Cách phòng, chống rét hiệu quả cho gia súc
Thời tiết diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại kéo dài đã gây thiệt hại lớn trong chăn nuôi. Để phòng chống rét, bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông, bà con nông dân cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau.
1. Khâu chuẩn bị
Chuồng trại
Đối với chuồng trại cần tu sửa, che chắn để tránh gió lùa. Đảm bảo nền chuồng luôn sạch và khô ráo, thường xuyên thay chất độn chuồng, hạn chế việc dội nước vào nền chuồng.
Khi xây chuồng mới cần ở nơi cao ráo, gần nguồn nước, nằm trong quy hoạch vùng; cửa chuồng hướng về phía nam hoặc tây nam để đảm bảo ánh sáng và độ thông thoáng; nên làm mái chuồng cao 3m, thành chuồng cao từ 0,8 - 1,2 m, nền cao hơn mặt đất 40 - 50 cm, có độ dốc 2 - 3%.
Trong chuồng, nên có ô thoáng phía trên để gió lưu thông. Khi đốt lửa sưởi, khói sẽ theo lỗ thoáng ra ngoài, không tích khí độc trong chuồng ảnh hưởng đến trâu bò.
Thức ăn
Chuẩn bị thức ăn dự trữ rất quan trọng, vì chỉ khi cung cấp thức ăn đầy đủ trâu bò mới có đủ năng lượng chống lại giá rét.
Áp dụng các biện pháp dự trữ, tận thu thức ăn trong mùa đông như rơm rạ, ngọn lá mía, các loại bã sắn, bã dứa, cây chuối trộn cám, muối (2 - 3% muối) cho trâu bò ăn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chế biến như: ủ chua thức ăn, ủ rơm với urê,...
Bắt đầu vào tháng 11, người chăn nuôi cần chuẩn bị sẵn thức ăn dự phòng cho trâu bò để sử dụng trong 4 tháng tiếp theo. Với một trâu, bò trưởng thành (có khối lượng khoảng 3 tạ), cần chuẩn bị trung bình: 2,5 tạ thức ăn tinh (ngô, bột cám, bột sắn..) và 4 tạ thức ăn thô (rơm, cỏ voi, cây chuối, cây sắn, thức ăn ủ chua…), tối thiểu bảo đảm bổ sung 1 - 2 kg cám hỗn hợp/trâu bò trong những ngày giá rét.
Nếu có điều kiện cần bổ sung vitamin và các chất khoáng bổ trợ để tăng cường sức khoẻ và khả năng chống đỡ bệnh cho gia súc.
Vật liệu chống rét
Vật liệu chống rét gồm rơm, cỏ, lá chuối, bẹ ngô khô để lót nền chuồng; trấu, củi để đốt sưởi; bạt, bao ni lông, phên, nứa để quây, che xung quanh chuồng; chăn, áo, bao tải gai để làm áo chống rét. Nên sử dụng các tấm chăn, áo, bao tải gai đã cũ để làm áo chống trét cho trâu bò.
2. Vệ sinh thú y và tiêm phòng
Đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ giúp hạn chế mầm bệnh cho trâu bò, đặc biệt khi tiêm phòng tốt cũng giúp trâu bò tránh một số bệnh xảy ra khi thời tiết thay đổi.
Cần thường xuyên quét dọn vệ sinh chuồng trại, định kỳ phun thuốc khử trùng 2 - 3 tuần/lần để vệ sinh tiêu độc khử trùng.
Thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ; tiêm phòng đầy đủ các bệnh: lở mồm long móng gia súc, tụ huyết trùng trâu bò. Tiêm phòng bổ sung cho gia súc khi đến tuổi tiêm phòng và số gia súc bị tiêm sót trong các đợt tiêm phòng định kỳ.
Kiểm tra phát hiện kịp thời những trâu bò có biểu hiện bệnh sán lá gan, ký sinh trùng đường máu để tiêm phòng; điều trị vào những ngày nắng ấm.
3. Biện pháp thực hiện khi chống rét
- Người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để có kế hoạch phòng, chống rét cho trâu bò đạt hiệu quả cao. Tốt nhất những ngày gió rét dưới 15 độ C nên giữ gia súc ở tại chuồng, không nên đi chăn thả.
Sử dụng rơm rạ, cỏ khô lót chuồng trong mùa đông sẽ làm giảm đáng kể ảnh hưởng thời tiết lạnh đến gia súc.
Những ngày bình thường, nên cho trâu bò trưởng thành ăn khoảng 25 - 30 kg thức ăn thô và 1,5 kg thức ăn tinh, chia làm hai bữa. Nếu vào ngày rét đậm, rét hại cần điều chỉnh tăng lượng thức tinh khoảng 2 kg để bổ sung năng lượng, giúp trâu bò chống lại giá rét.
Chú ý cho trâu bò ăn thức ăn thô trước rồi mới ăn thức ăn tinh và uống nước để trâu bò sẽ ăn thức ăn thô nhiều hơn.
Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, cần áp dụng phương pháp đốt lửa chống rét và chú ý tới vị trí đặt. Cần đặt khay lửa ở cuối chuồng để khói không tạt vào mặt trâu bò và đặt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy.
Cần mặc áo chống rét cho trâu bò; chú ý chiều dài áo phủ từ thân đến hết đuôi, chiều ngang vừa đủ choàng qua thân, các dây buộc thắt như khuy áo buộc dưới bụng ; không nên mặc áo chống rét cho trâu bò cả ngày, lúc trời nắng (thường sau 8 giờ sáng) nên bỏ áo để trâu bò hưởng nắng ấm.
Trong công tác phòng chống rét cho trâu bò, người chăn nuôi càng chủ động hiệu quả sẽ càng cao.
Lưu ý
Những ngày rét đậm rét hại, trâu bò thường hay xảy ra bệnh cước chân, biểu hiện thấy da chân bị sưng phù, nứt nẻ, có hiện tượng xung huyết.
Trường hợp bệnh nặng, lớp biểu bì ở chân có chảy dịch màu vàng, tạo vết loét, gây nhiễm trùng. Nếu không điều trị kịp thời thì tổ chức dưới da bị hoại tử làm cho con vật bị què, nặng hơn có thể kế phát các bệnh truyền nhiễm khác.
Khi trâu bò bị cước chân cần chú ý tăng cường giữ ấm cho chúng, để nền chuồng khô ráo, cho ăn uống đầy đủ có bổ sung muối, khoáng, vitamin.
Bệnh mới xuất hiện có thể dùng gừng giã nhỏ hoà với rượu để xoa bóp; đồng thời cho trâu bò vận động tại chuồng để tăng cường tuần hoàn máu tại chân, tránh hiện tượng sưng phù bệnh càng thêm nặng.
Related news
Tận dụng chất thải từ các nhà máy chế biến thủy sản chế ra bùn vi sinh phục vụ trồng rau sạch, hoa kiểng. Đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp" ĐBSCL
Chủ trại gà Lê Văn Hòa đã đến Heal Eggs Ltd, một trại trứng đột phá tại Shrewsbury, Vương quốc Anh, để học hỏi quá trình sản xuất trứng gà nuôi
Đầu tư trồng 1 sào từ 600 - 800 nghìn đồng, sau 4 tháng có thể thu hoạch, năng suất đạt 1 - 1,2 tạ củ khô/sào, với giá bán hiện tại 30 - 40 nghìn đồng/kg