Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 8
BỆNH HẠI LÚA (Diseases)
1/ Bệnh do nấm (Fungus diseases)
1.6. Bệnh thối bẹ (Sheath rot): Do nấm Sarocladium oryzae (Acrocylindrium oryzae) thường tấn công trên bẹ lá cờ (Hình 8.25).
Hình 8.25. Bệnh thối bẹ
Vết bệnh có màu nâu tới xám lan ra đều khắp bẹ lá làm bông lúa bị nghẹn, hạt lép và lem. Bệnh thường xảy ra trong điều kiện ẩm độ cao, bón nhiều phân N, sạ cấy dày. Cũng có thể trị bằng các loại thuốc trừ nấm như Zineb, Maneb, Kitazin…
1.7. Bệnh thối thân (Stem rot): Do nấm Helminthosporium sigmoideum gây ra (Hình 8.26).
Nấm thường xâm nhập qua các vết thương trên thân lúa gần mặt nước. Vết bệnh màu đen và lan dần ra, lá bị vàng và khô héo dần. Sau đó, nấm chui sâu vào các bẹ lá bên trong thân lúa khiến cả chồi lúa và các bẹ lúa đều bị thối, cây lúa bị chết rụi dần từ lá ngoài vào lá trong, cây lúa suy yếu, chiều cao thấp dần cuối cùng lụi đi, nên còn gọi là bệnh tiêm lụn.
Bệnh thường xảy ra lúc lúa làm đòng, sắp trổ và xuất hiện thành từng chòm ở những chổ trũng, từ đó lan dần ra cả đám ruộng. Tách bẹ lá ra có thể thấy nhiều tơ nấm màu trắng và các hạch nấm màu đen nhỏ li ti. Nấm phát triển mạnh trong điều kiện ngập sâu và ứ đọng, sạ cấy dầy, đất nhiều hữu cơ, lúa có tàn lá sum suê, thừa đạm. Bệnh thường gây thiệt hại nặng trên trà lúa muộn.
Hình 8.26. Bệnh thối thân
Để ngừa bệnh nầy nên sạ cấy sớm với mật độ vừa phải, hạn chế bón phân đạm, bón thêm lân và kali, tạo điều kiện thoát hơi nước trong ruộng. Khi bệnh mới xuất hiện nhẹ từng chòm nhỏ trong ruộng, có thể dùng các loại thuốc trừ nấm xịt đều vào gốc lúa bị bệnh và xịt lan rộng ra chung quanh khoảng 2 mét để tránh sự lây lan.
1.8. Bệnh lúa von (Lúa đực, mạ đực: Bakanae disease): Do nấm Fusarium moniliforme Shel (Gibberella pujikuroi Saw) gây ra (Hình 8.27).
Bệnh lưu truyền qua hạt. Cây mạ vóng lên cao có chiều cao hơn bình thường rất nhiều, có màu xanh vàng, cây ốm yếu rồi từ từ chết đi
Hình 8.27. Bệnh lúa von (Lúa đực, mạ đực)
Nếu bệnh xuất hiện trễ, cây có chồi cao, mảnh khảnh, lá cờ xanh nhạt, vọt cao hẳn lên, yếu ớt, các đốt dưới thấp mọc ra những rễ khí sinh. Cây bệnh nếu sống sót có thể trổ bông nhưng bông nhỏ, hạt bị lép lững. Bệnh thường xãy ra trầm trọng trong điều kiện bón nhiều phân đạm và nhiệt độ không khí cao (30-35oC). Phòng bệnh nầy có thể xử lý hạt trước khi gieo sạ với các loại thuốc trừ nấm. Khi bệnh đã xuất hiện thì chỉ phun thuốc ngừa lây lan.
Related news
Có 4 loại sâu đục thân hại lúa: sâu đục thân màu vàng, màu trắng, màu hồng và sọc nâu. phổ biến nhất là loại sâu đục thân màu vàng và sâu đục thân sọc nâu.
Bệnh cháy lá (Đạo ôn: Rice blast) có thể gây hại rất sớm từ nương mạ nhưng thường bị nặng nhất là giai đoạn làm đòng đến sau trổ một thời gian
Bệnh gạch nâu (Narrow brown leaf spot) Vết bệnh có dạng các gạch nâu ngắn và hẹp trên lá lúa. Những gạch nầy chạy song song với gân lá