Home / Cây ăn trái / Quýt

Cách diệt sâu Bore hại cam quýt

Cách diệt sâu Bore hại cam quýt
Author: vusta
Publish date: Friday. June 15th, 2018

Cây có múi (cam, quýt, chanh...) luôn bị rất nhiều loại sâu bệnh gây hại, trong đó nhóm sâu đục cành, thân, gốc, còn gọi là sâu Bore, là nguy hiểm nhất.

Sâu Bore là nhóm nguy hiểm nhất hại cây họ cam. Ảnh: caygiong

Mức độ lây lan của sâu Bore rất nhanh, sức tàn phá ghê gớm, có thể dẫn đến huỷ diệt cả vùng chuyên canh lớn nhưng rất khó phòng trị vì chúng nằm sâu bên trong cành, thân, gốc cây, thuốc trừ sâu không thể thấm vào để tiêu diệt.

1/ Phân loại sâu Bore

Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu quy luật phát sinh, phát triển của từng loài, KS. Lê Đức Phát, cán bộ kỹ thuật đội Sao Đỏ, Nông trường Thống Nhất (Thanh Hóa) đã có cách diệt trừ nhóm sâu hại nguy hiểm này bằng biện pháp thủ công đơn giản, rẻ tiền nhưng hiệu quả. Theo KS. Phát, nhóm sâu Bore chủ yếu có 3 loại: sâu đục cành, sâu đục thân và sâu đục gốc.

Sâu đục cành có tên khoa học là Chelidonium argentatum Dalm, là sâu non của con xén tóc xanh. Xén tóc xanh thường đẻ trứng vào tháng 5-6 trên các nách lá ngọn, cành tăm. Sau 10 - 12 ngày sâu nở, bắt đầu gặm vỏ cành để sống, đục phá từ cành nhỏ đến cành lớn và cả thân cây. Khoảng 8 - 9 tháng sau, sâu non đục đến cành cấp 1, 2, thậm chí có thể tới thân. Thông thường sâu tập trung ở cành cấp 1, làm buồng hoá nhộng bằng cách dùng mùn cưa và chất bài tiết vít đường đục lại rồi đục một lỗ ra ngoài, chừa lại vỏ cành để làm cửa vũ hoá sau này. Khoảng tháng 2 - 3, sâu non hoá nhộng, tới tháng 4 - 5 thì vũ hoá thành con xén tóc xanh bay ra. Vòng đời của sâu là 1 năm. Trên thân cây có thể bị hàng chục con sâu đục cành, nếu 2 - 3 năm liền bị hại, cây sẽ chết.

Sâu đục thân (Nadezhdiella cantori Hope), là sâu non của con xén tóc nâu. Xén tóc nâu thích nơi râm mát, ban ngày ẩn nấp, ban đêm thường tìm đến đẻ trứng vào những kẽ nứt, chỗ gồ ghề ở thân cây, cách mặt đất 0,3 - 1m. Trong các tháng 5 – 6 - 7, sau khi đẻ 6 - 12 ngày, trứng sẽ nở. Sâu non nở ra chui vào vỏ, phá hoại phần gỗ, tạo thành những đường ngoằn ngoèo dọc theo thân cây. Sâu non nghỉ đông 2 lần vào khoảng tháng 12 và tháng 1. Sâu hoá nhộng vào khoảng tháng 2, vũ hoá thành xén tóc nâu vào tháng 3 - 4. Vòng đời của sâu đục thân kéo dài 2,5 - 3 năm.

Sâu đục gốc (Anoplophora chinensis Forster), còn gọi là xén tóc sao hay xén tóc hoa vì trên thân có điểm khoảng 30 chấm trắng. Con trưởng thành thường ăn các phần non của cây, đặc biệt là rễ non trước khi đẻ trứng vào tháng 5 - 6. Trước khi đẻ, xén tóc sao cắn vào gốc cây một vết hình chữ T ngược rồi đẻ trứng vào đó. Sau 6 - 12 ngày thì trứng nở, sâu non di chuyển xuống phía dưới gốc, phá hại phần gốc, rễ cây tiếp giáp với thân. Đầu tiên sâu hại vỏ, sau đó đục vào phần gỗ. Nhiều khi sâu đục cả những rễ to, làm cây héo toàn bộ, rụng lá và chết. Sâu non phá hại trong 2 - 3 tháng thì nghỉ đông ở gốc cây. Đến tháng 3 - 4 năm sau thì hoá nhộng, tháng 5 - 6 vũ hoá. Vòng đời của xén tóc sao là 1 năm.

2/ Biện pháp phòng trừ

Với sâu trưởng thành: Dùng vợt hoặc bắt bằng tay đối với 3 loại xén tóc trong thời gian con trưởng thành vũ hoá và đẻ trứng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm.

Diệt sâu non bằng cách bẻ cành non bị héo (đối với sâu đục cành) vào các tháng 5 – 6 - 7. Cành con bị sâu tiện một vòng tròn quanh vỏ sau vài ngày thường bị héo. Khi lá mới chớm héo, còn màu xanh nhưng mép hơi cong, dùng sào dài có chạc khẽ vặn, cành sâu gãy, sâu rơi ra và chết. Nếu cành đã héo khô nghĩa là sâu non đã đục xuống phía dưới vòng tròn. Có thể cắt hoặc bẻ xuống dưới một đoạn. Kinh nghiệm cho thấy, biện pháp bẻ cành héo triệt để có thể hạn chế được sự gây hại của sâu trên 90%. Với sâu non đã đục vào cành lớn, thân cây hoặc gốc cây, có thể dùng một sợi dây thép nhỏ và cứng làm thành móc nhọn luồn vào trong để ngoáy và kéo sâu non qua các lỗ đùn phân và mạt cưa trên thân, cành và gốc cây.

Quét thuốc: Sau khi thu hoạch quả, quét vôi hoặc Boóc - đô (pha: 1 phần CuSO4 + 1 phần vôi tôi + 20 phần nước) vào gốc cây, thân cây từ 1m trở xuống để phòng các loại nấm bệnh và hạn chế việc đẻ trứng của xén tóc.


Related news

Bón Phân Cho Cam, Quýt Nâng Cao Hiệu Quả Bón Phân Cho Cam, Quýt Nâng Cao Hiệu Quả

Cam, quít là các loài cây ăn quả được trồng phổ biến ở tỉnh ta như: Hòa An, Trà Lĩnh... Để có thể thu được năng suất cao và đảm bảo chất lượng, cũng như giá trị hàng hóa của quả cam quít, cần được bón đầy đủ và cân đối các loại phân

Saturday. February 12th, 2011
Kỹ Thuật Trồng Quýt Hồng Kỹ Thuật Trồng Quýt Hồng

Các loài thực vật Cam, chanh, quýt, bưởi phổ biến thuộc chi Cam chanh (Citrus) của họ Cửu lý hương (Rutaceae). Chúng đều là những loài cây nguyên sản vùng nhiệt đới, phổ biến ở các nước Đông Nam Á.

Saturday. January 8th, 2011
"Bí Kíp" Trồng Quýt Trên Đất Núi

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở Quảng Ngãi đã có những bước đi táo bạo trong cách nghĩ và cách làm, nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi mới lạ đã được mạnh dạn đưa vào sản xuất thử nghiệm cho kết quả khả quan

Saturday. February 12th, 2011
Giống Quýt Hồng Giống Quýt Hồng

Ngày xưa ông bà thường nói: “Mua heo chọn nái, cưới gái chọn giòng”. Về phương diện làm vườn cũng vậy, vì trồng cây mà không chọn giống thì uổng công. Từ ngày trồng cây đến ngày thu hoạch, ta tốn biết bao công sức và tiền bạc mà cây chậm phát triển, cho năng suất không cao thì phí công, hao của biết chừng nào.

Sunday. December 23rd, 2012
Nguồn Gốc Cây Quýt Hồng Nguồn Gốc Cây Quýt Hồng

Ở đồng bằng Sông Cửu Long từ trước năm 1975 vùng Lai Vung (Đồng Tháp) vườn cam quýt đặc sản cũng khá nhiều nhưng hầu hết là quýt Đường và cam Mật. Trong số này có một số ít chủ vườn chuyển sang trồng một số loại quýt trái rất to và màu hồng rất đẹp, bán rất đắt vào dịp lễ, tết mà dường như không ai tìm hiểu nó ở đâu và đặc tính nó như thế nào.

Sunday. December 23rd, 2012