bệnh tốt”.
Các biện pháp kỹ thuật chuyển giao phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương được người dân áp dụng khá đồng bộ vào sản xuất. Mô hình này được nhân dân và chính quyền địa phương đánh giá rất khả quan và sẽ nhân rộng trong thời gian tới.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Theo đánh giá ngành chuyên môn của chúng tôi thì cây mãng cầu na Thái này rất phù hợp với điều kiện tự nhiên đất giồng cát. Còn việc đánh giá về hiệu quả kinh tế thì còn xem lại khâu chăm sóc và đầu ra của thị trường. Trong thời gian tới, chúng tôi khuyến cáo nông dân rà soát lại những vùng mà không phát triển được cây trồng chính phù hợp với bố trí sắp xếp lại của ngành nông nghiệp thì chuyển đổi trồng chủng loại cây thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Chúng tôi sẽ hỗ trợ nông dân về cách chăm sóc cây mãng cầu na Thái”.
Hiện nay, cây mãng cầu na Thái không những góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân địa phương, mà còn mở ra thêm sự lựa chọn để người dân chuyển đổi cho những diện tích vườn tạp, vườn cây trồng kém hiệu quả ở những vùng đất cát khô cằn. Đặt biệt, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân, cải thiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Related news
Sau những trận mưa lớn vừa qua đã làm cho nhiều diện tích lúa bị đổ, ngập trong nước, rau màu bị hư hỏng. Cần chú ý một số biện pháp sau:
Nuôi gà trên sân cát là phương pháp nuôi gà hiệu quả ở vùng biển, đang được nhiều hộ dân ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị áp dụng.
Canh tác lúa ở ĐBSCL là cả một quá trình đầy khó khăn, trải qua nhiều giai đoạn mới có thể bước đến thời kỳ thu hoạch và khi cây lúa phát triển