Câu Lạc Bộ Sở Thích Trồng Tiêu Xã Ân Thạnh Giúp Hội Viên Cùng Phát Triển
Để giúp người trồng tiêu hỗ trợ nhau trong đầu tư, phát triển cây tiêu, trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây tiêu có hiệu quả, làm cho cây tiêu trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, từ đầu năm 2013, Hội Nông dân huyện Hoài Ân (Bình Định) đã thành lập và đưa vào hoạt động CLB sở thích trồng tiêu ở xã Ân Thạnh…
Trước đây người nông dân Ân Thạnh làm vườn trồng tiêu theo lối tự phát. Hầu hết các hộ trồng tiêu theo hình thức quảng canh, chưa được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu một cách bài bản. Nhằm giải quyết những bất cập, định hướng phát triển cây tiêu bền vững, giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện đã thành lập các CLB sở thích trồng tiêu, trước hết là CLB ở Ân Thạnh.
CLB trồng tiêu ở xã Ân Thạnh có 28 hộ nông dân tham gia. Anh Lê Văn Phước, một tổ trưởng của CLB, cho biết: “Từ khi tham gia sinh hoạt CLB, anh em trồng tiêu ở đây đã cởi mở với nhau hơn, không còn mạnh ai nấy làm, mà sẵn sàng trao đổi những kinh nghiệm hay, những khó khăn vấp phải trong kỹ thuật trồng, chăm bón cây tiêu”.
Điều mà anh Phước tâm đắc và được anh em hội viên trong CLB áp dụng là kinh nghiệm sử dụng trụ tiêu và làm hệ thống tưới phun. Theo kinh nghiệm, dùng gạch, đá làm trụ tiêu, tính lâu dài đỡ tốn kinh phí hơn, tiết kiệm được diện tích, cây tiêu ít sâu bệnh và cho năng suất cao.
Còn trồng bằng trụ gỗ thì chi phí đầu tư lớn hơn nhiều, thời gian nắng, mưa tạo cho gỗ phát sinh nhiều loại nấm bệnh gây ảnh hưởng đến cây tiêu, làm cho tiêu bị nhiễm bệnh và chết. Còn việc đầu tư làm hệ thống nước tưới tiêu bằng đầu phun, tuy vốn ban đầu nhiều nhưng tiện lợi và hiệu quả rõ rệt. Hiện nay hầu hết hội viên CLB đã đầu tư xây trụ bằng gạch và xây dựng hệ thống tưới phun cho tiêu.
28 hộ trong CLB trồng hơn 5.000 gốc tiêu, trong đó tiêu trồng trụ xây gạch chiếm hơn 2/3, nhiều nhất là hộ anh Lê Văn Phước, anh Lê Văn Chức, với khoảng 600 gốc tiêu/hộ. Thu nhập từ cây tiêu bình quân khoảng 50 triệu đến 100 triệu đồng/hộ/năm. Riêng về cây giống, hội viên đều tìm giống tiêu có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương, cho năng suất cao, như giống tiêu Vĩnh Linh, hầu hết các giống tiêu không phù hợp được loại bỏ.
Để giúp hội viên có vốn đầu tư phát triển vườn tiêu, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện lập dự án hỗ trợ vốn cho 10/28 hộ trong CLB với số tiền 200 triệu đồng. Đồng thời, từ kinh phí hỗ trợ của huyện, Trạm Khuyến nông huyện đã xây dựng mô hình sử dụng phân sinh học và hướng dẫn cách phòng bệnh cho cây tiêu, đem lại kết quả khả quan cho 50 hộ trồng tiêu trong huyện, trong đó có một số hội viên CLB trồng tiêu Ân Thạnh.
Những vườn tiêu của hội viên CLB trồng tiêu Ân Thạnh đang phát triển xanh tốt, trổ những chùm hoa trông thật bắt mắt, hứa hẹn một mùa bội thu; cùng với giá cả và đầu ra trên thị trường hiện nay rất ổn định (120-140 ngàn đồng/kg) sẽ là điều kiện thuận lợi giúp cho đời sống của người trồng tiêu ở Ân Thạnh nói riêng, Hoài Ân nói chung ngày một phát triển ổn định hơn.
Related news
Chỉ với 1,5ha đất trồng mía, nhưng nhờ cần cù chịu khó, áp dụng phương pháp canh tác hiệu quả, nông dân Hồ Văn Thắng đã có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Ngay từ thời điểm bắt đầu thu hoạch vụ ĐX 2013, giá đậu phộng (lạc) ở Bình Định đã bị giảm đến 3.000 - 4.000 đ/kg so với năm 2012. Càng thu hoạch rộ, giá đậu phộng càng tuột sâu, hiện chỉ còn 17.000 - 18.000đ/kg. Đã rẻ, nhưng muốn bán cũng chẳng có người mua. Người trồng đậu phộng ở Bình Định đang nẫu ruột ôm đậu phộng ế.
Anh canh tác 5 sào ruộng hai vụ lúa, thu hoạch mỗi vụ gần 2,5 tấn. Với giá lúa 5.000đồng/kg, trừ chi phí sản xuất anh còn lãi khoảng 16 triệu đồng/năm. Anh Ngóng trồng 2 sào bắp lai đầu tư thâm canh cho thu nhập hơn 5 triệu đồng.
Chúng tôi lấy làm ngỡ ngàng khi đứng trước vườn thanh long đang mùa đơm bông kết trái trên đồng đất Nha Húi thuộc xã Mỹ Sơn. Mô hình cây thanh long ruột đỏ rộng 3 hecta của anh Sằn A Lộc đánh dấu bước phát triển mới trong nghề trồng cây ăn trái ở huyện Ninh Sơn.
Sau hơn một tuần giá lúa gạo thị trường nội địa tăng mạnh, khoảng 600 – 700 đồng/kí lô gam thì hiện bất ngờ đã quay đầu giảm trở lại.