Cây chuối sáp vững chân trên vùng đất lúa
Với nhiều nông dân vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, cây lúa được xem là cây trồng “độc tôn” đem về nguồn thu nhập chính. Nhưng khi canh tác lúa không hiệu quả, nông dân mới mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Để cây trồng mới “đứng vững” trên đất lúa được xem là vấn đề không dễ. Một trong những hộ nông dân đã chuyển đổi cây lúa sang cây chuối sáp thành công là ông Lê Văn Tư ở Ấp 1, thị trấn Long Phú (Long Phú).
Ông Tư bên vườn chuối sáp với cây chuối cho quầy rất cao.
Ông Tư cho biết: “Cây chuối sáp rất dễ trồng nhưng không vì thế mà bỏ đại cho nó phát triển mà phải thường xuyên chăm sóc. Vườn chuối có tổng diện tích 17 công, toàn bộ diện tích này trước đây tôi canh tác mía, hơn 10 năm gắn bó, cây mía thất thu. Tôi chuyển sang làm lúa 3 vụ/năm cũng hơn 15 năm nhưng vẫn không đem lại lợi nhuận tốt như mong muốn. Vì vậy, tôi nghĩ tới trồng cây ăn trái. Thấy trái cây quá nhiều loại không biết phải chọn loại nào phù hợp thì tình cờ nhìn thấy bà con gần nhà trồng chuối sáp chỉ vài ba bụi, bán lợi nhuận rất tốt”
Cũng theo lời tâm tình từ ông Tư, thấy tiềm năng của cây chuối sáp, sau vụ thu hoạch lúa Đông - Xuân 2018, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 13 công đất lúa trồng chuối. Ban đầu việc tìm cây giống chuối sáp khó khăn, chỉ thu mua được một ít của bà con xung quanh xóm rồi nhân giống trồng từ từ, đợt thu hoạch đầu tiên của 13 công chuối thu về số tiền hơn 80 triệu đồng, lời được chút đỉnh do chi phí đầu tư lên vườn và mua cây giống. Hiện tại số chuối trồng cũ 13 công đang tiếp tục thu hoạch mỗi tháng 1,5 tấn chuối, trừ chi phí lợi nhuận 8 triệu đồng/tháng. “Tôi trồng mới thêm 4 công chuối sáp, sẽ thu hoạch trong tháng 11 tới” - ông Tư chia sẻ thêm.
Cây chuối sáp có 2 loại, đó là: chuối sáp trắng và chuối sáp nghệ, chất lượng chuối cũng có sự khác nhau đôi chút. Sáp trắng trái to, phần thịt trái màu trắng, còn sáp nghệ thịt vàng, ăn dẻo, rất ngọt. Tuy nhiên, giá bán của các loại chuối trên được thương lái mua bằng giá, không có sự chênh lệch. Đưa tay chỉ những buồng chuối cao khỏi đầu ở phía khá xa, ông Tư tiếp lời: “So với chuối xiêm, chuối sáp dễ trồng hơn nhiều và giá trị kinh tế cao hơn gấp 2 lần. Chuối sáp từ lúc xuống giống cây cho đến thu hoạch là 11 tháng, mỗi cây chuối cho quầy khoảng 7 đến 8 nải chuối, trọng lượng 10kg - 12 kg/buồng, giá bán 9.000 đồng/kg, tính sơ buồng chuối bỏ túi số tiền hơn 100.000 đồng”.
Cây chuối sáp dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, bón phân thoải mái không sợ bị sùng, không cần phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí không cần bón phân chuối vẫn cho năng suất tốt. Nhưng để cây khỏe, nuôi dưỡng trái tốt hơn thì chỉ cần bón một ít phân hạt, có thể bón 50kg phân/10 công, 2 tháng bón lần, rải phân quanh gốc, sau đó xới đất trữ phân lại để phân không bị trôi đi nếu gặp trời mưa hay trời nắng phân bốc hơi. Đồng thời, để cây chuối phát triển tốt thì 1 bụi chuối chỉ nên chừa 3 cây và khu vực quanh gốc chuối dọn cỏ sạch, tạo độ thoáng cho cây. Trồng chuối theo khoảng cách nhất định, cây cách cây hàng cách hàng 3m. Mùa nắng tưới nước 2 tuần/lần và phải có mương thoát nước tốt để mưa xuống không đọng lại nước nhiều trên vườn chuối. Để cây tiếp tục cho buồng tốt, sau khi trồng 3 - 4 năm nên bồi thêm sình non vào gốc, đảm bảo chuối luôn xanh tốt. Ngoài trồng chuối sáp, ông Tư còn xen canh cây đu đủ lúc chuối còn nhỏ để tăng thêm lợi nhuận, lấy ngắn nuôi dài, qua đợt chuối thì vườn đu đủ cũng thu số tiền hơn 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, hàng tuần ông cũng có nguồn thu đều đều nhờ tiền bán bắp chuối khoảng 300.000 đồng.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú Lâm Văn Vũ cho biết: “Cây chuối sáp trên địa bàn huyện được nông dân trồng trong nhiều năm qua, nhưng số lượng chỉ vài ba công/hộ, có hộ trồng chuối xen canh và chỉ có vài hộ có diện tích trồng nhiều như hộ ông Tư. Thống kê diện tích chuối các loại của toàn huyện là 400ha, trong đó chuối sáp ước 50ha, tập trung nhiều tại các xã: Song Phụng, Phú Hữu và thị trấn Long Phú. Hướng tới, để tăng thu nhập cho hộ dân, đơn vị khuyến cáo bà con tận dụng diện tích bờ bao vườn hay các khu vực quanh nhà trồng chuối sáp để tạo nguồn thu tại hộ cũng như hướng người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuối sáp nếu vùng đất trồng phù hợp sự sinh trưởng của cây chuối”.
Related news
Trước tình hình thiếu nước canh tác lúa do hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên, từ năm 2011-2014, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện mô hình tưới ngập khô xen kẽ
Tại các tỉnh Bắc bộ, sâu non đục thân 2 chấm gây bông bạc trên trà lúa trỗ muộn.
Mô hình tận dụng chuồng heo bỏ trống để nuôi ếch của gia đình chị Tường, 3 bể ếch đã được thả nuôi khoảng 7 ngày