Cẩn Trọng Chuyện Mua Bán Nông Sản Bất Thường
Thương lái đặt vấn đề mua lá khoai lang, mua đậu bắp xanh số lượng lớn nhưng “không chịu làm hợp đồng”. Đây là những kiểu mua bán lạ thường mà theo ông Lê Văn Trung- Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Thành Lợi (Bình Tân - Vĩnh Long) “trước giờ chưa từng gặp”.
Thông tin thương lái đặt vấn đề mua lá khoai lang, dù chưa phát tán rộng rãi nhưng thật sự là mối lo ngại không chỉ mặt sản xuất mà có thể phá vỡ quy hoạch. Điều đáng nói hơn, họ là ai, mua để làm gì? Câu chuyện vẫn còn mờ mờ ảo ảo.
Giá cao bất thường
Ông Lê Văn Trung cho biết, kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, HTX Rau an toàn Thành Lợi tiếp rất nhiều đoàn thương lái (người Việt Nam và cả người Trung Quốc) đến đặt vấn đề mua bán rất lạ.
Cụ thể, mới đây thương lái đến HTX ngỏ ý mua 20 tấn lá khoai lang, với giá 10.000 đ/kg. Nếu HTX chủ động kêu gọi nông dân trồng cắt lá bán, thu gom thì sau đó công ty đưa xe đến nơi vận chuyển. HTX sẽ được hưởng huê hồng 1.000 đ/kg lá khoai.
Theo ông Trung, nhóm thương lái gồm có 4 người. Trong đó, có 2 người Việt Nam và 2 người Trung Quốc, giới thiệu công ty ở TP Hồ Chí Minh chuyên thu mua nông sản.
Qua tìm hiểu được biết đây là vùng trồng nhiều khoai lang nên xuống thu mua lá để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Qua thương lượng, công ty đưa trước cho HTX 20 triệu đồng để tạm ứng trước cho nông dân.
“Tôi không nhận tiền và hứa hỏi ý kiến nông dân mới dám trả lời. Do số lượng lớn nên tôi đặt vấn đề làm hợp đồng thì phía thương lái nói không cần thiết. Sau khi xin số điện thoại của HTX, cánh thương lái hứa sẽ liên lạc lại sau rồi lên xe đi mất”- ông Trung cho biết thêm.
Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, cũng có 4 đoàn thương lái Trung Quốc thông qua phiên dịch viên đến đặt vấn đề mua đậu bắp xanh của HTX với giá cao hơn thị trường từ 2.000- 3.000 đ/kg, nhưng chỉ… hợp đồng miệng.
Sau khi bị từ chối, với lý do không có hợp đồng và đặt cọc trước cho xã viên, cánh thương lái này đòi ra ruộng gặp trực tiếp nông dân để thương lượng. “Tôi có nhiều lý do để từ chối, sau đó họ hứa sẽ quay lại nhưng đến nay vẫn không thấy”- ông Trung nói.
Một số đặc điểm khá chung của cánh thương lái này là đến trực tiếp HTX, đặt vấn đề mua số lượng lớn, chấp nhận trả giá cao và thái độ mua bán thường tỏ ra rất vội vã…
Thận trọng mua bán
Qua trao đổi, người dân- kể cả cán bộ địa phương- đều không ai biết thương lái thu mua lá khoai lang để làm gì. “Cánh thương lái này cho biết, họ mua lá về dùng chế biến thức ăn và xuất khẩu ăn tươi, nhưng không biết đúng không!”- ông Lê Văn Trung băn khoăn.
Trong vai trò thương lái, chúng tôi đến ngỏ ý mua lá khoai lang tại một số hộ trồng nhưng đều nhận được câu từ chối, “trừ khi khoai lang đã thu hoạch xong mới cắt lá bán được”.
Điều này ông Trung cũng đã trao đổi với cánh thương lái, được biết “họ chỉ mua lá khoai xanh, tươi, còn sau khi thu hoạch lá đã vàng úa thì sẽ không mua.” Điều này khiến nông dân trồng khoai lo ngại, nếu việc mua lá khoai diễn ra tràn lan thì nhiều người sẽ lén lút cắt trộm lá bán cho thương lái, gây mất an ninh trật tự địa phương.
Trong khi đó, Thạc sĩ Võ Văn Theo- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Bình Tân cảnh báo: “Dây và lá sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng nuôi củ trong suốt quá trình. Vì thế, khi cắt lá khoai lang có thể giảm 50% năng suất, thậm chí không có củ”.
Liên quan đến việc mua bán đậu bắp xanh, ông Trung cho biết, từ nhiều năm qua, HTX cung ứng cho các công ty ở Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh theo hợp đồng, sản lượng khoảng 1,5 tấn/ngày để xuất khẩu sang Nhật Bản và thị trường nội địa.
Công ty đến mua bán đều phải có hợp đồng, đặt cọc trước khoảng 30% giá trị để HTX mua hạt giống, chi phí phân bón cung ứng cho xã viên. Nhờ cách đó nên xã viên trồng đậu bắp đều có đầu ra ổn định, có giá cả cao hơn thị trường nên lợi nhuận luôn đạt mức cao.
Sau sự việc thương lái thu mua đậu bắp xanh bằng hợp đồng miệng, ông Trung đã khuyến cáo bà con xã viên phải cẩn thận đừng vì lợi ích trước mắt mà vội mở rộng diện tích trồng, để rồi chịu cảnh dội chợ một khi thương lái tháo lui.
Thương lái không cung cấp số điện thoại
Hầu hết các thương lái đến ngỏ ý mua bán với HTX gần đây đều không cung cấp số điện thoại cá nhân hoặc nếu có cũng thường sử dụng sim khuyến mãi. Nếu cần thiết, cánh thương lái sẽ chủ động điện đến giao dịch. Cụ thể, trong vụ thương lái đến mua lá khoai lang mới đây, sau khi có số điện thoại của HTX thì thương lái đưa ra nhiều lý do để từ chối cho địa chỉ và số điện thoại, chỉ hứa sẽ liên lạc lại sau khi có hàng.
Related news
Là vùng thuần nông, đời sống của người dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên nhìn chung thu nhập của người dân còn thấp. Để tìm hướng phát triển mới cho nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi, thời gian qua huyện đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để phát triển mạnh đàn bò lai trên địa bàn nhằm nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Lâu nay, “bài toán” làm đau đầu người nuôi tôm sú trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là vấn đề chất thải của tôm, thức ăn thừa, phù sa tích tụ sau mỗi chu kỳ nuôi tồn lắng dưới đáy ao hồ cùng với nguồn nước thải từ ao nuôi tôm gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sinh thái.
Với phương châm: “Phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại phải gắn với bảo vệ, phát triển rừng và bảo vệ môi trường sinh thái”, thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã có hướng đi mới trong lao động, sản xuất và ý thức rất cao trong việc tích cực thực hiện tốt giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.
Đến từ một đất nước xa xôi nhưng các chuyên gia của Liên đoàn Hợp tác xã Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) có những hiểu biết sâu sắc về tình hình phát triển kinh tế tập thể của Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng. Đặc biệt, họ đã chia sẻ những kinh nghiệm rất thiết thực về phát triển kinh tế tập thể, nhất là khu vực hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.
Sau khi đã tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng và cách chăm sóc giống cây hoa phong lan, Trạm Khuyến nông huyện Lấp Vò vừa phối hợp UBND xã Bình Thạnh Trung tổ chức cấp phát cây giống hoa phong lan cho 20 hộ nông dân trên địa bàn xã, mỗi hộ được nhận 100 cây giống.