Cần nhân rộng mô hình nuôi dê nhốt chuồng

Đối với các xã miền núi, các tiêu chí về nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo là những tiêu chí khó thực hiện trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Do vậy, việc tìm ra các mô hình mới, phù hợp để nhân rộng giúp người dân nâng cao thu nhập đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài một số con nuôi truyền thống như trâu, bò, lợn..., thời gian qua xã Triệu Nguyên đã khuyến khích người dân mở rộng các mô hình mới như nuôi dê nhốt chuồng, bò nhốt chuồng để nâng cao thu nhập. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc, địa phương đã vận động người dân mở rộng diện tích trồng cỏ, tận dụng tốt các sản phẩm nông nghiệp sẵn có để phục vụ chăn nuôi. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai nuôi dê nhốt chuồng, ông Ngô Thanh Bình (xã Triệu Nguyên) rất tin tưởng vào hiệu quả từ mô hình mới này.
Ông Bình cho biết, được sự hỗ trợ và hướng dẫn của chính quyền địa phương, ông đã đầu tư 10 triệu đồng để mua 4 con dê giống nuôi nhốt chuồng. Chỉ sau hơn 1 năm chăm sóc, đến nay đàn dê của ông Bình đã tăng lên 14 con. Thực tế cho thấy, nuôi dê nhốt chuồng có vốn đầu tư ít, có thể tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi trong gia đình nên hiệu quả kinh tế khá cao.
Ông Bình cho biết thêm, quá trình nuôi dê nhốt chuồng phải tuân thủ việc áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Do dê là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng trại cho dê cần phải sạch sẽ, cao ráo và thông thoáng. Trước chuồng nuôi cần có sân rộng để thuận lợi cho việc theo dõi, quản lý đàn dê, cho ăn và phòng trừ dịch bệnh. Để có đàn dê khỏe mạnh, yếu tố đầu tiên là phải chọn con giống tốt, vệ sinh chuồng trại thường xuyên. Đặc biệt, thức ăn phải để khô ráo trước khi cho dê ăn để tránh đau bụng.
Theo tính toán của ông Bình, nếu chăm sóc tốt 1 con dê có thể sinh sản bình quân từ 2-3 lứa/năm, mỗi lứa từ 2-3 con. Khoảng từ 10-12 tháng, dê sẽ cho xuất chuồng (con to đạt trên 30 kg, con nhỏ cũng đạt khoảng 15 kg). Giá thịt dê hơi trên thị trường hiện nay khoảng 100 ngàn đồng/kg, dê giống khoảng 150 ngàn đồng/kg, như vậy nuôi dê thu lợi nhuận khá cao so với các loại vật nuôi khác .
Tại xã Triệu Nguyên, mô hình nuôi dê nhốt chuồng mới chỉ xuất hiện trong thời gian khoảng 2 năm trở lại đây. Ban đầu chỉ có vài hộ nuôi nhưng đến nay tổng đàn dê toàn xã đã tăng lên 57 con, đạt 190% kế hoạch, tăng 45 con so với năm trước. Thức ăn chủ yếu của dê là cỏ, lá cây rừng và phụ phẩm nông nghiệp như thân, lá ngô, lạc.
Ông Trần Thiên Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên cho biết, mô hình nuôi dê nhốt chuồng rất phù hợp với các xã miền núi như Triệu Nguyên. Mô hình này đã khắc phục một số hạn chế so với hình thức chăn nuôi dê thả rông trước đây như quản lý tốt khâu dịch bệnh, chăm sóc, quản lý đàn dê tốt hơn, chất lượng đàn cao hơn trước. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, tận dụng tốt nguồn vốn hỗ trợ, chủ động trong công tác phòng trừ dịch bệnh để nhân rộng mô hình trên địa bàn xã, qua đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Đồng thời, sẽ thành lập tổ hợp tác chăn nuôi để liên kết các hộ, giúp nâng cao hiệu quả các mô hình.
Mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống cho người dân. Do vậy, thời gian qua nhiều địa phương trong tỉnh đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích người dân xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả để nâng cao thu nhập. Thực tế cho thấy, chính những mô hình này đã cải thiện thu nhập đáng kể cho người dân nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí thu nhập, giảm hộ nghèo trong chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, ở nhiều xã miền núi vẫn còn tình trạng đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, việc áp dụng KHKT chưa triệt để, thiếu vốn sản xuất nên các mô hình trồng trọt, chăn nuôi của người dân mang lại hiệu quả chưa cao.
Để các mô hình hay, hiệu quả tiếp tục được nhân rộng, từng bước thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM, các địa phương cần thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao hiệu quả, năng suất, hướng tới sản xuất hàng hóa và mở rộng ngành nghề cho nông dân. Đồng thời, chú trọng vấn đề thị trường, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Các xã miền núi cần thực hiện lồng ghép tốt các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để giúp các hộ dân có điều kiện sản xuất, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Related news

Đến năm 2020, ngành thủy sản sẽ phấn đấu đưa tổng sản lượng thủy sản đạt 7 triệu tấn và giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD, tỷ trọng thủy sản chiếm khoảng 33,3% trong GDP nông nghiệp.

Nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh ta đã có hàng trăm hộ gia đình sản xuất nấm (nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm và nấm mục nhĩ) có thu nhập khá, rải rác ở các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa... Nấm được trồng quanh năm, nhưng hiệu quả nhất vẫn là nấm mục nhĩ và nấm sò.

Năm 2012, được Trung tâm Khuyến nông quốc gia đầu tư kinh phí, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình trồng keo tai tượng thâm canh tại 3 xã, gồm: Phúc Đường, Hải Long (Như Thanh), Thanh Quân (Như Xuân), quy mô 113 ha, với 70 hộ tham gia thực hiện.

Ngày 23 – 10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2013 – 2014, giải pháp thu mua, chế biến niên vụ 2014 – 2015 và định hướng kế hoạch sản xuất niên vụ 2015 – 2016.

Sau hơn hai năm, 53 thành viên đầu tiên thuộc dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về làm phó chủ tịch (PCT) tại 53 xã thuộc sáu huyện miền núi Quảng Ngãi đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống những người dân vùng cao.