Cảnh giác với bệnh đốm trắng trên tôm khi La Nina tái xuất
La Nina có khả năng cao sẽ tái xuất hiện vào cuối năm nay, điều này đang gây ra mối lo ngại với người nuôi tôm về bệnh đốm trắng.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết, hiện tại, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính nhưng nghiêng dần về pha lạnh (với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino 3.4 đang thấp hơn trung bình nhiều năm là -0,30C vào tuần đầu tháng 10/2024). Dự báo, thời kỳ từ tháng 11/2024 đến tháng 1/2025, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70%.
Những dự báo về việc La Nina xuất hiện cuối năm nay đang gây lo ngại cho những người nuôi tôm và các doanh nhân ngành tôm.
Theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sao Ta, trong năm nay, thời tiết đã diễn biến rất thất thường. Nếu La Nina xuất hiện, thời tiết sẽ càng thêm bất thường, nhiệt độ sẽ giảm thấp. Nếu nhiệt độ thấp quá sẽ tạo điều kiện cho virus gây bệnh trên tôm phát triển, trong đó có virus gây bệnh đốm trắng.
Năm 2014, La Nina xuất hiện khiến cho nhiệt độ ở các tỉnh ĐBSCL giảm xuống thấp. Tháng 4 mà vào ban đêm thấy lạnh như đang ở … Đà Lạt. Khi ấy, chủ các trại tôm phải vội vàng đi mua thêm mền (chăn) dầy cho toàn bộ lao động trong trại và mua thêm áo ấm để ban đêm công nhân có thể ra thăm nom đàn tôm trong ao.
Tuy nhiên, chủ trại có thể bảo vệ sức khỏe cho người lao động mà không thể bảo vệ được tôm dưới ao. Nhiệt độ ban đêm ở ĐBSCL xuống quá thấp bởi La Nina đã khiến cho virus đốm trắng phát triển và lây lan mạnh trong năm 2014.
Ông Lực nhớ lại, năm ấy, virus gây bệnh đốm trắng lan tới đâu là tôm chết tới đó. Số tôm còn sống sót trong ao cũng không thể thu hoạch vì người nuôi tôm sợ nếu bắt tôm lên sẽ làm cho virus tiếp tục lây lan. Giải pháp duy nhất mà người nuôi tôm thực hiện khi ấy là dùng hóa chất tiêu diệt hết tôm trong ao. Sau khoảng 2 tuần, nông dân mới xử lý ao để thả nuôi tiếp.
La Nina lại chuẩn bị xuất hiện vào cuối năm nay mà chưa ai rõ mức độ ảnh hưởng sẽ như thế nào, nhưng đang khiến cho nhiều người nuôi tôm ngại ngần trong việc thả nuôi.
Trước tình đó, ông Hồ Quốc Lực cho rằng cần phải sớm có kế hoạch ứng phó với nguy cơ dịch bệnh trên tôm trong trường hợp nhiệt độ xuống thấp do tác động của La Nina, qua đó có thể giảm thiểu được thiệt hại do bệnh đốm trắng.
Lo ngại của ông Lực là không thừa vì theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, đốm trắng là dịch bệnh đang gây hại nhiều nhất trên tôm nuôi trong năm nay. Tính đến đầu tháng 10, đã có hơn 1.400 ha tôm bị đốm trắng.
Bệnh đốm trắng xuất hiện đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có vacxin để phòng ngừa. Trong khi đó, việc quản lý môi trường nuôi, con giống, còn nhiều vấn đề. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro từ bệnh đốm trắng, người nuôi tôm phải chú trọng các biện pháp phòng ngừa.
Người nuôi tôm cần chọn tôm giống tốt, sạch bệnh từ các nhà cung cấp uy tín. Ảnh: Sơn Trang.
Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, để phòng bệnh đốm trắng, trước khi thả nuôi, nông dân cần phải cải tạo ao thật kỹ và diệt hết giáp xác trong ao. Nông dân nên chọn con giống tốt, sạch bệnh từ các nhà cung cấp uy tín.
Nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt an toàn sinh học ở khu nuôi tôm, quản lý chặt chẽ chất lượng nước, trong đó, chú trọng sử dụng vi sinh để xử lý và kiểm soát chất lượng nước ao nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi tôm cần chú trọng tăng cường miễn dịch cho tôm bằng Vitamin C, β-Glucan, MOS (Mannan Oligosaccharide) ...
Mùa vụ, thời điểm thả nuôi cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, giảm thiều rủi ro dịch bệnh đốm trắng và các dịch bệnh khác trên tôm nuôi. Theo chia sẻ của một số người nuôi tôm kỳ cựu, tôm nuôi trái vụ dễ bị bệnh đốm trắng hơn so với tôm nuôi trong vụ thuận.
Hiện đang là thời điểm nuôi tôm trái vụ ở các tỉnh phía Nam, trong khi vẫn đang mưa nhiều, khiến cho tôm rất dễ bị nhiễm bệnh. Vì vậy, nếu vẫn muốn thả nuôi tôm trái vụ trong quý 4 này, nông dân cần đợi khi mưa đã giảm hẳn, trời nắng nhiều, nhiệt độ ổn định trở lại hãy thả giống đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro bởi bệnh đốm trắng và các bệnh khác.
Related news
Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, ngành tôm Việt Nam cần nâng cao chất lượng và giảm chi phí để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cà Mau có kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2023 đạt trên 1 tỷ USD, đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp tỉnh vượt qua cột mốc này.
Các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Kim Sơn đang tranh thủ các yếu tố thuận lợi, xuống giống vụ tôm đông, nhân nuôi hàu giống để kịp thời.