Cẩn trọng trước vụ tôm mới
Nguyên nhân do nhiều vụ thất bại đã khiến người nuôi ngao ngán cộng với thời tiết vẫn còn ảnh hưởng khối không khí lạnh kèm gió gây bất lợi cho việc thả nuôi.
Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2016 đã được triển khai xuống địa bàn tỉnh. Theo đó, tôm sú chỉ nên thả nuôi 1 vụ, thời gian bắt đầu thả giống từ tháng 3 đến tháng 7, nếu nuôi thâm canh, bán thâm canh chỉ nên thả với mật độ 15 - 20 con post 15/m2, nếu nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến thì chỉ nên thả với mật độ 5 - 10 con post 15/m2.
Tôm thẻ chân trắng, thả giống từ tháng 2 đến hết tháng 9/2016, nên thả nuôi mật độ thưa từ 20 - 30 con/m2 (ao đất) và 100 con/m2 (ao lót bạt), có thể đăng lồng nuôi cá rô phi kết hợp trong ao hoặc trong ao chứa để xử lý nước…
Ông Trần Văn Hồng ở thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích, TX Ninh Hòa cho biết, như mọi năm trước vụ nuôi 1 tháng gia đình ông đã cải tạo ao để sau khi ăn tết xong là chuẩn bị thả tôm. Thế nhưng năm nay thời tiết thất thường nên chưa cải tạo ao được.
Còn ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết, từ năm 2011 đến nay người nuôi tôm địa phương luôn thua lỗ. Nguyên nhân do nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra cộng với thời tiết ngày càng biến đổi nóng lạnh thất thường khiến việc nuôi không còn thuận lợi như trước.
“Vụ tôm năm 2015, toàn xã thả gần 300ha song thua lỗ nặng. Vì vậy bước sang vụ tôm mới người nuôi ngao ngán hoặc đói vốn để cải tạo ao”, ông Khánh chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Nhật, Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hà, TX Ninh Hòa cho hay, địa phương đang chờ lấy ý kiến các thôn để thống nhất thả nuôi đồng loạt nhằm tránh việc người nuôi trước, người nuôi sau dẫn đến khó quản lý trong khâu dịch bệnh. Dự kiến vụ 1 năm 2016, toàn phường sẽ thả nuôi khoảng 350 ha tôm thẻ chân trắng, diện tích còn lại sẽ thả cua, cá…
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2016 thời tiết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến thất thường, hiện tượng ElNino kéo dài làm nhiệt độ nước tăng cao. Năm 2015 không có mưa lũ lớn, lượng chất thải tích tụ nhiều dẫn đến môi trường nhiều vùng nuôi tôm bị ô nhiễm. Nhằm hạn chế dịch bệnh tôm nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người nuôi chấp hành lịch thời vụ và thực hiện tốt việc nuôi tôm bền vững.
Để tránh thiệt hại trong nuôi tôm người nuôi nên tuân thủ các hướng dẫn trong NTTS
Bà Trần Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa đề nghị các địa phương thành lập các tổ liên kết cộng động, đồng thời hướng người nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Từ dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững năm 2015 chúng tôi triển khai 7 vùng nuôi trồng thực hiện 12 mô hình nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGAP mang lại hiệu quả, người nuôi cần áp dụng”, bà Thúy chia sẻ.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa cũng khuyến cáo người nuôi tuân thủ nghiêm ngoặt các hướng dẫn để tránh thiệt hại, không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng theo quy định của Bộ NN-PTNT. Trước khi thả giống, các hộ nuôi trong cùng khu vực nên tổ chức nạo vét kênh mương để tăng khả năng cấp thoát nước cho ao nuôi; đồng thời thả giống đồng loạt…
Được biết, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2016, toàn tỉnh thả nuôi khoảng 500ha tôm sú và 2.900ha tôm thẻ chân trắng, giảm hơn 100ha so với năm ngoái. Đối với diện tích giảm, người nuôi có xu hướng chuyển sang nuôi ốc hương hoặc cá.
Related news
Ngày xuân, trên nhiều bến dọc sông Hồng, sông Luộc lại tấp nập khi vào mùa cá mòi, loài đặc sản tự nhiên được săn đón mỗi độ xuân về, thu hút thực khách cả trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên việc khai thác thái quá những năm gần đây khiến loài đặc sản này ngày càng giảm về số lượng.
Để tạo môi trường nuôi thích hợp và hạn chế các tác nhân làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm cần theo dõi các thông tin quan trắc cảnh báo về dịch bệnh trong khu vực để có biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Năm 2016, ngoài các mặt hàng đang gặp khó khăn, cũng không ít mặt hàng có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2016 như: hạt điều, tiêu, gỗ, sắn và rau quả.