Cái Hoá Cá Rô Đồng
Mô hình nuôi cá rô đồng thời gian qua đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều người nuôi. Nhận biết đặc điểm cá rô đồng cái sinh trưởng và phát triển nhanh hơn cá đực, qua đó, để tạo ra con giống chất lượng, góp phần nâng cao hơn hiệu quả sản xuất cho bà con, Trung tâm KHKT&SX Giống thuỷ sản Quảng Ninh đã nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất giống cá rô đồng toàn cái bằng phương pháp tạo cá đực đặc biệt.
Theo kỹ sư Nguyễn Ngọc Đạt, cán bộ Trung tâm KHKT&SX Giống thuỷ sản Quảng Ninh (tác giả giải pháp “Sản xuất giống cá rô đồng toàn cái bằng phương pháp tạo cá đực đặc biệt”), việc nuôi cá rô đồng với mục đích lấy thịt mà trong đàn cá giống có nhiều cá đực thì hiệu quả không cao, do cá đực đầu to, mình dẹt và dài, tỷ lệ thịt thấp, bán thường mất giá.
Trong cùng một điều kiện nuôi thì sau 5-6 tháng nuôi, cá rô đồng cái thường đạt trọng lượng từ 120-150 g/con, còn cá đực chỉ đạt trọng lượng 60-70 g/con.
Với đặc điểm này, việc nghiên cứu một giải pháp kỹ thuật sản xuất cá giống rô đồng toàn cái là cần thiết, nhằm tiết kiệm chi phí thức ăn, nâng cao năng suất nuôi. Trên thực tế, để “cái hoá” cá rô phi hiện nay, nhiều nơi đã áp dụng phương pháp dùng hormon trong thức ăn hoặc pha vào nước để ngâm cá. Tuy nhiên, giá hormon sinh dục cái khá cao, ảnh hưởng đến giá thành con giống. Mặt khác, việc sử dụng các loại hormon tổng hợp nhân tạo cũng làm người tiêu dùng lo ngại về chất lượng thịt cá.
Qua đó, để tìm ra phương pháp mới, hiệu quả, giảm giá thành cũng như đảm bảo chất lượng cá rô đồng giống, anh Đạt đã nghiên cứu, áp dụng phương pháp sản xuất giống cá rô đồng toàn cái bằng phương pháp tạo cá đực đặc biệt. Theo anh Đạt, quan trọng nhất của giải pháp này là việc tạo ra những cá đực đặc biệt, mang bộ nhiễm sắc thể cái (XX).
Theo đó, cá rô đồng khi còn non (1 ngày tuổi) sẽ được cho ăn thức ăn pha một lượng hormon sinh dục đực methyltestosteron (MT) để trở thành cá đực. Về lý thuyết, trong đàn cá toàn đực sau khi được xử lý bằng hormon MT sẽ có khoảng một nửa là những cá đực đặc biệt, một nửa là cá đực bình thường.
Cá đực bình thường mang các nhiễm sắc thể sinh dục XY, khi được nuôi làm cá bố sẽ cho kết quả gồm nửa đực và nửa cái. Cá đực đặc biệt có các nhiễm sắc thể sinh dục XX, khi nuôi làm cá bố sẽ cho đàn con hầu như toàn cá cái.
Cũng theo anh Đạt, trong phương pháp này, việc nuôi và kiểm tra đàn con là công đoạn mất nhiều thời gian và công sức nhất. Cá được xử lý bằng hormon MT sau 3 tháng ương, sẽ được kiểm tra giới tính và chọn ra những cá đực khoẻ mạnh, phát triển tốt để làm cá bố.
Sau đó, cá bố được nhân giống và tạo ra đàn cá con ở thế hệ tiếp theo. Trong quá trình này, đàn cá con của mỗi cá bố phải được nuôi riêng rẽ cho đến thời điểm kiểm tra được tuyến sinh dục, đồng thời phải giữ lại từng con cá bố của mỗi đàn con để sử dụng tiếp, tuyệt đối không được để lẫn lộn cá cái, đực.
Qua theo dõi và kiểm tra, những cá đực cho đàn cá con có trên 82% là cái được giả định có bộ nhiễm sắc thể XX và được giữ lại làm cá bố để sản xuất cá con toàn cái. Phương pháp này được tiến hành, nhằm tạo thế hệ cá rô đồng con mang nhiễm sắc thể giới tính XX để biệt hoá thành cá cái, qua kỹ thuật phối cá cái bình thường với cá đực đặc biệt mang bộ nhiễm sắc thể cái XX.
Với phương pháp này, trên thực tế áp dụng từ năm 2012 cho thấy, những cá đực đặc biệt cho thế hệ cá con với tỷ lệ cá cái từ 75-92%, trong khi ở điều kiện sản xuất bình thường, tỷ lệ cá cái chỉ khoảng 40%.
Qua đó, hạ giá thành con giống cá rô đồng toàn cái từ 540 đồng/con xuống còn 340 đồng/con. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, cá giống nuôi thương phẩm cho năng suất và lợi nhuận cao hơn 30% so với nuôi cá rô đồng thông thường. Phương pháp này cũng làm phong phú thêm nguồn giống trong nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao và tạo ra sản phẩm hàng hoá nông nghiệp sạch, chất lượng.
Related news
Ba Chẽ là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, với trên 79,8% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân trong huyện chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng. Không cam chịu cái nghèo khó đeo đẳng, nhiều gia đình ở Ba Chẽ đã vươn lên tìm hướng thoát nghèo. Một trong những hướng đó là nuôi lợn rừng.
Được sự hỗ trợ của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (CTNN) tỉnh Bình Định, Công ty TNHH Thuận Nông và HTXNN Nhơn An, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) đã xây dựng và thực hiện liên minh sản xuất (LMSX) lúa giống xác nhận bền vững, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực…
Những hộ dân của ấp Tân Hòa A (xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) là một vùng đất bưng biền, hoang hóa đã không đầu hàng số phận, tìm được cách làm giàu trên mảnh đất cằn cỗi của mình bằng mô hình: Trồng sen gương (sen lấy hạt non), kết hợp nuôi cá
Ông bà ta thường có câu "muốn giàu thì nuôi cá" quả thật không sai. Chúng tôi tìm đến nhà chú Nguyễn Văn Dừa sau đoạn đường khoảng 4 km cách UBND xã Tân Lập I, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Vài năm gần đây anh Nguyễn Văn Tuấn ở ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông (huyện Cai Lậy) đã thành công với mô hình nuôi cá lóc trong vèo, góp phần nâng cao mức sống gia đình.