Cà phê chế biến Lời giải bài toán tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 10 năm tới
Trong 10 năm tới (2030), mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5 - 6 tỷ USD, tức gấp hơn 2 lần so với hiện tại. Điều này đồng nghĩa ngành cà phê buộc phải tập trung vào chế biến sâu.
Tỷ lệ cà phê chế biến xuất khẩu còn quá thấp
Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa) kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ 2020 - 2021 đạt 2,8 tỷ USD, tương đương so với niên vụ 2019 - 2020 mặc dù lượng giảm khoảng 10% xuống 1,5 triệu tấn.
Vicofa cho biết trong 10 năm tới (2030), mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5 - 6 tỷ USD, tức gấp hơn 2 lần so với hiện tại, với phương châm "Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng".
Có thể thấy chiến lược ngành cà phê trong thời gian tới là đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan,..) hơn là chú trọng vào số lượng cà phê nhân như hiện nay bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, cơn ác mộng dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại.
Trong niên vụ 2020 - 2021, Việt Nam xuất khẩu được 121 nghìn tấn, kim ngạch 433 triệu USD cà phê chế biến sâu. Như vậy, mặc dù lượng chỉ chiếm 8% nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến chiếm 15% tổng kim ngạch của mặt hàng này.
Giá cho một tấn cà phê chế biến trung bình đạt gần 3.600 USD/tấn trong khi giá cà phê nhân trên sàn khoảng 2.400 USD. Đó là chưa kể, cà phê Việt Nam phải chịu cảnh "trừ lùi". Có thời điểm, cà phê nhân Việt Nam bị trừ lùi mức cao kỷ lục lên tới 500 USD/tấn.
Theo ông Đỗ Hà Nam Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn INTIMEX, đồng thời cũng là Phó chủ tịch Vicofa, hiện nay hiện nay cà phê Việt Nam đang rẻ nhất thế giới, thay vì Brazil trước đây do cơ chế trừ lùi.
"Giá của Việt Nam phải trừ lùi tới 450 - 500 USD/tấn. Lịch sử ngành cà phê Việt Nam chưa bao giờ phải trừ lùi nhiều như thế. Trong khi đó, giá cà phê của Brazil là giá cộng", ông Nam nói.
Do vậy, vị này cho rằng giải quyết bài toán 6 tỷ USD đồng nghĩa với việc nâng tỷ lệ cà phê chế biến từ dưới 10% như hiện nay lên khoảng 25% hoặc thậm chí phải hơn vậy.
"Nếu chúng ta làm được như Indonesia khi đưa 50% sản lượng cà phê vào trong sản xuất cà phê hòa tan thì sự lệ thuộc vào "các nhà điều tiết" thị trường cà phê nhân sẽ không còn là cơn ác mộng nữa", ông Nam nói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, để nâng tỷ trọng cà phê chế biến là một thách thức lớn với doanh nghiệp do trình độ công nghệ, vận hành nhà máy phức tạp và nhận thức của người nông dân.
Trong suốt 4 niên vụ qua (2017- 2018 đến 2020 - 2021), lượng cà phê chế biến xuất khẩu mới chỉ tăng khoảng 10%, dao động khoảng 110 - 130 nghìn tấn.
Đại diện của Intimex cho biết để bán được cà phê hòa tan không đơn giản bởi đòi hỏi có đội ngũ vận hành kỹ thuật và chuyên gia đầu ngành.
"Chúng ta không có đội ngũ đó. Còn với doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, họ hoàn toàn chủ động được và vận hành một cách trơn tru. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ vận động các công ty chế biến cà phê lớn tham gia hiệp hội", ông Nam cho biết.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Trong khi đó, để làm thương hiệu phải mất nhiều tiền, công sức và quan trọng là vượt qua "cái bóng" của các ông lớn.
"Muốn phát triển ngành hàng cà phê thì cần đi theo hướng chế biến. Nhưng vấn đề phát triển thương hiệu hiện nay rất khó bởi thị trường đang có quá nhiều "người khồng lồ"", ông Minh nói.
Nhưng nếu giải quyết được bài toán vận hành, thương hiệu ngành cà phê Việt Nam được ví như "hổ thêm cánh" bởi lợi lợi thế chủ động cà phê robusta giá rẻ - nguyên liệu chính để sản xuất cà phê hòa tan.
Thêm vào đó, ông Minh cho biết cà phê robusta có lợi thế hơn hẳn về công năng so với các nước đối thủ khác, đặc biệt là Brazil. Theo đó, cà phê robusta Việt Nam có thể vừa dùng để sản xuất cà phê hòa tan, vừa có thể phối trộn với hạt arabica; trong khi các loại hạt robusta của nước khác chỉ có thể làm cà phê hòa tan.
Đặt trong bối cảnh thế giới đang thiếu hụt nguồn cung, nhất là hạt arabica, và giá cao như hiện nay, cơ hội càng rộng mở đối với hạt robusta.
Vụ 2020-2021, giá cà phê bất ngờ tăng vọt, cụ thể arabica tăng 72,8% robusta tăng 60,4%. Việc arabica tăng mạnh hơn đã khiến các nhà rang xay và hòa tan kiếm tìm robusta để pha trộn nhiều hơn nhằm hạn chế tăng giá thành cà phê đã chế biến bán ra thị trường.
Thị trường nội địa cũng đang cần cà phê chế biến
Ngoài xuất khẩu, thị trường nội địa cũng được xem là tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm cà phê chế biến.
Theo thống kê của Vicofa, những năm gần đây, sự phát triển của các hàng quán cà phê, hệ thống cung ứng cà phê, nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, tiêu thụ cà phê trong nước tăng nhanh (với 2/3 là cà phê bột rang xay, 1/3 là cà phê hòa tan).
Hiện nay Việt Nam có khoảng 30.000 quán cà phê, nhiều thông tin tuyên truyền phục vụ thúc đẩy tiêu thụ trong nước như cà phê buổi sáng, cà phê chứng khoán, cà phê lập nghiệp.
Tuy vậy, mức tiêu thụ trong nước mới đạt không quá 10% so với mức 35% của Indonesia và Brazil.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, một trong những doanh nghiệp tập trung chế biến sâu cà phê cho rằng, thị trường nội địa cũng là một miếng bánh ngon nếu biết cách khai thác.
"COVID-19 buộc chúng tôi phải thay đổi khi cước tàu quá lớn, không có container để xuất hàng, chúng tôi giật mình nhận ra mình đang bỏ qua thị trường nội địa.
Thay vì chỉ chăm chăm xuất khẩu, bản thân nội địa Việt Nam cũng là một thị trường tuyệt vời. Chỉ trong năm 2020, doanh thu ở thị trường nội địa của chúng tôi tăng tới 5 lần so với 2019", ông Thông nói.
Ông Thông chia sẻ một trong những cách làm thương hiệu ở thị trường trong nước đó chính là bao bì đẹp.
"Thiết kế bao bì đẹp sẽ khiến khách hàng tò mò và sẽ mua thử. Họ thấy ngon và lần tới sẽ tiếp tục ủng hộ. Đó là cách chúng tôi tư duy khi bán hàng. Ngoài ra thương mại điện tử giúp chúng tôi tiếp cận tốt hơn đến khách hàng trong giai đoạn giãn cách xã hội", ông Thông nói.
Related news
Hãng thông tấn Interfax - Matxcơva đưa tin thuế xuất khẩu lúa mì của Nga sẽ tăng lên 98,2 USD/tấn kể từ ngày 12/1/2022. Mức thuế trước đó là 94,9 USD/tấn.
11 tháng năm 2021, cả nước xuất khẩu 1,39 triệu tấn cà phê, thu về gần 2,69 tỷ USD, giá trung bình đạt 1.933,6 USD/tấn.
Theo Reuters, trích dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Ukraine, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trong niên vụ 2021-22 tăng 21,1% so với vụ trước, lên 31,6 triệu tấn.