Home / Tin tức / Tin thủy sản

Cá tra vào Mỹ: Luật Farm Bill đáng lo hơn thuế chống bán phá giá

Cá tra vào Mỹ: Luật Farm Bill đáng lo hơn thuế chống bán phá giá
Author: Thanh Liêm
Publish date: Tuesday. November 7th, 2017

“Theo Luật Farm Bill, khi Mỹ không công nhận cá tra Việt Nam tương đương với cá catfish của họ thì chúng ta không có đường vào”, TS.Võ Hùng Hũng – phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nói.

Bây giờ, cái khó của cá tra khi vào thị trường Mỹ không phải là thuế chống bán phá giá mà là Luật Nông trại (Farm Bill).

“Luật Nông trại (Farm Bill) đáng lo hơn thuế chống bán phá giá” là khẳng định của TS.Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam với phóng viên TTXVN sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có thông báo sơ bộ về quyết định xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Vào tháng 3/2018, Bộ Thương mại Mỹ sẽ có quyết định chính thức áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm cá tra Việt Nam, sau khi thời hạn nhận hồ sơ xem xét đối với doanh nghiệp Việt Nam kết thúc vào ngày 12/10/2017.

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá trong kỳ 13 là 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần so với kỳ áp thuế lần thứ 12.

Theo ông Võ Hùng Dũng, việc Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam là việc làm được lặp đi lặp lại từ nhiều năm qua. Trước mức thuế chống bán phá giá của DOC với mặt hàng cá tra Việt Nam, thời gian qua, vẫn có những doanh nghiệp được hưởng mức thuế rất thấp, thậm chí bằng 0% như Vĩnh Hoàn, Biển Đông, Nam Sông Hậu.

Ông Dũng khẳng định, cái khó của cá tra khi vào thị trường Mỹ không phải là thuế chống bán phá giá mà là Luật Nông trại (Farm Bill). “Theo Luật Farm Bill, khi Mỹ không công nhận cá tra Việt Nam tương đương với cá catfish của họ thì chúng ta không có đường vào”, TS.Võ Hùng Hũng nói.

Cũng theo ông Dũng, chỉ khi nào Mỹ công nhận cá tra tương đương với cá catfish thì doanh nghiệp Việt Nam mới thuận lợi hơn khi xuất khẩu vào thị trường này.

Theo Luật Farm Bill, từ ngày 2/8/2017, tất cả các lô hàng cá tra Việt Nam khi vào Mỹ đều phải đưa vào các kho lưu trữ do Mỹ chỉ định (gọi là các i-house) để kiểm tra chất lượng trước khi thông quan. Điều này sẽ làm doanh nghiệp tốn thêm thời gian và chi phí vận chuyển đến các i- house để kiểm tra trước khi đưa về kho của mình.

Theo công bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), chỉ có 40 kho i-house nằm rải rác trên khắp nước Mỹ trong khi 100% hàng của Việt Nam khi đến Mỹ đều phải đưa vào các kho này.

Những i-house sẽ tiến hành kiểm tra các sản phẩm cá da trơn nhập khẩu từ nước ngoài, xem chất lượng bên trong có giống với nhãn dán bên ngoài hay không. Sau đó, sản phẩm đạt chuẩn sẽ được dán nhãn hợp quy trước khi bán ra thị trường.

Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty Biển Đông, một trong số ít các doanh nghiệp được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp tại thị trường Mỹ cho biết, ngoài 100% các lô hàng sẽ được kiểm tra bên ngoài thì sẽ có khoảng 4% trên tổng lô hàng bị kiểm tra về vi sinh, kháng sinh và các chất cấm.

“Ngưỡng kháng sinh và các tồn dư khác như thuốc trừ sâu mà phía Mỹ kiểm tra nằm ở mức rất thấp”, ông Trường nói.

Theo ông Trường, nếu muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ thì các khó khăn như tốn thêm thời gian, chi phí, hàng bị ùn ứ…doanh nghiệp phải chấp nhận. Dù phải vượt qua rất nhiều rào cản trước khi có thể lên kệ hàng ở Mỹ, nhưng việc Mỹ áp dụng Luật Farm Bill vẫn có mặt tốt cho sản phẩm cá tra Việt Nam.

Giám đốc Công ty Biển Đông cho biết, giá cá tra tại thị trường Mỹ hiện đã lên rất cao, khoảng 4 USD/kg. Đây là một cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ thông qua việc nâng cao chất lượng, kiểm soát tốt quá trình nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Một điều may mắn đối với xuất khẩu cá tra, theo TS.Võ Hùng Dũng, là khi thị trường Mỹ, châu Âu đang sụt giảm thì thị trường Trung Quốc lại tăng trưởng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 9/2017, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông là trên 288 triệu USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng, xuất khẩu cá tra sang thị trường này liên tục tăng, điều đó cho thấy sự chuyển hướng và tham gia tích cực của số lượng đông đảo doanh nghiệp cá tra sang thị trường này.

Theo nhận định của VASEP, 9 tháng năm 2017, xuất khẩu cá tra gặp rất nhiều khó khăn. Cho dù tính đến hết tháng 9/2017, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 1,3 tỷ USD nhưng tại hai thị trường quan trọng là Mỹ và châu Âu giá trị xuất khẩu vẫn sụt giảm.

Cụ thể, xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ đạt 258,3 triệu USD, chiếm hơn 19,8%, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại thị trường châu Âu, sau nhiều tháng xuất khẩu giảm, tháng 8 và 9/2017, giá trị xuất khẩu sang thị trường này giảm lần lượt 8,4% và 23,7% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung đến hết tháng 9/2017, xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào “lục địa già” chỉ còn 11,8%.

Tuy thị trường Trung Quốc có sự tăng trưởng đột phá nhưng theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, vẫn còn dấu hiệu đáng lo, do đó, ngành cá tra vẫn phải tập trung tại các thị trường lớn, khó tính là Mỹ và châu Âu.

“Nếu chúng ta để mất hoặc thất thế ở hai thị trường này mà chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc thì rủi ro sẽ gia tăng”, ông Dũng cảnh báo.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra, TS.Võ Hùng Dũng cho biết, gần đây hiệp hội đã bắt đầu tiếp xúc, giới thiệu sản phẩm cá tra với thị trường Nhật Bản. Nếu cá tra có thể vào được các quốc gia khó tính như vậy thì sẽ tránh được rủi ro khi quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

“Nếu tính bình quân tại các thị trường xuất khẩu của cá tra Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc khoảng 20%, châu Âu khoảng 15% thì tình hình vẫn tương đối tốt, chưa có vấn đề gì xảy ra”, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng kết luận.


Related news

Tăng cường quản lý nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt Tăng cường quản lý nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt

Xử lý nghiêm những vi phạm về nuôi tôm nước lợ (thẻ chân trắng) trong vùng nước ngọt, nhất là các vi phạm về thực hiện quy hoạch và bảo vệ môi trường

Monday. November 6th, 2017
Công nghệ SCP: Gỡ nút thắt ngành thủy sản Công nghệ SCP: Gỡ nút thắt ngành thủy sản

Công nghệ sản xuất protein nguồn gốc thực vật đơn bào (SCP) được cải tiến nhằm mục đích tìm ra giải pháp bền vững cho ngành dinh dưỡng vật nuôi

Tuesday. November 7th, 2017
Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm

Sử dụng chế phẩm sinh học (hay còn gọi men vi sinh) trong nuôi trồng thủy sản được xem là một giải pháp góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường

Tuesday. November 7th, 2017