Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cải Tạo Vườn Tạp Ở Vị Đông

Cải Tạo Vườn Tạp Ở Vị Đông
Publish date: Wednesday. August 27th, 2014

Nhờ đẩy mạnh công tác cải tạo vườn tạp mà nhiều hộ dân ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy đã tăng thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. Đây là động lực giúp cho người dân tiếp tục chuyển đổi số diện tích còn lại.

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ các đặc tính của đất, điều kiện tự nhiên của địa phương, xã đã chọn một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như: dừa, chanh, vú sữa, xoài, bưởi… để giúp người dân cải tạo lại vườn hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng Tân, Chủ tịch UBND xã Vị Đông, cho biết: Thời gian qua, việc sử dụng đất vườn của các hộ dân chưa phù hợp, còn trồng nhiều loại cây tạp, hiệu quả kinh tế thấp.

Để giúp nông hộ thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao đời sống, phát triển kinh tế gia đình, xã đã tiến hành họp dân, nói rõ những lợi ích từ chuyển đổi cây trồng, hiệu quả mang lại, từ đó người dân đồng tình tham gia.

Theo kế hoạch, địa phương phải có từ 1-2 ấp cải tạo toàn bộ diện tích vườn tạp, nên ngay từ đầu năm, xã đã tập trung xây dựng mô hình điểm về cải tạo vườn tạp tại ấp 6 làm nền tảng cho việc nhân rộng mô hình ra toàn xã trong những năm tiếp theo.

Toàn xã có khoảng 127ha vườn tạp, đến nay đã chuyển đổi 6,5ha, trong đó riêng ấp 6, diện tích cần chuyển đổi là 33,39ha, hiện đã chuyển đổi được 1,8ha, số diện tích còn lại đang trong quá trình cải tạo.

Ông Lê Văn Sang, ở ấp 6 là một trong những hộ dân cải tạo vườn tạp từ nhiều năm nay, cho biết: “Năm 2008, khi phong trào cải tạo vườn tạp của xã chưa phát triển mạnh, nhiều người còn chưa định hướng được trồng cây gì, thì tôi đã mạnh dạn cải tạo 1.300m2 đất vườn của gia đình để trồng 70 gốc bưởi da xanh. Tính đến nay, vườn bưởi đã cho thu hoạch được 3 vụ, đem lại kinh tế ổn định cho gia đình”.

Theo ông Sang, bưởi da xanh là loại cây ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ bước đầu cũng khá ổn định. Theo dự kiến, trong tháng 9 âm lịch tới, ước tính năng suất sẽ đạt khoảng 1,5 tấn, với giá bán bình quân hiện khoảng 38.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sẽ cho lợi nhuận hơn 50 triệu đồng.

Từ hiệu quả của mô hình mang lại, ông đã tiếp tục mở rộng thêm 1.300m2 nữa và năm tới sẽ cho thu hoạch trái chiếng. Theo dự kiến, ông sẽ tiếp tục cải tạo thêm 2.000m2 vườn cây kém hiệu quả còn lại để góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Vốn có tinh thần ham học hỏi cùng với sự quyết tâm của một nhà nông, ông Lê Hoàng Săng, ở ấp 6 đã mạnh dạn đầu tư trồng cam xoàn trên diện tích vườn 4.000m2 của gia đình. Ông Săng cho biết: “Trước đây, với mảnh vườn tạp trồng nhiều cây, trong đó thu nhập chính từ mít nhưng cũng rất bấp bênh.

Do thời điểm đó, thương lái chỉ thu mua mít chín, trong khi vườn mít lại không cho thu hoạch đồng loạt nên giá bán thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn khác và được UBND xã tuyên truyền vận động, gia đình tôi đã cải tạo vườn tạp để trồng cam xoàn. Hiện cây đang trong giai đoạn phát triển”.

Theo ông Săng, cam xoàn là loại cây khá mới mẻ với gia đình, nhưng do thường xuyên học hỏi kinh nghiệm và xã cũng đã có cán bộ khuyến nông hướng dẫn nên rất an tâm. Ngoài ra, ông cũng đã đăng ký thực hiện theo đề án 1.000 để khi Nhà nước có hỗ trợ, gia đình sẽ có nguồn vốn để tiếp tục đầu tư.

Ông Nguyễn Hoàng Tân, Chủ tịch UBND xã Vị Đông, cho biết thêm: Hiện nay, xã đã hoàn tất việc đăng ký của các hộ dân trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đề án 1.000. Nhưng đó chỉ mới là giai đoạn đăng ký, vẫn chưa có mức hỗ trợ cụ thể, chính vì thế cũng gây khó khăn cho địa phương khi triển khai thực hiện.

Trước mắt, nhằm nâng cao thu nhập của người dân trên cùng một đơn vị diện tích, xã sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, kế hoạch cải tạo vườn tạp trong toàn xã.

Về lâu dài, để mở rộng diện tích, phát triển các loại cây một cách bền vững và hiệu quả hơn nữa, phải cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện, đồng thời phải có sự liên kết “4 nhà” để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế một cách bền vững.


Related news

Giá Mực Khô Tăng Lên Từ 20 Đến 30 Nghìn Đồng/kg Giá Mực Khô Tăng Lên Từ 20 Đến 30 Nghìn Đồng/kg

Được biết, trong khoảng 3 tháng trước đây, mực khô bị giảm giá đột biến khoảng 150 ngàn đồng/kg, gây rất nhiều khó khăn cho bà con ngư dân khi đánh bắt vì thu không bù nổi chi phí (doanh thu bán mực chiếm 70% tổng doanh số đánh bắt của chuyến biển), nhiều tàu ghe lỗ tổn do giá mực giảm phải nằm bờ.

Friday. August 1st, 2014
Bắc Ninh Tăng Cường Ứng Dụng Cơ Giới Hóa Trong Chăn Nuôi Bắc Ninh Tăng Cường Ứng Dụng Cơ Giới Hóa Trong Chăn Nuôi

Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, chế biến, các trang trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Friday. August 1st, 2014
Rơm Đắt Như... Vàng Rơm Đắt Như... Vàng

Từ đầu tháng 3 đến nay, khi bắt đầu thu hoạch vụ dưa đông xuân 2013 - 2014 và vụ dưa xuân hè 2014, tại các tỉnh miền Trung, rơm được bán với giá rất cao, gấp 2 - 3 lần so với mọi năm.

Monday. April 14th, 2014
Bình Phước Bệnh Vàng Rụng Lá, Nấm Hồng Trên Cây Cao Su Có Xu Hướng Tăng Bình Phước Bệnh Vàng Rụng Lá, Nấm Hồng Trên Cây Cao Su Có Xu Hướng Tăng

Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, thời gian qua, các bệnh hại trên cây cao su như: Rệp vảy, vàng rụng lá, nấm hồng, héo đen đầu lá... gây hại phổ biến ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Friday. August 1st, 2014
Nỗi Lo Từ Một Dự Án Rau Sạch Nỗi Lo Từ Một Dự Án Rau Sạch

Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (còn gọi là QSEAP), tổng vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng, trong đó khoảng 66 tỷ đồng là vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được Sở NN&PTNT Đà Nẵng triển khai đầu năm 2010.

Friday. August 1st, 2014