Cách Diệt Trừ Bọ Hung Nhỏ Hại Gừng
Theo phản ảnh của nhiều nông dân ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang… thì mấy năm gần đây loài bọ hung này không chỉ gây hại trên cây gừng mà nó còn gây hại trên một số loại cây trồng lấy củ khác như khoai mỡ, khoai cao… mà bà con quen gọi là con bọ rầy.
Theo TS. Nguyễn Văn Huỳnh (ĐH Cần Thơ) thì đây là loài bọ hung nhỏ có tên khoa học là Anomala thuộc họ bọ rầy Scarabaeidae, bộ cánh cứng Coleoptera. Bọ hung nhỏ Anomala có màu đen bóng với sọc xuôi chạy dọc theo cánh rất rõ. Con trưởng thành dài trung bình 10-12mm, rộng 5-6mm. Râu ngắn nhưng chân và hàm của nó rất khỏe có thể đào xuống đất tìm đục ăn củ hoặc gặm ăn vỏ cây. Loài bọ hung này sống và phát triển quanh năm trong đất, nhất là những nơi đất ẩm, có nhiều xác thực vật, nhiều chất hữu cơ. Vòng đời của nó gồm có các pha: trứng, sâu non, nhộng và trưởng thành.
Nguyên nhân bọ hung phá hại củ giống là vì lúc này là do trời nắng nóng và thiếu thức ăn từ cây cỏ tươi. Để duy trì đời sống, mặt khác trước khi đẻ trứng bọ hung cần ăn thêm cho nên chúng chưa bay lên vội mà tiếp tục trú trong đất, đặc biệt là trong các liếp trồng có phủ rơm, rạ, tưới nước im mát và sẵn thức ăn.
Các củ gừng giống, khoai giống mới trồng được khoảng 2 tuần lễ khi đang ra chồi non (nhờ vào dinh dưỡng dự trữ trong củ giống) thì bọ hung trưởng thành xuất hiện với mật số khá đông, ẩn ở mặt dưới củ và đục vào ăn hết phần thịt củ khi củ chưa kịp ra rễ để hút nước và dinh dưỡng nuôi cây nên làm cho chồi héo dần và chết. Nếu nắng lâu ngày thì chúng tiếp tục ăn hết cho đến hết củ làm cho mầm non của cây mới mọc sẽ chết khô trước khi kịp ra rễ.
Khi cây đã lớn, nhất là giai đoạn sinh trưởng, phát triển mạnh, các con sùng trắng sẽ tìm ăn các rễ non làm cho cây bị thiếu dinh dưỡng, thiếu nước sẽ héo dần, không có khả năng hình thành củ dẫn đến làm giảm năng suất. Trong nhiều trường hợp với mật số sùng trắng nhiều, cây sẽ héo và chết dần. Khi đã lớn đẫy sức, sùng trắng sẽ biến thành nhộng nằm im dưới lớp đất mát mẻ được che phủ bởi các xác thực vật sẽ đồng loạt vũ hóa thành các con bọ hung trưởng thành bay đi cặp đôi để đẻ trứng cho một vòng đời mới vào những ngày cuối mùa nắng, khi bắt đầu có mưa.
Để có thể phòng trị một cách có hiệu quả loại côn trùng gây hại này, theo kinh nghiệm của nhiều bà con chuyên trồng màu vùng đồng bằng sông Cửu Long và kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trường ĐH Cần Thơ thì bà con nên áp dụng một số biện pháp tổng hợp sau đây:
-Không nên trồng liên tục một loại cây có củ (khoai mỡ, khoai cao, gừng, khoai mì…) trên cùng một đơn vị diện tích mà nên luân canh với các cây trồng khác như đậu, ngô, lúa, rau màu khác để cắt đứt nguồn lây lan từ trứng, nhộng và bọ hung trưởng thành còn sót lại trong đất.
- Nên xử lý đất bằng các loại thuốc như Basudin 10H, 10G, Regent 3G với liều lượng 2,5-3 kg/công (1.000 m2) trong khi làm đất, lên liếp trước khi trồng có tác dụng ngăn ngừa bọ hung trưởng thành trực tiếp phá hại củ giống và tiêu diệt sùng trắng do con trưởng thành đẻ trứng nở ra.
- Trong trường hợp không xử lý được đất thì bà con đem ngâm củ giống trong dung dịch các loại thuốc nói trên pha nồng độ 5-7 phần nghìn (50-70g/10 lít nước) trong thời gian 24 giờ trước khi trồng.
Chú ý: Tập quán một số nơi cho thấy: Sau trồng khoảng 1 tháng, cây gừng con đã mọc và phát triển đầy đủ lá, rễ bắt đầu trực tiếp hút nước và dinh dưỡng từ đất để nuôi cây thì nông dân lại moi củ gừng giống già (lúc này không cần nuôi cây nữa) đem bán vì lúc này gừng hiếm, bán được giá cao. Với cách làm này bà con không nên sử dụng các củ giống đã ngâm thuốc để tránh gây ngô độc cho người sử dụng.
Related news
Những người có kinh nghiệm nhiều năm trồng gừng ở Chợ Mới cho biết, gừng cho hiệu quả kinh tế rất cao, nhưng để bỏ lúa chuyển sang trồng gừng thì đúng là quá… mạo hiểm. Bởi, một, hai vụ đầu rất bấp bênh do chưa hiểu được đặc tính của nó, chưa có kinh nghiệm, từ lẽ đó nhiều người dù thấy lợi vậy chứ không dám trồng, nhưng ai đã trồng thì sẽ mê. Có người đã phất lên làm giàu từ gừng, chuyên sống bằng nghề trồng và mua bán gừng. Năm nay, huyện Chợ Mới có khoảng 40 ha đất trồng gừng, tập trung ở các xã: Mỹ An, Kiến Thành, Tấn Mỹ, Hội An, Mỹ Hội Ðông… năng suất trung bình 40 tấn/ha.
Gừng là loại cây rau gia vị được trồng khá phổ biến vì chúng dễ trồng, đa dụng và có hiệu quả kinh tế cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán, gừng được sử dụng làm mứt. Để đạt năng suất và chất lượng cao, nông dân cần chú ý từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch.
Ở nước ta, cây gừng (Zingiber officinale) được trồng phổ biến trong các hộ gia đình, chủ yếu để tiêu thụ tại thị trường nội địa. Vài năm trở lại đây, gừng trở thành cây có giá trị kinh tế khá cao. Thấy vậy, nông dân đổ xô nhau chuyển sang trồng gừng. Thế là các dịch hại trước đây ít được quan tâm thì nay có dịp bộc phát. Dưới đây là một bệnh thường gặp trên cây gừng, nông dân và quý đồng nghiệp có thể sử dụng như 1 tài liệu để tham khảo.
Cây gừng rất kén chọn đất để trồng, rất khó phát triển trên vùng đất sét nặng, nhiễm phèn. Đối với vùng đất cát, tuy đất có ưu điểm là tơi xốp, rút nước nhanh, nhưng khi nhiệt độ lên cao, nhiệt độ trong đất cũng nóng lên rất nhanh và dễ gây tổn thương cho cây gừng
Để đạt năng suất và chất lượng cao, nông dân cần chú ý từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch. Nên chọn giống củ to, già, bóng, không khô héo, không nhăn nhúm và không bị sâu bệnh...