Cá Trê Vàng Hốt Bạc

Sau khi thất bại với con cá rô đầu vuông, anh Phan Văn Khiêm, ở ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chọn nuôi cá trê vàng và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Chọn nuôi cá trê vàng cách nay khoảng 4 tháng, nhưng anh Phan Văn Khiêm đã thu về khoản lợi nhuận trên 80 triệu đồng từ tiền bán cá giống. Hiện tại, anh đang thả nuôi 2 ao cá thịt với gần 40.000 con, diện tích 2.300 m2 mặt nước. Trong đó, ao cá lớn đã đến thời điểm thu hoạch, ước sản lượng khoảng 3 tấn cá. Hiện giá cá trê vàng trên thị trường được các thương lái thu mua là 40.000 đồng/kg. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang về từ ao cá khoảng 70 triệu đồng. Anh Khiêm vui vẻ cho biết: “Sau thất bại của lần nuôi cá rô đầu vuông trước đó, tôi quyết định đầu tư để nuôi thử con cá trê vàng.
Do lần đầu ít kinh nghiệm nên cũng hơi lo, nhưng con cá trê vàng rất dễ nuôi nên đợt cá này trúng đậm”. Theo anh Khiêm, thời gian qua, nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, học cách ương cá giống do địa phương tổ chức nên anh cũng biết cách tự nhân giống một số loại cá. Nhờ có sẵn kinh nghiệm ương cá giống nên tìm đến các cơ sở ương cá giống để mua cá bột về ương nhằm giảm chi phí đầu tư mua con giống để vừa phục vụ cho việc nuôi cá của gia đình và bán con giống ra thị trường.
Anh Khiêm cho biết thêm: Con cá trê vàng rất dễ nuôi. Trong thời gian 2 tháng, nếu cho ăn đầy đủ thì cá sẽ cho thu hoạch. So với nuôi cá rô thì chi phí đầu tư nhẹ hơn rất nhiều do ít tốn thức ăn. Trung bình để có 1 kg cá thịt chỉ tiêu tốn khoảng 1,2 kg thức ăn, trong khi cá rô phải đến 1,5 kg thức ăn. Bên cạnh đó, do cá trê vàng thích hợp với nước ao tù, nên người nuôi không phải thay nước nhiều lần hay bón vôi xử lý ao… nên chi phí đầu tư giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, giá cá trê vàng ít bị biến động, đặc biệt vào mùa khô, cá khan hiếm, có lúc thương lái vào tận ao thu mua tới 60.000 - 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đầu ra của cá trê vàng còn nhiều khó khăn do chỉ bán cho thương lái tại các chợ để tiêu thụ nội địa, số lượng mỗi lần thu mua tối đa chỉ một vài tấn sẽ gây khó cho người nuôi với số lượng lớn.
Ông Trần Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND thị trấn Kinh Cùng, cho biết: Cây lúa luôn chiếm vị trí chủ đạo tại địa phương, nhưng những năm qua, thị trấn cũng phát triển thêm nghề nuôi thủy sản. Hiện tại, toàn thị trấn có khoảng 30 ha diện tích ao nuôi cá các loại. Đã có rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn đạt mức lợi nhuận trên 50 triệu đồng/năm nhờ nuôi thủy sản. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường mở các lớp chuyển giao kỹ thuật, tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt ngắn hạn để người dân có điều kiện áp dụng vào sản xuất, góp phần tăng thêm lợi nhuận, cải thiện kinh tế hộ gia đình…
Related news

Bão số 10 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình, riêng đối với lĩnh vực thủy sản hầu hết diện tích nuôi trồng đều bị ngập, trong đó có nhiều hộ bị mất trắng.

Sau thời gian triển khai các phần việc, phương án trong các chuỗi liên kết, sáng 15/10, Sở NN&PTNT Cà Mau tiến hành hội nghị "Liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất giống với người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau".

Theo thống kê của Sở nông nghiệp - PTNT Đắk Nông thì tính đến nay, toàn tỉnh có trên 1.700 ha cây ăn trái, tăng 500 ha so với năm 2005. Tính riêng năm 2012, sản lượng đạt trên 11.280 tấn, tăng trên 5.500 tấn so với năm 2005.

Đến thời điểm này, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có trên 280 ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp, với hơn 570 hộ thực hiện. Hiện nay, nhiều hộ dân đang bắt tay vào thu hoạch, năng suất bình quân 5 tấn/ha. Hiện giá tôm sú và tôm thẻ ở mức cao, hầu hết bà con đều có lợi nhuận khá.

Mặc dù đã di dời lồng bè về khu quy hoạch C1, nhưng hầu hết người nuôi tôm hùm vẫn không thể bám trụ, ổn định sản xuất được. Tìm hướng đi phù hợp để nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển bền vững là vấn đề nan giải hiện nay.