Cần Sớm Thay Đổi Để Làng Nghêu Gò Công Phát Triển Bền Vững
Sau thời gian nghêu chết hàng loạt trong những tháng đầu năm 2013, hiện nghêu nuôi ở vùng biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang phát triển bình thường. Tuy nhiên, người nuôi nghêu không khỏi lo lắng do nguyên nhân gây chết nghêu hàng loạt trong những năm gần đây vẫn chưa xác định được, đồng nghĩa "tai hoạ" có thể bất ngờ ập xuống bất cứ lúc nào mà người nuôi nghêu không có cách gì để phòng tránh. Do đó, vấn đề đầu tư nghiên cứu con nghêu, nhất là về môi trường, dịch bệnh để nghề nuôi đối tượng này phát triển bền vững hơn là việc làm cần sớm có giải pháp phù hợp.
Rủi ro ngày càng cao
Theo báo cáo kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Tiền Giang, thời điểm năm 2000 - 2001, nghề nuôi nghêu ở Tiền Giang bước vào giai đoạn phát triển ổn định với diện tích 1.800 hecta, sản lượng hơn 16.000 tấn nhưng giá nghêu lúc này chỉ ở mức 1.800 - 2.000 đồng/kg.
Đến năm 2005, diện tích nuôi nghêu tăng lên 2.150 hecta nhưng nguồn nghêu giống thả nuôi khan hiếm khiến sản lượng nghêu giảm gần 50%, giá nghêu tăng lên 9.000 - 10.000 đồng/kg (cao gấp 5 lần so với năm 2011) nên người nuôi nghêu thời điểm này có thể thu lãi gấp 10 lần so với vốn đầu tư.
Những năm gần đây, giá nghêu giống ngày càng tăng cao, có lúc lên đến hơn 15 triệu đồng/kg (nghêu giống cỡ 1 triệu con/kg) do nhiều địa phương ven biển trong cả nước mở rộng mô hình nuôi nghêu thương phẩm trong khi nguồn giống tự nhiên ngày càng khan hiếm.
Chính vì vậy, chi phí đầu tư nuôi nghêu cũng tăng theo thời gian, lợi nhuận trên vốn đầu tư theo đó cũng dần giảm lại. Đáng lo ngại hơn, tình hình dịch bệnh trên nghêu ngày càng diễn biến phức tạp, nghêu chết nhiều, thậm chí có hộ nuôi nghêu bị thiệt hại gần như hoàn toàn khiến họ rơi vào cảnh "trắng tay", còn sản lượng nghêu của tỉnh giảm mạnh.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, chỉ từ năm 2010 đến nay đã có 3 năm nghêu nuôi trên địa bàn tỉnh chết hàng loạt trên diện rộng gây thiệt hại nặng cho người nuôi nghêu. Năm 2010, nghêu chết từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4 trên diện tích là 918,37 hecta, sản lượng thiệt hại khoảng 12.581 tấn.
Năm 2011, nghêu chết từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 4 trên diện tích hơn 1.195 hecta, tỷ lệ nghêu chết bình quân 81,9%; sản lượng thiệt hại khoảng 10.578,4 tấn, giá trị thiệt hại hơn 220 tỷ đồng. Năm 2013, từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4, toàn tỉnh có 1.508 hecta nghêu bị thiệt hại với tỷ lệ nghêu chết từ 50-100%, sản lượng thiệt hại khoảng 15.000 tấn, giá trị thiệt hại khoảng 259 tỉ đồng.
Không loài thủy sản nuôi nào bằng
Dù rủi ro dịch bệnh tăng cao, lợi nhuận trong nuôi nghêu ngày càng giảm nhưng khi đề cập đến vấn đề hiệu quả trong nuôi nghêu hiện nay, ông Trần Văn Vinh, nông dân có 25 hecta nuôi nghêu ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) chẳng cần suy nghĩ nói ngay: "Nếu không có tình trạng nghêu chết hàng loạt như những năm gần đây thì nuôi nghêu có hiệu quả rất cao mà không có loài thủy sản nuôi nào bằng".
Cùng nhận định như vậy, ông Nguyễn Văn Nhịn (Chín Nhịn), nông dân có 4 sân nuôi nghêu với diện tích trên 30 hecta, ngụ ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cũng cho rằng: "Hiện nay nuôi nghêu vẫn là số 1". Theo tính toán của ông Chín Nhịn, hiện nay vốn đầu tư cho nuôi 01 hecta nghêu dao động từ 120 - 150 triệu đồng tùy theo mật độ thả giống.
Năng suất bình quân nghêu nuôi khu vực này dao động từ 15 - 20 tấn/ha, với giá nghêu bình quân chỉ tính khoảng 20.000 đồng/kg thì doanh thu từ 1 hecta nghêu là 300 - 400 triệu đồng. Như vậy, sau khi trừ chi phí, người nuôi nghêu vẫn còn lãi từ 200 - 250 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư bình quân là 1,5 lần.
Nghề nuôi nghêu không những mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi, giúp người nông dân vùng biển làm giàu, đóng góp một phần ngân sách địa phương mà quan trọng hơn còn đem lại công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân lao động ở địa phương và các vùng lân cận với hơn 300 ngàn ngày công lao động mỗi năm.
Chị Trần Thị Ngoan, lao động cào nghêu ở ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết, hiện nay, lao động cào nghêu ở khu vực này được chủ sân nghêu trả 120 ngàn đồng/ngày đối với nam, còn nữ được trả 80 ngàn đồng/ngày. "Tới mùa thu hoạch nghêu, hàng ngàn người từ đất liền đổ ra biển cào nghêu trong không khí rất phấn khởi. Gia đình tôi có 3 người đều đi cào nghêu, mỗi ngày cũng kiếm được hơn 300 ngàn đồng, cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình", bà Ngoan cho biết thêm.
Nuôi nghêu cũng là một trong những lợi thế quan trọng của tỉnh với diện tích nuôi nghêu đạt 2.300 ha (tập trung chủ yếu ở khu vực biển Tân Thành), chỉ đứng sau Bến Tre về diện tích nuôi nghêu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm, vùng nuôi nghêu này cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường xuất khẩu lên đến 17.000 tấn nghêu, góp phần đem lại nhiều ngoại tệ cho đất nước.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Gò Đàng cho biết, hiện nay nghêu rất được ưa chuộng tại các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á với mức giá xuất khẩu cũng rất hấp dẫn. Cụ thể, giá xuất khẩu nghêu thịt dao động từ 3,5 - 4 USD/kg, nghêu nguyên con khoảng 1,8 - 2 USD/kg...
Cần đầu tư nghiên cứu con nghêu
Thời gian qua, hoạt động nuôi nghêu của bà con ven biển ở tỉnh Tiền Giang cũng như các bãi nghêu khác trong cả nước chủ yếu dựa vào sự đúc kết kinh nghiệm sản xuất qua nhiều năm. Các cơ quan chuyển giao kỹ thuật sản xuất thủy sản ở địa phương dường như cũng chưa có nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi đối với đối tượng nuôi này. Việc học tập, nghiên cứu thông qua sách báo, tạp chí, đài truyền hình của bà con nông dân đối với con nghêu là rất hạn chế do tài liệu khoa học đối với loài thủy sản này rất hiếm.
Một chuyên gia về nuôi nghêu của tỉnh cũng cho biết, hiện nay các đề tài nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của con nghêu như môi trường nuôi, tăng trưởng, mầm bệnh, cách phòng trị bệnh ở nước ta còn rất khiếm tốn. Đến nay, loài thủy sản này vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, các địa phương chỉ tập trung vào khai thác từ con giống tự nhiên, thả nuôi trong tự nhiên sao năng suất đạt được cao nhất, chứ việc đầu tư, nghiên cứu con nghêu là rất hạn chế. Do đó, đến khi có dịch bệnh phát sinh thì chắn chắc thiệt hại xảy ra là rất lớn.
Nhiều nông dân nuôi nghêu cũng cho biết, đợt nghêu chết nào cũng có nhiều đoàn công tác của ngành chức năng trong tỉnh cũng như các viện, trường đến khảo sát, lấy mẫu kiểm tra nhưng nguyên nhân chính gây chết nghêu và cách phòng trị thì đến nay vẫn còn nợ người nuôi nghêu. Ông Võ Văn Mánh, nông dân có 25 hecta nuôi nghêu ở ấp Cây Bàng, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết, không phải nghêu mới bắt chết trên diện rộng những năm gần đây mà lần đầu tiên nghêu chết cách đây đã hơn 10 năm. Mỗi lần nghêu chết như vậy đều có ngành chuyên môn tới tìm hiểu nhưng chưa nghe có kết luận chính thức. Nguyên nhân nghêu chết do đâu, cách phòng ngừa và điều trị ra sao đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Để nghề nuôi nghêu phát huy hết tiềm năng và phát triển bền vững, thiết nghĩ đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy, đầu tư tái tạo lại cho con nghêu từ quy hoạch vùng nuôi, bảo vệ nguồn nghêu giống tự nhiên, tăng cường sản xuất nghêu giống, nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cho đến chế biến xuất khẩu một cách bài bản. Trước mắt phải tập trung nghiên cứu, sớm tìm ra tác nhân chính gây chết nghêu hàng loạt trong những năm qua để có biện pháp phòng trị, giúp người nuôi nghêu yên tâm sản xuất.
Related news
Mô hình trồng nhãn Idor của ông Nguyễn Văn Phúc (SN 1957) ở ấp Vàm Lịch, xã Chánh An, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Với 1.000m2 đất ươm trồng, mỗi năm vườn nho giống, nho cảnh của ông Nguyễn Trường Lang (phường Mỹ Hải - Ninh Thuận) cho thu nhập lên đến vài tỷ đồng
Sau hơn 15 năm lên bờ, Có một điều rất trân quý, khi đã trở nên giàu có, vợ chồng ông Thú không quên những người nghèo một thời lênh đênh sông nước với mình.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nắm thời cơ cùng với quyết tâm vượt khó, anh Đào Văn Tạ mỗi năm, trang trại tổng hợp cho gia đình anh lãi gần 1 tỷ đồng.
Những ngày gần đây, tại ấp Phước Lợi B, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nhiều bà con nông dân đã đua nhau trồng cây lan bạch trinh biển