Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cà Mau Khát Nguồn Tôm Giống Chất Lượng

Cà Mau Khát Nguồn Tôm Giống Chất Lượng
Publish date: Wednesday. April 16th, 2014

Trong khi tình trạng dịch bệnh trên tôm nuôi chưa được khống chế, nhất là bệnh gan tuỵ, nông dân luôn mong chờ nguồn tôm giống đạt chất lượng để giảm mức thấp nhất rủi ro trong quá trình nuôi.

Huyện Năm Căn (Cà Mau) trên 25.000 ha nuôi tôm, chiếm trên 50% diện tích tự nhiên, hằng năm tiêu thụ đến hàng tỷ con tôm giống. Thị trường kinh doanh tôm giống ở địa phương cũng rất đa dạng, số trại sản xuất đến vài trăm. Có khi thị trường tôm giống địa phương “nóng” lên vào thời điểm chuẩn bị mùa vụ. Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh là vấn đề không tránh khỏi.

Ông Trần Trí Nhân, thành viên Hội Liên hiệp nuôi trồng thuỷ sản huyện Năm Căn, phân vân: “Bản thân tôi nuôi tôm khá lâu ở địa bàn xã Đất Mới, tôm thu hoạch ổn định, nhưng vẫn còn ngại về chất lượng tôm giống. Bởi, nhiều trại sản xuất tôm giống dù hoạt động trên 10 năm, nhưng cơ sở vật chất vẫn xập xệ, nên bà con vẫn không yên tâm về chất lượng”.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, trong 3 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn huyện có khoảng 250 ha tôm nuôi bị bệnh, trong đó có đến 6 xã có mức độ thiệt hại trung bình từ 20-30%. Tình trạng tôm lây nhiễm bệnh kéo dài khiến nhiều nông dân khó khăn trong việc tái sản xuất.

Thực tế, thiệt hại trên tôm nuôi vẫn còn, thì mối lo ngại của người nông dân vẫn quan tâm nhất khi mua tôm giống tại chỗ. Qua kiểm tra của ngành chuyên môn, chất lượng tôm xuất trại tại địa phương chỉ đạt mức trung bình khá. Mặt khác, khi mua tôm giống trôi nổi thì tỷ lệ rủi ro càng khó kiểm soát hơn. Nhưng “người nuôi tôm không còn lựa chọn nào khác và nếu chậm trễ sẽ lỡ mùa vụ”, ông Trần Tấn Đạt, người nuôi tôm ấp 1, xã Hàng Vịnh, bộc bạch.

Tại hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau” diễn ra ở huyện Năm Căn vừa qua, hầu hết các đại biểu cho rằng, trong thời gian gần đây, bà con luôn quan tâm đến chất lượng con giống bởi có nhiều vụ liên tiếp mất trắng. Vấn đề này đòi hỏi ngành chức năng cần siết chặt quản lý nguồn tôm giống nhập tỉnh và quản lý Nhà nước các trại sản xuất tôm giống.

Ông Trần Quang Thiện, kỹ thuật viên trại sản xuất tôm giống Huỳnh Vương, xã Hàng Vịnh, cho rằng, hiện nay con giống đang phụ thuộc vào 2 tỉnh bạn Ninh Thuận và Bình Thuận. Nghịch lý là giá tôm giống bán ra phụ thuộc vào 2 nơi đó. Con post giống nhập vào nhiều, buộc các trại sản xuất tại địa phương phải giảm giá thành, như vậy chất lượng cũng hạn chế. Điều quan trọng là phải quản lý chặt chất lượng và số lượng con giống nhập tỉnh.

Ông Trương Quốc Bình, thành viên Ban Chỉ đạo đề án, cho rằng, việc quản lý tôm giống chất lượng hiện nay không đơn giản và còn phải trông chờ vào “cái tâm” của các nhà sản xuất giống bên cạnh khâu quản lý Nhà nước.

Theo thống của kê Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, đến cuối năm 2013, toàn huyện có 268 cơ sở sản xuất giống, trong đó có 158 cơ sở trong quy hoạch, còn lại là ngoài vùng quy hoạch. Mỗi năm sản xuất trên 3 tỷ con post, đáp ứng nhu cầu người nuôi tôm địa phương khoảng 60%.

Việc nâng cao chất lượng tôm giống hiện nay là việc cần thực hiện ưu tiên, nhưng để đạt hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía, nhằm hướng đến mục tiêu tăng năng suất, cải thiện thu nhập cho người dân. Giải pháp trước mắt đối với huyện Năm Căn là vấn đề nâng cao chất lượng tôm giống.

Ông Trương Quốc Duẩn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, cho biết: “Giải quyết các trại ngoài quy hoạch có 2 hướng. Thứ nhất, xin chủ trương những khu có điều kiện, bổ sung vào quy hoạch. Thứ hai, đề nghị ngành chức năng có chế tài đối với các trại ngoài quy hoạch để dần dần đưa vào khuôn khổ”.

Tính khả thi của đề án thì còn phải chờ, nhưng hiện tại nghề nuôi tôm ngày một khó khăn hơn do nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng tôm giống. Chính vì thế, hầu hết bà con nông dân nuôi tôm huyện Năm Căn tha thiết mong chờ nguồn con giống chất lượng, đáp ứng nhu cầu để nâng cao hiệu quả sản xuất.


Related news

Thiếu nước, hàng trăm ha lúa không kết hạt Thiếu nước, hàng trăm ha lúa không kết hạt

Mặc dù đã sắp đến kỳ thu hoạch, nhưng hàng trăm ha lúa không kết hạt khiến bà con nông dân (ND) xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) trắng nguồn thu.

Monday. September 21st, 2015
Ép cây hibiscus ra hoa, quả thành công, lãi 150 triệu/năm Ép cây hibiscus ra hoa, quả thành công, lãi 150 triệu/năm

Việc đưa cây hibiscus (còn gọi là cây bụp giấm, atisô đỏ) trồng dưới tán bạch đàn, cau và ép chúng ra hoa, quả thành công đã mở ra hướng làm giàu mới cho người dân các huyện Yên Thế, Tân Yên. Theo tính toán, trồng xen hibiscus có thể cho lãi 120 - 150 triệu đồng/ha/năm.

Monday. September 21st, 2015
Ấp nghèo vui đón nước sạch Ấp nghèo vui đón nước sạch

Nhờ nguồn vốn Chương trình quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT), hiện gần 100% bà con Khmer ở xã Tân Đông (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã có nước sạch sử dụng.

Monday. September 21st, 2015
Ngăn chất cấm trong chăn nuôi các tỉnh than đụng đâu thiếu đó Ngăn chất cấm trong chăn nuôi các tỉnh than đụng đâu thiếu đó

Theo ý kiến của các địa phương, việc phát hiện và ngăn chặn hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn hiện gặp rất nhiều khó khăn do thiếu máy móc kiểm tra, lực lượng mỏng, quyền hạn của cơ quan thú y bị giới hạn.

Monday. September 21st, 2015
Những trái ngon đất Việt đắt hàng xuất ngoại Những trái ngon đất Việt đắt hàng xuất ngoại

Nhãn, chôm chôm, thanh long, vải thiều, xoài… là những trái cây Việt thơm ngon, bổ dưỡng, đang có mặt trên các thị trường khó tính khắp nơi trên thế giới.

Monday. September 21st, 2015