Cánh đồng lúa Nếp hạt cau hữu cơ khiến sâu bọ gãy răng
Đó là cách gọi hài hước của những nông dân thực hiện các mô hình trồng lúa Nếp hạt cau hữu cơ theo tiêu chuẩn '5 không' ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Mô hình sản xuất lúa Nếp hạt cau ở HTX Nông nghiệp Đông Thiện do Sở NN-PTNT Ninh Bình phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai theo tiêu chuẩn "5 không". Ảnh: Đức Minh.
Trồng lúa Nếp hạt cau tiêu chuẩn "5 không"
Ngày 14/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình sản xuất lúa và các giống Nếp hạt cau, ST25 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Một trong những mô hình có hiệu quả rõ rệt nhất là sản xuất lúa Nếp hạt cau ở Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đông Thiện, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn.
Trên cánh đồng 10 ha trồng lúa Nếp hạt cau sắp thu hoạch ở xã Quang Thiện, giữa những cơn mưa quật gió gào do ảnh hưởng bão số 8, nhưng những nông dân ở HTX Nông nghiệp Đông Thiện vẫn không hề nao núng. Một số cánh đồng lân cận đã gặt chạy bão, một số trồng giống khác đã gãy đổ do không chịu được mưa gió trong hai cơn bão liên tiếp, vậy mà cánh đồng lúa Nếp hạt cau gần như không hề hấn gì.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Thiện, ông Trần Văn Thơ nói giọng hài hước: Đây là vụ đầu tiên Sở NN-PTNT phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm và 48 hộ dân thực hiện mô hình sản xuất lúa Nếp hạt cau theo tiêu chuẩn "5 không" ở xã Quang Thiện.
"5 không" bao gồm: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV hóa học; không nước tưới ô nhiễm; không chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng; không giống biến đổi gen; không dư lượng hóa chất độc hại. Đến giờ này, có thể khẳng định mô hình này “làm khổ” chúng tôi vì suốt ngày nghe dân kêu, bắt đền vì lúa… tốt quá!
Lúa Nếp hạt cau hay còn gọi là giống nếp Vàng ong, nếp Tiến Vua, nếp đen… Từ nhiều năm trước, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lúa Nếp hạt cau cổ truyền tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” và thành công trong việc cung cấp giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng cho các địa phương từng bước thay thế giống cũ tự để đã bị thoái hóa.
Đến vụ mùa năm 2021, diện tích lúa Nếp hạt cau đạt trên 3.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Nho Quan và Hoa Lư. Định hướng giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Ninh Bình sẽ phát triển lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, trong đó phấn đấu mở rộng diện tích lúa Nếp hạt cau trên 5.000 ha.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích sản xuất, để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa Nếp hạt cau, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Nếp hạt cau Ninh Bình".
Việc xác lập, quản lý và phát triển hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận "Nếp hạt cau Ninh Bình" giúp nâng cao danh tiếng và uy tín của gạo Nếp hạt cau tỉnh Ninh Bình. Sản phẩm ra thị trường đảm bảo ổn định về chất lượng, góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
"Hữu cơ hóa" đặc sản lúa Nếp hạt cau
Đặc biệt, cùng với yêu cầu sản xuất sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, Sở NN-PTNT Ninh Bình cũng đã chỉ đạo một số địa phương xây dựng 3 mô hình thí điểm sản xuất lúa đặc sản theo hướng hữu cơ, kết hợp nuôi trồng thủy sản. Với quy mô 5 ha/mô hình, chỉ sau 3 năm, diện tích sản xuất lúa Nếp hạt cau hữu cơ, theo hướng hữu cơ ở Ninh Bình đã đạt trên 500 ha.
Trong đó, mô hình sản xuất lúa Nếp hạt cau ở HTX Nông nghiệp Đông Thiện do Sở NN-PTNT phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai là mô hình trồng lúa hữu cơ 100% duy nhất trên địa bàn tỉnh. Lúa được gieo cấy từ tháng 6, dự kiến cho thu hoạch vào cuối tháng 10/2021.
Trước khi thực hiện mô hình này, người trồng lúa ở Kim Sơn rất sợ cỏ dại và ốc bươu vàng, những “kẻ thù” buộc phải sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học để đối phó. Nhưng khi làm mô hình, nhờ sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý đồng ruộng, bón phân vi sinh, thuốc BVTV vi sinh đã không chỉ ngăn được với cỏ dại mà còn có thể chống được các loài sâu bọ gây hại.
"Dân chúng tôi hay nói vui là lá lúa Nếp hạt cau cứng thế này thì sâu bọ cắn vào gãy răng ngay! Vừa không phải tốn công làm cỏ, cũng không phải lo nạn sâu đục thân, ốc bươu vàng”, ông Trần Văn Thơ hài hước.
Ngoài những lợi ích về môi trường và sức khỏe nông dân, hoạch toán của HTX Nông nghiệp Đông Thiện cũng thể hiện, năng suất lúa Nếp hạt cau cao hơn so với lúa thường (lúa Nếp hạt cau hữu cơ vụ mùa 2021 ước khoảng 1,8 tạ/sào). Chưa kể, giá bán lúa thường chỉ đạt tầm 850 - 900 nghìn đồng/tạ, còn lúa Nếp hạt cau hữu cơ bán ít nhất 1,3 triệu đồng/tạ.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, lãnh đạo huyện Kim Sơn cho biết, sau khi triển khai thí điểm thành công mô hình này, huyện sẽ xây dựng kế hoạch nhân rộng đến các xã thuộc Tiểu khu 1,2,3 với tổng diện tích gần 4.000 ha. Trong đó, quy hoạch gần 800 ha là lúa hữu cơ, góp phần duy trì, bảo tồn và tiếp tục phát triển giống lúa đặc sản Nếp hạt cau.
Thân khỏe, lá lúa Nếp hạt cau cứng, không bị gãy đổ do gió bão, không phải tốn công làm cỏ, không phải lo nạn sâu đục thân, ốc bươu vàng
Lãnh đạo UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình cũng chỉ đạo, trong thời gian tới, các địa phương ở Kim Sơn cần rà soát lại diện tích, giảm bớt những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, hoặc những giống cây trồng cho năng suất thấp, từ đó cải tạo, quy hoạch lại bờ vùng, bờ thửa, đưa vào gieo cấy lúa Nếp hạt cau theo hướng hữu cơ và hữu cơ. Mục tiêu xây dựng thương hiệu lúa Nếp hạt cau Kim Sơn trở thành thương hiệu lúa đặc sản trên thị trường.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, Nếp hạt cau là giống phản ứng với điều kiện ánh sáng ngày ngắn nên chỉ gieo cấy được trong vụ mùa. Giống có thời gian sinh trưởng dài (145 - 155 ngày), chiều cao cây 140 - 150cm, cây cứng và thích ứng trên nhiều chân đất, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, một số đối tượng dịch hại như bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn….
Năng suất trung bình đạt 50 - 55 tạ/ha với giá bán thương phẩm trên 13.000 đồng/kg. Việc liên kết với Tập đoàn Quế Lâm xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn "5 không" vừa đảm bảo môi trường, vừa tăng thêm giá trị gia tăng cho nông dân.
Gắn lúa hữu cơ, đặc sản với tiềm năng du lịch
Ngoài mô hình lúa Nếp hạt cau, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cũng đã kiểm tra mô hình trồng lúa ST25 tại xã Chất Bình, huyện Kim Sơn.
Từ vụ đông xuân năm 2019 - 2020, một số người dân, địa phương đã đưa giống lúa thuần ST25 về gieo trồng trên đất Ninh Bình. Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi, đánh giá việc sinh trưởng phát triển của giống lúa ST25 tại địa phương.
Đến thời điểm hiện tại, sau 4 vụ với tổng diện tích trên 500 ha tập trung ở 3 huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, kết quả bước đầu cho thấy cho thấy ST25 trên đất Ninh Bình có thời gian sinh trưởng từ 130 - 135 ngày ở vụ đông xuân, 100 - 105 ngày vụ mùa. Lúa sinh trưởng phát triển rất tốt trong cả 2 vụ, chống chịu sâu bệnh, năng suất cao và chất lượng gạo rất ngon, nhất là tại các vùng đất phèn, mặn như huyện Kim Sơn.
Tại huyện Kim Sơn, theo đánh giá, năng suất giống ST25 vụ đông xuân 2020 - 2021 đạt khoảng 60 - 62 tạ/ha, vụ mùa ước đạt 50 - 54 tạ/ha. Chất lượng gạo thơm ngon, được thương lái ưa chuộng mua với giá rất cao (khoảng 10.000 - 13.000 đồng/kg thóc).
Ngoài ra, qua 4 vụ giep trồng cho thấy, bệnh đạo ôn, khô vằn gần như không xuất hiện, chỉ nhiễm nhẹ bệnh bạc lá ở vụ mùa năm 2021. Nhược điểm nhất của giống là thời gian trỗ dài, tỷ lệ lép cao hơn so với các giống thuần khác, bộ lá đòng lòng mo, rậm, rất dễ bị sâu cuốn lá và rầy, tuy nhiên đây lại là 2 loại sâu dễ phòng trừ.
Báo cáo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung mở rộng diện tích lúa đặc sản chất lượng cao toàn tỉnh lên khoảng 80%, trong đó ưu tiên mở rộng các giống lúa chất lượng cao, đặc sản, có thương hiệu, nhãn hiệu của Ninh Bình như Nếp hạt cau, Hương Bình...
Đồng thời, hỗ trợ thực hiện một số dự án sản xuất lúa gạo hướng hữu cơ theo chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ đối với các giống lúa thương hiệu nói trên.
Đối với giống ST25, bước đầu cho thấy có khả năng phù hợp với điều kiện của Ninh Bình, nhất là vùng Kim Sơn. Vì vậy, đề nghị Cục Trồng trọt hướng dẫn trình tự, thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Ninh Bình đưa giống ST25 vào sản xuất đại trà theo đúng quy định của pháp luật.
Đánh giá cao mô hình sản xuất lúa Nếp hạt cau ở HTX Nông nghiệp Đông Thiện, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, Ninh Bình là tỉnh có thế mạnh phát triển du lịch và sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ và cần phải được phát triển nhân rộng để hỗ trợ ngành du lịch của tỉnh.
Trong thời gian tới, Ninh Bình cần mở rộng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp như Tập đoàn Quế Lâm để tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không chỉ trên lúa gạo mà còn ở các lĩnh vực khác.
Năm 2021, diện tích lúa cả năm của Ninh Bình ước đạt 71.757 ha. Trong đó lúa đặc sản, chất lượng cao 52 nghìn ha, chiếm 72,5% tổng diện tích, tăng 1,3 nghìn ha so với năm 2020. Năng suất trung bình ước đạt 61,2 tạ/ha. Sản lượng lúa ước đạt khoảng 439,2 nghìn tấn, giảm 9 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Related news
Thị trường phân bón thế giới dự kiến sẽ tạo ra doanh thu 323.375,0 triệu đô la vào năm 2028, đạt tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR)
Cục Bảo vệ thực vật chủ trương giảm chi phí phân bón trong sản xuất bằng các giải pháp kỹ thuật, sao cho lượng phân bón giảm nhưng năng suất cây trồng
Chỉ nửa năm trồng thử nghiệm tại Gia Lai, giống sắn KM 94 đã thể hiện khả năng kháng rất tốt với bệnh khảm lá, cho năng suất dự kiến hơn 30 tấn/ha.