Cam Trung Quốc Nhái Cam Việt Nam Tràn Ngập Thị Trường
Tính ra nếu bán hết 1 tạ cam “nhái”, người bán hàng rong có thể thu về tới hơn 1 triệu đồng/ngày.
Thời gian gần đây, tại các chợ dân sinh cũng như vỉa hè Thủ đô xuất hiện rất nhiều điểm kinh doanh “cam Hà Giang”. Loại cam này có đặc điểm vỏ mỏng, màu xanh hoặc xanh ngả vàng, tép cam màu vàng chanh rất bắt mắt, mọng nước và không có hạt.
Một đặc điểm khác nữa rất dễ nhận dạng là dẫu bị phơi nắng cả ngày nhưng cam vẫn tươi xanh như vừa mới hái. Cam được bày bán đại trà, mức giá khoảng 12.000 - 15.000 đồng/kg; loại quả nhỏ, mẫu mã kém, giá khoảng 8.000 đồng/kg; người bán khẳng định là “hàng Việt Nam xịn” có xuất xứ từ Hà Giang.
Cách đây vài năm, khi loại cam mẫu mã đẹp, giá rẻ chỉ bằng 1/3 giá thị trường xuất hiện tại Việt Nam dưới danh nghĩa “cam Hà Giang”, đích thân Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang - ông Nguyễn Đức Vinh đã đăng đàn khẳng định: Cam Hà Giang chỉ bắt đầu thu hoạch vào tháng 12 dương lịch hằng năm.
“Điểm khác biệt rõ nhất giữa cam Hà Giang với “cam nhái” là cam Hà Giang có hạt, khi chín quả màu vàng, cùi dày, vị ngọt thơm”, vị Giám đốc Sở nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vinh, vài năm qua, vào mùa thu hoạch, giá cam Hà Giang được bán tại vườn khoảng 15.000 đồng/kg (chưa tính công hái, cước phí vận chuyển) và giá cao nhất lên đến 50.000 đồng/kg vào cuối vụ. Bởi vậy, “nếu là cam Hà Giang xịn thì không thể có mức giá rẻ như vậy”.
Nguồn gốc loại cam này cũng bị “lật tẩy” cách đây khá lâu. “Nguồn cung” lớn nhất chính là chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội).
Ngay từ 3h sáng đã có hàng chục xe ô tô chở đầy cam chờ giao hàng. Đến tầm 6h30’, hàng chục tấn cam, chủ yếu từ những cửa khẩu chính là Lào Cai, Móng Cái (Quảng Ninh) và Tân Thanh (Lạng Sơn) đã được bán hết. Trên các thùng xốp đựng loại cam này, nhãn mác đều là của Trung Quốc nhưng tất cả đều được lột bỏ sau khi hàng ra khỏi chợ.
Theo một tiểu thương trong chợ, loại cam này được nhập với giá khá rẻ, chỉ từ 3.000 - 6.000 đồng/kg. Tính ra, nếu bán hết 1 tạ cam, người bán hàng rong có thể thu về tới hơn 1 triệu đồng/ngày. Rõ ràng, “cam Trung Quốc” là mặt hàng siêu lợi nhuận.
Vì mức độ sinh lãi khủng khiếp, các tiểu thương Việt Nam sẵn sàng bỏ qua tất cả cảnh báo của các cơ quan chức năng: Thời gian qua, hoa quả Trung Quốc nói chung liên tục bị phát hiện có chứa chất không an toàn, gây độc hại cho sức khỏe con người.
Cách đây chưa lâu, một cơ quan giám định chất lượng của Trung Quốc (Vật liệu Khoa học và Kỹ thuật tại Viện Công nghệ thời trang Bắc Kinh) đã tiến hành xét nghiệm trên một số quả cam và đưa ra kết luận: Vỏ cam đã được nhuộm màu nhân tạo độc hại. Theo các chuyên gia, khi bị tích lũy trong cơ thể, thuốc nhuộm công nghiệp sẽ gây độc cho gan, thận.
Ở một diễn biến khác, tháng 10/2012, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đã kiểm nghiệm và phát hiện trên một số mẫu hoa quả (nho, mận, lựu…) được nhập khẩu từ Trung Quốc đều chứa carbendazim và tebuconazole - những hóa chất có thể gây vô sinh và nguy hại cho sức khỏe con người - với dư lượng vượt quá mức cho phép tới gần 5 lần.
Khảo sát thị hiếu người tiêu dùng, không ít khách hàng dẫu băn khoăn, nghi ngại về nguồn gốc, xuất xứ nhưng vẫn… nhắm mắt mua đại. Anh T.C, một lao động tự do ở Cầu Giấy (Hà Nội) ngậm ngùi: “Tôi nghe báo chí nói nhiều rồi, cũng thấy ngờ ngợ nhưng chạy xe ôm cả ngày chưa được nổi 200.000 đồng nên chỉ dám mua loại cam này về ăn thôi, còn sống chết thì… đã có số!”.
Tương tự như vậy là tâm trạng của bạn L.H (sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội): “Em thấy cam này ngon, nhiều nước, giá lại rẻ. Hàng Việt Nam an toàn thật nhưng giá cao quá. Thôi thì cứ ăn đã còn mọi chuyện… tính sau!”.
Người tiêu dùng Việt Nam đã và đang vướng vào cái vòng luẩn quẩn không lối thoát của cam Trung Quốc giá rẻ nói riêng, “hàng Tàu” nói chung. Thiết nghĩ, trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc, người tiêu dùng phải có ý thức tự bảo vệ mình, tránh ham của rẻ, tiền mất mà tật mang!.
Related news
Sáng ngày 8/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây và Công ty CP thương mại, đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT) phối hợp tổ chức Diễn đàn phát triển cây mắc ca vì mục tiêu làm giàu của nông dân Tây Bắc và Tây Nguyên.
Theo Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang cấp mới 30 giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y cho các trang trại chăn nuôi lợn, gà; lò ấp nở gia cầm; điểm giết mổ tập trung tại các huyện Tân Yên, Việt Yên, Lục Nam và Lạng Giang, nâng tổng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận lên 160.
Hầu hết các loại cây trồng có nguồn gốc từ Nhật Bản. Sản phẩm được các doanh nghiệp như: Công ty G.O.C Bắc Giang, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Nông Bắc Giang, chi nhánh Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Sơn Động... đặt hàng bao tiêu.
Những ngày này, về các vùng quê trên địa bàn huyện Long Mỹ (Hậu Giang), ngoài không khí hối hả thu hoạch lúa, còn dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân tất bật ủ rơm và xuống meo cho những giồng rơm chất nấm của mình. Một mùa nấm rơm đang khởi động nơi đây, đặc biệt phong trào bán “nấm rơm đêm” cho thu nhập cao đang tiếp tục được duy trì.
Bên cạnh đó, sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm đối với từng lô hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ và sản phẩm chế biến từ nhuyễn thể hai mảnh vỏ đăng ký xuất khẩu vào EU về chỉ tiêu vi sinh vật. Chỉ lô hàng được áp dụng biện pháp kiểm tra tăng cường theo quy định mới được cấp giấy chứng nhận ATTP xuất khẩu vào EU.