Cà phê rớt giá khiến kim ngạch xuất khẩu giảm liên tục
Theo số liệu từ Sở Công thương, vào tháng 1-2015, do giá cà phê giảm 5-10% nên lượng cà phê xuất khẩu giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, điều này chưa tác động mấy đến tổng kim ngạch xuất khẩu. Sang tháng 2, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh bắt đầu giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được xác định là do tình hình xuất khẩu cà phê không thuận lợi, giá mặt hàng này lại giảm 10% nên lượng xuất khẩu giảm 16,05%. Tháng 3, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giảm đến gần 50% so với cùng kỳ năm 2014, bởi giá cà phê tiếp tục giảm mạnh và lượng xuất khẩu giảm tới 52,24%.
Trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước thực hiện 30,4 triệu USD, lũy kế 5 tháng đạt trên 151,2 triệu USD, đạt 34,4% kế hoạch và giảm 55,1% so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân kim ngạch giảm là do tình hình xuất khẩu cà phê không thuận lợi với giá xuất khẩu bình quân giảm 9,28% so với cùng kỳ năm trước. Về mủ cao su, tuy khối lượng xuất khẩu có tăng nhẹ 0,39% nhưng do giá vẫn chậm phục hồi nên giảm đến 30,78% giá trị xuất khẩu. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: cà phê với 57.390 tấn/101,03 triệu USD (giảm 61,4% về lượng và giảm 64,99% về giá trị); mủ cao su đạt 3.163 tấn/4,85 triệu USD (tăng 0,39% về lượng và giảm 30,78% về giá trị); gỗ tinh chế đạt 5,75 triệu USD (tăng 83,48% so với cùng kỳ năm trước), mì lát 46.972 tấn/10,6 triệu USD; các mặt hàng khác đạt 28,87 triệu USD (tăng 27,87% so với cùng kỳ). |
Những tháng tiếp theo, giá cà phê xuất khẩu đã không ngừng biến động theo chiều hướng giảm. Theo đó, giá xuất khẩu bình quân 1.700 USD/ tấn, giảm 12,82% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước thực hiện tháng 4 đã giảm tới mức 55,91%. Riêng mặt hàng cà phê, trong tháng này, chỉ đạt 50.295 tấn/85,39 triệu USD, giảm 59,1% về lượng, và giảm đến 64,38% về giá trị. Đến tháng 5 thì mặt hàng này có giá xuất khẩu bình quân giảm 9,28%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt 34,35% kế hoạch, giảm 55,1% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê giảm là do giá cà phê xuất khẩu thường thấp hơn giá nội địa khoảng 1,5-2 triệu đồng/tấn. Phần nữa do một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, làm cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong tỉnh thiếu hụt nguồn hàng đầu vào dẫn đến khối lượng xuất khẩu giảm. Và một nguyên nhân nữa là thị trường tiềm năng Trung Quốc có dấu hiệu chững lại do nước này đang đẩy mạnh sản xuất cà phê với diện tích lớn.
Một điều không thể không nói tới là diện tích trồng cà phê lâu năm trên địa bàn tỉnh ta có khá nhiều. Cà phê trồng trên 20 năm sẽ trở nên già cỗi, cho năng suất và chất lượng thấp, cần được tái canh thay thế. Với vấn đề tái canh cây cà phê, ngày 11-5-2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Văn bản số 3227/NHNN-TD hướng dẫn triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020.
Chương trình được triển khai trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên dành cho các phương thức: tái canh theo phương pháp trồng tái canh, hoặc ghép cải tạo cà phê, trên cơ sở quy hoạch tái canh cà phê các địa phương khu vực Tây Nguyên từ nay đến năm 2020 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt. Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) có mạng lưới hoạt động rộng khắp trên địa bàn Tây Nguyên, được lựa chọn là ngân hàng tham gia cho vay chương trình này.
Hy vọng chính sách dành cho cây cà phê, năng suất và chất lượng cà phê trên địa bàn tỉnh tăng lên, tạo vị thế vững chắc trên thị trường thế giới, góp phần lớn vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Related news
Cà phê thế giới tăng kéo giá cà phê Việt Nam tăng theo. Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương (VITIC), sáng 1/8, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đã có phiên tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng rất mạnh 1,2 triệu đồng/tấn lên 40,8-41,6 triệu đồng/tấn.
Các xã ven biển của huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã từng được quy hoạch là vùng nuôi tôm trên cát của tỉnh Quảng Ngãi với diện tích thả nuôi khoảng 300 ha/năm. Thế nhưng, các vùng nuôi tôm trọng điểm này hiện chỉ là vùng đất hoang vắng. Hàng chục hồ nuôi tôm trơ đáy, các máy sục khí hoen rỉ nằm chất đống... là những gì sót lại sau nhiều vụ nuôi tôm thất bát.
Vụ hè thu năm nay, huyện Tịnh Biên (An Giang) phát triển “Cánh đồng lớn” 1.176 héc-ta. Trong đó, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang thực hiện chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại xã Tân Lập, với diện tích 660 héc-ta; Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện tại các xã Núi Voi, Tân Lập, Tân Lợi, Văn Giáo, Vĩnh Trung, An Hảo…, với diện tích 516 héc-ta.
Tuy nhiên, đây cũng là căn bệnh “trầm kha” của ngành chế biến hải sản trong nhiều năm trở lại đây vì nguồn cung trong nước không bảo đảm. Ngoài ra còn do tình trạng thương nhân Trung Quốc thu mua hải sản vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Văn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn (An Giang), cho biết: Hiện nay, vùng Tứ giác Long Xuyên có khoảng 60 ha diện tích lúa mùa nổi, tập trung ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà. Đa phần người dân trồng lúa mùa nổi không dùng phân, thuốc BVTV mà chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên hạt gạo sạch và dinh dưỡng cao.