Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Canh tác lạ: Trên treo gấc, dưới trồng đinh lăng, lãi 120 triệu/năm

Canh tác lạ: Trên treo gấc, dưới trồng đinh lăng, lãi 120 triệu/năm
Author: Huy Sơn
Publish date: Wednesday. November 15th, 2017

Mô hình trồng gấc cao sản xen canh lạc, đinh lăng, cây dược liệu của ông Nguyễn Như Thuận ở thôn Đường, xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đang mang lại cho ông lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/vụ.

Ông Nguyễn Như Thuần kiểm tra tình hình sâu bệnh từng dây gấc bên vườn gấc cao sản.

Xem tivi, mê việc làm chơi ăn thật

Ồng Nguyễn Như Thuận “bén duyên” với cây gấc một cách tình cờ. Đầu năm 2015, khi đang trăn trở tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, xem tivi ông Thuận tình cờ biết đến mô hình trồng gấc cao sản “làm chơi ăn thật” của ông Trần Sĩ Quảng ở huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Thấy cây gấc dễ trồng, lại phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, ông Thuận đã thuê gần 4 mẫu đất trồng hơn 500 khóm gấc cao sản. Mỗi khóm ông trồng 3 cây.

Sau 8 tháng trồng và chăm sóc, cây gấc bắt đầu cho thu hoạch; năng suất vụ đầu tiên đạt hơn 6 tấn. Với giá bán khoảng 10 triệu đồng/tấn, ông Thuận thu về hơn 60 triệu đồng.

Để tận dụng đất, dưới tán gấc, ông Thuận còn trồng thêm một số cây trồng kiểu xen canh có giá trị kinh tế như: Giềng ta, lạc, đậu tương… “Trồng xen canh giúp tận dụng được diện tích đất trống, đỡ công làm cỏ, tận dụng nguồn phân bón vô cơ giàu chất dinh dưỡng bổ sung cho cây gấc mà lại tăng thêm thu nhập. Vì vậy, trồng xen canh các năm tiếp theo giúp năng suất cây gấc cao sản tăng từ 25 - 30%. Năm 2017 này, dự kiến năng suất gấc cao sản của vườn nhà tôi đạt trên 10 tấn, với giá bán thị trường hiện nay là 15.000 đồng/kg sẽ mang lại nguồn thu cho gia đình hơn 120 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí” - ông Thuận cho hay.

Theo ông Thuận, chi phí đầu tư trồng vườn gấc không quá lớn, phù hợp với nông dân. Nếu làm giàn thô sơ với cột tre và dây cuốn tận dụng từ dây cáp điện thoại, tiền công ban đầu chỉ khoảng gần 20 triệu đồng/ha (đã tính cả tiền giống).

Nếu làm giàn bê tông với đường ống nước, quấn vòm thì có chi phí từ 40 - 45 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, khi cây gấc đã sinh trưởng và phát triển tốt thì sẽ cho thu hoạch trong hơn 20 năm liên tục.

Giúp bà con có mô hình mới

Ông Thuận cũng khuyến cáo, nếu bà con trồng ít tại vườn nhà thì không phải lo ngại về các loại sâu hại bệnh; còn khi đã gieo trồng với quy mô lớn, cần đặc biệt lưu ý các loại sâu hại bệnh như: Sâu xanh, rệp, nhện đỏ, ruồi vàng… và các bệnh: Đốm lá, cháy lá, tuyết trùng…

Vườn gấc được chăm sóc đúng kĩ thuật sẽ cho quả sai trĩu trịt.

Để hạn chế sâu bệnh và đảm bảo năng suất, sản lượng và chất lượng cho cây gấc, người trồng cần thường xuyên tạo tán, cắt tỉa cành để tập trung dinh dưỡng nuôi quả, phun thuốc trừ sâu định kỳ 20 ngày/lần, kết hợp với các loại bẫy bắt ruồi vàng, bắt sâu bằng tay...

Ông Thuận cho hay, tới đây ông sẽ triển khai trồng xen canh gần 3.000 gốc đinh lăng dưới tán gấc, bởi đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, không cần nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thích hợp bóng râm. Sau 6 tháng trồng, cây sẽ cho thu hoạch bằng cách tỉa cành và lá...

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn gấc, ông Thuận vui vẻ cho biết: “Tôi làm và tạo việc làm thêm, nâng cao thu nhập cho bà con trong thôn khi nông nhàn. Năm nay lạc được mùa, mỗi sào lạc trồng dưới tán gấc sau khi trừ hết chi phí còn cho lãi trên 1 triệu đồng/sào. Với 40 mẫu lạc đang thu hoạch, ước tính nhà tôi có thêm hơn 40 triệu đồng”.

Vườn gấc của ông Thuận đang trong thời gian thu hoạch. Trung bình mỗi tuần, ông thu hái khoảng hơn 1 tấn và thương lái đến thu mua tại vườn. Đến tháng 12 dương lịch, khi đã thu hái quả xong, cây gấc rụng gần hết lá. Đến tháng Giêng hoặc tháng 2 tùy thời tiết, khi có mưa xuân, ông Thuận mới tiến hành cắt dây và tỉa cành, để lại đoạn gốc khoảng 0,6 - 1m để cây nảy chồi mới.

Ông Nguyễn Như Thuần đang ươm cây đinh lăng trồng xen trong vườn gấc trong năm tới. Ảnh: H.S

Những năm gần đây, nhiệt độ mùa hè có thể lên đến 37- 39 độ C, nếu cắt dây, tỉa cành sớm, cây gấc sẽ cho quả đúng giữa mùa hè trong thời tiết oi nóng, vừa mất nhiều công tưới nước mà năng suất sẽ giảm. Do đó ông Thuận thường cắt dây tỉa cành muộn để khi cuối hạ sang thu, thời tiết mát mẻ cây gấc mới bắt đầu ra quả, phát triển rất nhanh và luôn đảm bảo quả gấc cho chất lượng thịt gấc cao nhất. Quả  gấc lại to và nặng hơn khoảng 25 - 30% so với giai đoạn đậu trái vào giữa mùa hè, ít bị ruồi vàng và sâu bệnh.


Related news

Làm giàu ở nông thôn: Đảm đang trồng rau, quả mà có tiền tỷ Làm giàu ở nông thôn: Đảm đang trồng rau, quả mà có tiền tỷ

Chị Nguyễn Thị Quý đang là chủ của hơn 4.000m2 diện tích đất trồng rau giống, rau sạch và cây ăn quả cho thu nhập gần 1 tỷ/năm (Quảng Ninh)

Friday. November 10th, 2017
Làm giàu từ nông nghiệp: 8X du học ở Mỹ, về quê làm…giống cấy mô Làm giàu từ nông nghiệp: 8X du học ở Mỹ, về quê làm…giống cấy mô

Có niềm đam mê chung, thế là cả 2 cùng bắt tay vào câu chuyện khởi nghiệp: Sản xuất các loại giống nuôi cấy mô cho thị trường

Saturday. November 11th, 2017
Làm giàu ở nông thôn: Lãi nửa tỷ đồng mỗi năm từ thanh long ruột đỏ Làm giàu ở nông thôn: Lãi nửa tỷ đồng mỗi năm từ thanh long ruột đỏ

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Nguyễn Văn Vinh cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Vườn thanh long của ông đã trở thành mô hình tiêu biểu

Monday. November 13th, 2017