Home / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Các quy trình thực hành quản lý tốt trong nuôi tôm – Phần I

Các quy trình thực hành quản lý tốt trong nuôi tôm – Phần I
Publish date: Thursday. September 24th, 2015

Các quy trình BMP này cũng được xem là thực hành nuôi trồng thủy sản tốt.

Các quy trình thực hành này đều dựa trên các nguyên tắc quốc tế khái quát hơn và được thừa nhận rộng rãi đối với ngành nuôi tôm bền vững do Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc.

Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản ở châu Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Toàn cầu Thiên nhiên và Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc Nuôi trồng Thủy sản liên kết phát triển.

Sau đây là các quy trình thực hành BMP được đưa ra ở cấp độ trang trại.

1. Duy trì mối đoàn kết thông qua việc hình thành nhóm người nuôi / nông dân ở trong xã hoặc các khu nuôi. Lên kế hoạch tập thể các hoạt động nuôi trồng. Cách làm này sẽ giảm bớt khó khăn mà người nuôi đang phải đối mặt.

2. Sử dụng lịch thời vụ phù hợp với các xã / huyện hoặc khu nuôi để xác định thời gian thả giống. Tất cả người nuôi phải thực hiện đúng theo hệ thống lịch này để các vụ nuôi thành công về lâu dài.

3. Tháo hết nước khỏi các ao nuôi. Cách này giúp loại bỏ cá mang mầm bệnh, cá ăn thịt và giáp xác từ vụ trước.

4. Nạo vét hết các chất thải hữu cơ màu đen từ nền đáy ao, đặc biệt là các khu vực cho ăn.

Các chất thải hữu cơ phân rã từ thức ăn thừa, tảo, sinh / thực vật phù du chết và phân rã, phân tôm / cá.

Các chất này có thể có ở lớp bùn đen mỏng hoặc dày tùy vào lịch sử ao nuôi, chúng giải phóng các loại khí độc như ammonia (NH3) và hydrogen sulfide (H2S) trong tambak gây stress và làm chết tôm (Tampak:Thuật ngữ tiếng Indonesia dùng để chỉ các ao nước lợ ven biển được xây dựng chủ yếu trong vùng rừng ngập mặn.).

Dễ dàng để loại bỏ lớp bùn đen khi bùn ở tình trạng hơi khô. Nạo vét hết lớp bùn đen ở ao nuôi hoặc trong các mương / rãnh trên mặt đê và phủ lên một lớp đất tốt.

Đảm bảo các chất bùn thải hữu cơ bỏ đi này không trở lại vào ao khi trời mưa.

Nếu không thể loại bỏ được một lần thì loại bỏ từng phần ở các vụ tiếp theo cho đến khi ao được làm sạch hoàn toàn.

Trong khi loại bỏ các chất thải hữu cơ, đảm bảo rằng lớp đất phèn acid sulphate không phơi lộ.

Cày trên đất ướt giúp giảm độc tính của các chất thải hữu cơ.

5. Phơi khô đáy ao cho đến khi hình thành các vết nứt sâu trong đất.

Ánh nắng sẽ làm chết khô tôm, cá và trứng của chúng trong đất.

Ánh nắng cũng giúp oxy hóa các chất thải hữu cơ, nhờ đó giảm tác dụng độc hại của chất thải hữu cơ màu đen.

6. Một số trang trại có thể có đất phèn axit sulphate.

Đất axit gây tỉ lệ chết cao trên tôm và cá, gây stress cho tôm và cá, làm chậm tốc độ tăng trưởng và gây bùng phát dịch bệnh, làm tảo kém phát triển (nở hoa) và cạn kiệt oxy trong nước.

Do đó, các trang trại như vậy phải chịu rủi ro cao trong nuôi tôm và làm tăng các chi phí vận hành ao.

Kiểm tra pH của đất sử dụng máy đo pH đất.

Đất nên để ở tình trạng ướt khi sử dụng các thiết bị. Nếu pH dưới 7 thì được gọi là đất axit / đất chua.

Không cày xới trên đất chua.

Rửa đất bằng cách đưa nước vào và tháo nước ra từ 2 đến 3 lần để làm giảm độ chua của đất.

Sử dụng một lượng dolomit hoặc vôi nông nghiệp thích hợp để trung hòa độ axit của đất. Ví dụ, nếu pH đất là 5 thì sử dụng dolomit ở liều lượng 1 tấn / ha.

7. Khi lấy nước vào, sử dụng lưới lọc nước hai lớp mắt mịn tại các cửa dẫn nước vào.

Cách này giúp tránh sự xâm nhập của các loài cá hoang dã, tôm, cua và các loài động vật khác vào ao.

Sau khi lấy nước đầy ao, giữ nước trong vòng từ 10 đến 15 ngày trước khi thả giống. Như thế sẽ ổn định tình trạng nước và làm cho tôm giống thích nghi với điều kiện ao.

Nếu trang trại có ao lắng, thì nên giữ nước ở ao lắng trong 7 ngày trước khi bơm nước vào ao nuôi tăng trưởng.

8. Duy trì độ sâu ít nhất 80 cm ở phần nông nhất của ao. Mực nước nông gây stress nặng cho tôm do sự thay đổi nhanh chóng về nhiệt độ và các điều kiện khác của nước.

9. Không sử dụng thuốc trừ sâu, do bị cấm trong nuôi trồng thủy sản. Thuốc trừ sâu sẽ xâm nhập và lưu lại trong cơ thể của tôm / cá trong thời gian dài. Khi tiêu thụ những loài tôm / cá này sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe ở người. Nếu cần thiết, sử dụng saponin với liều 100 kg/ha.

10. Nước bị trong kéo dài sẽ có hại cho vụ nuôi. Nước trong dẫn đến thảm tảo đáy phát triển mà sau một thời gian nhất định nó sẽ chết và giải phóng các loại khí độc trong nước.

Do đó cần ổn định sự phát triển của thực vật phù du để nước lên được màu xanh lá cây hoặc màu nâu trước khi thả tôm.

Sử dụng SP-36 25 kg/ha và urê 10 kg/ha 2 – 3 lần cách nhau 2 – 3 ngày.

Sử dụng dolomit 100 kg/ha sau khi bón phân 2 ngày.

Không rải vôi và bón phân cùng lúc.

Không bón nhiều phân để gây màu nước xanh đậm, vì sẽ giảm lượng oxy trong nước vào ban đêm làm cho tôm nổi đầu. Đây là một trong các lý do tỉ lệ sống của tôm giống thấp.

11. Tất cả người nuôi trong xã hoặc khu nuôi nên cố gắng thả cùng một lô tôm giống. Nên tránh thả các lô giống khác nhau từ các trại giống hoặc trại ương khác nhau. Cách thực hành này sẽ ngăn chặn lây nhiễm bệnh chéo và cung cấp ra thị trường tôm đồng màu và kích cỡ đều nhau.

12. Thả tôm giống chỉ một lần mỗi vụ theo lịch thời vụ. Không liên tục thả các lô tôm giống mới trong ao.

13. Luôn luôn mua tôm giống từ trại giống sản xuất tốt hoặc có chứng nhận.

14. Chọn tôm giống PL-12 hoặc lớn hơn. Tổng chiều dài thân nên dài hơn 12 mm. Kích thước tôm giống nhỏ hơn thì chưa thể thả được và có thể nhanh chóng chết trong ao.

15. Tôm giống nên chọn đồng đều về kích cỡ và màu sắc. Phải bỏ đi các lô tôm giống có màu đỏ, màu xanh lam hoặc màu xanh lá cây.

16. Tôm giống phải mạnh khỏe và nhanh nhẹn. Để kiểm tra tôm giống, lấy khoảng 500 con từ dưới đáy bể giống và đổ vào một chậu tròn. Khuấy nước. Chờ 2 – 3 phút. Nếu nhiều con tụ lại ở giữa mà không có bất kỳ chuyển động nào sau đó thì không chọn lô giống này.

17. Tôm giống phải vượt qua test về stress độ mặn. Để làm test này, cho khoảng 50 con vào một ly lấy nước ở bể ương và đổ thêm vào đó một lượng nước uống bằng như thế. Đợi trong vòng 3 giờ. Nếu hơn 90% tôm giống sống sót, thì nên chọn lô giống này.

18. Tôm giống phải có đường ruột đầy và gan tụy phát triển tốt.

Chúng phải sạch và không có bất kỳ tổn thương nào hoặc mất chân. Để thấy điều này, lấy 10 – 20 con.

Quan sát chúng dưới kính lúp hoặc kính hiển vi. Đường ruột không nên rỗng.

Gan tụy không nên nhỏ và nhạt màu. Bề mặt cơ thể không được dơ, chân phải nguyên vẹn và không hơi đen.

Phải bỏ lô giống này nếu nhận thấy các dấu hiệu trên.

19. Tôm giống phải được kiểm tra về bệnh như virus đốm trắng và MBV.

Bệnh liên quan đến virus có thể gây chết tôm hàng loạt trong tambak. Lấy khoảng 100 con và gửi đến một phòng thí nghiệm sức khỏe tôm để kiểm tra bệnh. Làm các xét nghiệm PCR. Tôm giống phải âm tính với virus đốm trắng qua xét nghiệm PCR.

Tương tự như vậy, có thể sử dụng PCR để kiểm tra các bệnh khác như MBV, TSV, vv…

Nếu không có cơ sở thí nghiệm ở gần đó thì có thể dùng kit xét nghiệm dot blot để kiểm tra các bệnh virus. Nếu dải đôi xuất hiện ở kit là tôm giống dương tính với bệnh. Do đó phải bỏ các lô giống đó.

Nếu dải đơn xuất hiện ở kit, có nghĩa là tôm giống không nhiễm bất kỳ lượng lớn virút nào. Như thế có thể mua lô giống đó.

Xét nghiệm PCR thì chính xác hơn hoặc nhạy hơn so với xét nghiệm dot blot. Nhiễm MBV có thể dễ dàng kiểm tra bằng phương pháp nhuộm và sử dụng kính hiển vi đơn giản để phát hiện. Nếu tỉ lệ nhiễm MBV rất cao thì bỏ lô giống đó.

20. Trong khi đóng gói các lô giống, không trộn lẫn các lô giống từ các bể giống khác nhau.

21. Độ mặn của nước trong bể giống và nước ao nên giống nhau, không nên chênh lệch hơn 5 ppt.

Do đó trước khi đóng gói tôm giống thì cần điều chỉnh độ mặn của nước trong bể giống theo độ mặn của nước ao.

Bắt đầu điều chỉnh độ mặn của nước trong bể giống khi ở giai đoạn PL – 10 và hoàn tất quá trình điều chỉnh độ mặn ít nhất một ngày trước khi đóng gói tôm giống.

22. Bao đựng tôm giống cần phải có đủ oxy. Khối lượng oxy nên ít nhất nhiều gấp 3 lần so với ở trong nước.

23. Mỗi bao nên chứa khoảng 1.000 PL hoặc 1.000 PL/lít nước. Không đóng gói với mật độ cao.

24. Vận chuyển tôm giống từ trại giống đến các trại nuôi càng nhanh càng tốt, thích hợp là trong vòng 6 giờ.

Nếu thời gian vận chuyển dài hơn, giảm nhẹ nhiệt độ của nước bằng cách sử dụng nước đá và vận chuyển trong hộp nhiệt mát.

Vận chuyển trong buổi chiều tối hoặc buổi sáng sớm trong xe thùng. Tránh vận chuyển trong thời gian từ 7:00 – 17:00.

25. Nên thả tôm giống vào ao lúc thời tiết mát mẻ trong ngày.

Thời gian sau 18:00 hoặc trước 08:00. Thả tôm giống ở các khu vực nước sâu trong ao và không thả ở vùng nước nông. Làm cho tôm giống thích nghi với nước trong tambak (ao) trước khi thả.

Để làm việc này, giữ cho các túi giống nổi trong nước khoảng 30 phút để điều chỉnh nhiệt độ, sau đó mở túi ra và từ từ đổ vào một lượng nhỏ nước ao trong khoảng hơn 30 phút tiếp theo rồi mới thả giống vào ao.

26. Trong khi thả giống, nước ao nên có mật độ phù du phát triển tốt và ổn định với màu nước xanh. Tránh thả khi nước ao trong suốt hoặc xanh lá cây đậm.

27. Không mua tôm ấu niên từ các trại ương giống thương phẩm quản lý kém. Vì nó sẽ dẫn đến nguy cơ cao về khả năng du nhập bệnh. Người nuôi nên cố gắng duy trì ao ương / vèo tại trại trong khu vực nuôi. Ngoài ra, người nuôi còn có thể tổ chức một trại ương cộng đồng do một nhóm người nuôi quản lý.

28. Giai đoạn ương lý tưởng là 2 tuần trong ao đất. Nếu sử dụng hapa (rào lưới) thì ương tối đa là 7 ngày. Buộc hapa bên trong tambak đúng cách để nó không bị trôi đi do gió trời nhẹ.

29. Luôn sử dụng thức ăn viên chất lượng cao ngay từ ngày thả giống. Không cho ăn thịt sống hoặc luộc, cá, tôm, cua hoặc ốc.

Không sử dụng thức ăn gia súc hoặc gia cầm trong ao nuôi tôm.

Không trộn bất kỳ loại hóa chất nào, đặc biệt là thuốc kháng sinh với thức ăn.

Luôn luôn bảo quản các bao thức ăn ở chỗ khô ráo và tránh ánh nắng để duy trì độ tươi mới. Không sử dụng thức ăn viên cũ và đã bị hư hỏng.

30. Xác định kích cỡ thức ăn viên theo kích cỡ tôm. Khi tôm nhỏ thì sử dụng thức ăn viên cỡ nhỏ.

Tăng kích cỡ thức ăn viên khi tôm lớn lên.

Lượng thức ăn hàng ngày không nên vượt quá nhu cầu của tôm hoặc bảng cho ăn tiêu chuẩn.

Thức ăn thừa mà tôm không ăn hết sẽ phân hủy ở đáy ao và giải phóng các loại khí độc gây stress cho tôm. Sử dụng khay kiểm tra thức ăn để ước tính nhu cầu thức ăn cho tôm.

Kiểm tra tôm 2 giờ sau khi ăn. Nếu đường ruột rỗng thì lại cho ăn. Sử dụng 4 khay kiểm tra cho mỗi ao để đảm bảo độ chính xác tốt hơn trong việc ước tính lượng thức ăn.

Trong 60 ngày đầu cho ăn ít nhất 2 lần / ngày và sau đó cho ăn 3 lần / ngày. Rải thức ăn đều khắp ao bằng cách sử dụng thuyền hoặc thiết bị nổi, không chỉ rải ở khu vực gần bờ. Kiểm tra nền đáy ao thường xuyên và tránh cho ăn ở các chỗ có bùn đen và mùi hôi.

Tags: nuoi tom, nuoi trong thuy san, thuy san, con tom, nuoi tom, ao nuoi tom, quan li nuoi tom


Related news