Cảnh Báo Phong Trào Nuôi Tôm Tự Phát
Những ao nuôi tôm thẻ chân trắng liên tiếp được đào mới từ những rẫy mía ven Sông Hậu thuộc địa bàn huyện Long Phú và Cù Lao Dung (Sóc Trăng).
Riêng ở Cù Lao Dung diện tích đào mới ao nuôi tôm nước lợ với tốc độ rất nhanh, năm 2013 mở mới 110 ha, năm 2014 sẽ tăng lên hơn 200 ha. Liên tiếp những rẫy mía được thay bằng những ao nuôi tôm công nghiệp, mà tập trung vào đối tượng tôm thẻ chân trắng.
Hiện nay giá bán 1 ha mía từ 43 triệu đến 50 triệu đồng, với mức gía này nông dân không có lãi, trong khi đó 1 ha đất trồng mía cho thuê là 350 triệu đồng trong thời gian 5 năm và người thuê trả tiền một lần, như vậy bình quân 1 công đất ven Sông Hậu hơn 5 triệu đồng, người trồng mía không cần đầu tư cũng thu lợi nhuận 5 triệu đồng 1 năm, chính vì thế mà những rẫy mía nhanh chóng chuyển sang ao nuôi tôm.
Về góc độ người thuê đất thấy rõ mức lợi nhuận khi đầu tư thuê đất nuôi tôm. 1 ha nuôi công nghiệp đối với ao mới đào thì tỉ lệ thành công rất lớn, nếu 1 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình công nghiệp sẽ thu từ hơn 1 tỉ đồng, với giá hiện tại thì người nuôi có lãi trên 600 triệu đồng, trừ chi phí thuê đất 350 triệu đồng, đầu tư công trình ao nuôi 100 triệu đồng thì chỉ cần 1 vụ nuôi thành công là đã có lãi hơn 100 triệu đồng, không cần nghĩ đến những năm còn lại.
Do đất trồng mía cho thuê hoặc hộ trồng mía chuyển sang nuôi tôm, nên công trình ao nuôi được mở mới liên tục; ở đâu khoan được giếng nước mặn là ở đó tự phát đào ao nuôi tôm. Chuyện người trồng mía, người nuôi tôm tự hạch toán trong làm ăn, còn ngành chuyên môn thì lo lắng về tác động môi trường, tình trạng bùng phát dịch bệnh.
Ông Đào Văn Bảy - Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thú y Sóc Trăng cho rằng: “Tình hình nuôi tôm tự phát, tự phát ngoài vùng quy hoạch là điều đáng lo ngại vì khả năng đáp ứng nguồn nước mặn sẽ tổn hại đến tài nguyên nước ngầm, khả năng bùng phát dịch bệnh. Do vậy mà người nuôi tôm phải hết sức thận trọng không chạy theo giá thị trường để đầu tư tràn lan”.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chuyến khảo sát vùng nuôi tôm Cù Lao Dung, trực tiếp làm việc với lãnh đạo các địa phương trong huyện và đưa ra những cảnh báo về tình trạng tự phát này. Ông Quách Văn Nam – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: “Tình hình tự phát phá mía nuôi tôm ở Cù Lao Dung là không nên. Tôi đề nghị địa phương cần làm rõ những tổn hại để cảnh báo nông dân. Chúng ta không chạy theo lợi nhuận trước mắt sẽ làm ảnh hưởng đến tài nguyên đất đai, tài nguyên nước ngầm. Vấn đề là phải làm đúng quy hoạch để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất”.
Ao nuôi tôm tự phát đều tập trung ở vùng nước ngọt của huyện Long Phú và Cù Lao Dung, miễn ở đâu khoan được giếng nước mặn thì ở đó trở thành khu vực nuôi tôm nước lợ, có thể đó là vườn cây ăn trái, là rẫy mía, hay ở đó là chân đê chống lũ. Sự chuyển đổi tự phát này là điều đáng lo ngại về bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm ở Sóc Trăng, chưa nói đến tác động môi trường nước mặt từ việc xả nước lợ trong vùng ngọt có khả năng làm ảnh hưởng đến các loại cây trồng, vật nuôi khác.
Related news
Những tháng đầu năm 2015 vụ nuôi tôm nước lợ diễn ra trong bối cảnh bất lợi về thời tiết, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn đến sớm hơn so với năm 2014, độ mặn ở nhiều nơi trên 32‰, mưa trái mùa, nguồn nước cấp bị ô nhiễm (nhiều thông số môi trường tại các điểm quan trắc đầu nguồn nước cấp đều vượt ngưỡng cho phép đặc biệt như nitrit, COD, Amonia, vibrio…) làm cho dịch bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy, đường ruột, phân trắng, vi bào tử trùng… phát triển, gây chết tôm nuôi, giảm sản lượng tôm thu hoạch và gây thiệt hại cho người nuôi.
Việc nuôi tôm cao triều ở Phú Yên trong thời gian qua đã mang lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình quản lý đất đai, một số địa phương đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất làm hồ nuôi tôm trái phép, có địa phương không kiên quyết xử lý nên diện tích lấn chiếm ngày càng tăng, diễn biến ngày càng phức tạp.
Do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh liên tục xảy ra, giá tôm giảm mạnh nhiều tháng liền. Trong khi đó, chi phí thức ăn, con giống… nuôi tôm tăng mạnh dẫn đến diện tích nuôi tôm công nghiệp ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2014.
Cư vào mùa này vào thời điểm thủy triều xuống ngư dân lại tìm đến nghề cào chem chép. Một ký chem chép sau khi cào xong, đóng bao bán cho các đầu nậu 1500 đồng/kg. Các đầu nậu cân lại cho các cơ sở nuôi tôm hùm, cá bóp vì chem chép sữa là thức ăn giàu dinh dưỡng cho các hải đặc sản giá trị như tôm hùm, cá mú, cá bóp...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nếu doanh nghiệp không tuân thủ trách nhiệm xã hội sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới.