Các Giống Cam Không Hạt Made In Vietnam

Thời gian qua, các nhà khoa học trong nước đã chọn tạo thành công ba giống cam không hạt và đã được Bộ NN&PTNT cho phép chuyển giao vào sản xuất, bao gồm: cam mật không hạt, cam sành không hạt và cam V2.
Ba dòng cam mật không hạt
Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đã tuyển chọn được 3 dòng cam mật không hạt (ký hiệu: CMKH D1/D2/D3) ưu tú nhất từ quần thể cam mật không hạt ở xã Thanh Hòa (Cai Lậy, Tiền Giang). Cây trưởng thành cao 2 - 2,5 m, đường kính tán 2,5 - 3 m.
Kết quả thu thập, thực nghiệm và sản xuất đều cho thấy tính không hạt rất ổn định, ngay cả trong điều kiện thụ phấn với các giống cây có múi có hạt khác như bưởi da xanh, bưởi năm roi, cam sành, cam dây, quýt đường vẫn không có hạt.
Trái cam mật khá giống cam Vinh, có dạng hình cầu hơi cao, thu hoạch ở tuần thứ 33 - 34 sau hoa rụng cánh, vỏ trái có màu xanh vàng đến vàng xanh. Năng suất 20 - 30 kg trái/năm ở tuổi 4 - 5 năm, sẽ tăng thêm ở các năm tiếp theo. Trọng lượng trái 204 - 270 g, vỏ mỏng 3,5 - 4 mm, thịt trái màu vàng tươi, tỷ lệ nước trái 36 - 52%, độ brix 8 - 10%, acid tổng số 0,5 - 0,6 g và hàm lượng vitaminC 30 - 32 mg/100 ml dịch trái.
Bảy dòng cam sành không hạt
Sau khi tuyển chọn được cây cam sành mạnh khỏe có biểu hiện rõ về giống, năng suất ổn định, chất lượng tốt trồng trong nhà lưới, SOFRI tiến hành chiếu xạ tia gamma trên mầm ngủ.
Mầm ngủ sau chiếu xạ được ghép trên gốc volkamerianna sạch bệnh. Trải qua quá trình ươm nuôi cây giống và bố trí khảo nghiệm trên vườn trong 3 năm đã tạo ra được dòng cam sành không hạt có các đặc tính nổi trội. Tiến hành nhân giống vô tính hàng loạt và tiếp tục chọn lọc cây ưu việt nhất.
Hai mươi bốn tháng sau khi trồng cây ghép cho thu hoạch lứa đầu. Các chỉ tiêu đạt được ở trạng thái ổn định gồm: trọng lượng trái 200 - 237 g/trái, vỏ trái ít sần và bóng, thịt trái màu vàng cam, sáng đẹp, vị ngọt chua, mùi thơm đặc trưng; dưới 2 hạt/trái và ổn định ở tất cả các cây so với 10 - 23 hạt/trái của cây ban đầu, nước trái trên 40%. Cây ra hoa mạnh, tỷ lệ hạt phấn bất dục 70%.
Năng suất 20 - 25 kg/cây/năm (cây 3 năm tuổi) và sẽ tăng thêm ở các năm tiếp theo. Đây là dòng cam sành nhân tạo không hạt đầu tiên, hứa hẹn tạo lập thị trường cam sành chất lượng cao nếu tổ chức chuỗi cung ứng bao gồm sản xuất cây giống sạch bệnh, áp dụng quy trình VietGAP và thương hiệu riêng.
Giống cam V2
Viện di truyền nông nghiệp (AGI) đã nhập giống cam Valencia Olinda, tiến hành chọn tạo làm sạch bệnh và vi ghép đã tạo ra được giống cây cam V2 khỏe, năng suất khá hơn so với giống gốc để cho ra đời giống cam V2. Cam V2 đã được Bộ NN & PTNT công nhận là giống chính thức.
V2 là giống cam ngọt, tự phân cành đều, tán cây cân đối, khả năng ra hoa đậu trái cao. Trái cam V2 hình cầu, trọng lượng 190 - 250 g/trái. Vỏ cam V2 trồng ở Việt Nam khi chín màu vàng xanh so với trồng ở Mỹ, Úc có màu vàng cam tươi đẹp. V2 chỉ đạt mức gần như không hạt với trung bình 4,5 hạt/trái (từ 0 - 6 hạt/trái) trong điều kiện trồng xen.
Vỏ trái cam V2 mỏng với độ dày trung bình 3 mm, lõi trái vàng ươm, hàm lượng nước cao, tỷ lệ xơ thấp, thơm, ngọt đậm. Năng suất V2 đạt 20 tấn/ha ở năm thứ 4 và có triển vọng tăng vào những năm sau, cây 10 năm tuổi có thể cho trên 80 kg/năm.
Related news

Đến nay, đã vào giữa mùa khai thác hải sản năm 2013, nhưng ngư dân huyện Núi Thành (Quảng Nam) chỉ đánh bắt được tổng sản lượng 14.800 tấn hải sản các loại, đạt 46,25% kế hoạch năm, giảm 4.200 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với dịch bệnh ở tôm sú, 3 ngày nay bà con ngư dân trên địa bàn xã Quảng Phước (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) đang lao đao với tình trạng cá kình chết hàng loạt.

Dù giữa trưa nắng gắt, ngồi giữa trang trại vịt Vigova rộng thênh thang, ngay mặt tiền đường lộ lớn trải bê tông phẳng lì của ông Võ Văn Lạc (ấp Bình Điện, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, Long An), chúng tôi vẫn cảm thấy hết sức dễ chịu và thư thái.

Là một trong những người năng động, nhận thấy trồng điều không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà chủ trang trại sản xuất trái cây an toàn Nguyễn Thị Kim Mai đã mạnh dạn chuyển đổi 10ha trồng điều sang trồng xoài.

Ban đầu chỉ có dăm hội nuôi, sau 8 năm “cắm rễ” ở huyện nghèo Vũ Quang (Hà Tĩnh), nghề nuôi ong lấy mật đã thu hút 1.000 hộ nuôi với trên 4.000 đàn. Mỗi năm, các hộ thu về hơn 40 tấn mật và bán ra khoảng 1.000 đàn ong giống, thu hàng tỷ đồng...