Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cà Mau Bùng Phát Dịch Bệnh Trên Lúa

Cà Mau Bùng Phát Dịch Bệnh Trên Lúa
Publish date: Wednesday. August 13th, 2014

Qua gần 3 tháng xuống giống, đến nay 36.000 ha lúa hè thu trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã sắp bước vào giai đoạn thu hoạch. Thế nhưng, dịch bệnh lại đang tiếp tục hoành hành và dự báo nhiều diện tích lúa sẽ giảm năng suất.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện nay toàn tỉnh có gần 9.000 ha lúa hè thu đang ở giai đoạn làm đòng và trổ bông bị nhiễm bệnh đạo ôn, đốm vằn, cháy bìa lá, rầy nâu và sâu cuốn lá… Tuy bà con nông dân đã tích cực theo dõi phòng trừ, nhưng nhiều héc-ta lúa vẫn đứng trước nguy cơ mất mùa do phát hiện muộn, phòng trị không đúng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Cà Mau Nguyễn Út Em cho biết: “Hiện nay, các trà lúa hè thu chủ yếu nằm trong giai đoạn từ 64-90 ngày tuổi. Ðây là giai đoạn hết sức quan trọng ảnh hưởng đến năng suất lúa vào cuối vụ. Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là rầy nâu và đạo ôn cổ bông đang gây thiệt hại khá lớn”.

1 ha ruộng lúa giai đoạn 70 ngày của gia đình ông Nguyễn Thành Hải, ấp 3, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình đang bị thiệt hại hơn 50% do rầy nâu hoành hành.

Theo ghi nhận của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, rầy nâu đang xuất hiện với mật số cao, có nơi từ 1.500-3.000 con/m2, tập trung tại các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và TP Cà Mau. Ngoài ra, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn đầu lá lúa đang xuất hiện nhiều nơi.

Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thới Bình Ðinh Xuân Hiệp cho biết: “Hầu hết các trà lúa hè thu trên địa bàn huyện đều nhiễm bệnh, tại thời điểm này có 2 đối tượng đáng lưu ý nhất là rầy nâu và khô vằn lá lúa, tiếp theo là đạo ôn cổ bông. Bởi 3 loại dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của cây lúa cả vụ, nếu không phòng trị kịp thời và đúng cách thì có khả năng sẽ mất trắng nhiều diện tích lúa”.

Trong đó, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình là đơn vị có khoảng 60% diện tích lúa đang có nguy cơ giảm năng suất rất lớn. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Hứa Văn Tý lo lắng: “Sau khoảng 1 tháng gieo sạ, lúa phát triển rất tốt, sau đó bệnh liên tục đến bây giờ, đa số các diện tích nhiễm bệnh có ít nhất từ 2-3 loại dịch bệnh cùng bùng phát một lúc.

Thời tiết cứ mưa liên tục không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển ngày càng nhiều mà công tác phun thuốc phòng trừ của người dân cũng gặp nhiều khó khăn và kém hiệu quả”.

Chỉ với 1 ha ruộng lúa, gia đình ông Nguyễn Thành Hải, ấp 3, xã Tân Lộc đã phun 5-6 lần thuốc mà dịch bệnh vẫn chưa thuyên giảm, hiện diện tích bị cháy rầy đã gây thiệt hại hơn phân nửa. Lấy tay vạch đám lúa, ông Hải than: “Chỉ cần quơ nhẹ tay là rầy rớt trắng mặt nước, như thế này thì lúa nào mà chịu nổi, còn khoảng 15 ngày nữa là thu hoạch rồi nhưng tình hình này chắc không cầm cự nổi”.

Bình quân mỗi công đất đã tốn không dưới 2 triệu đồng tiền thuốc trừ bệnh, phun trừ không hiệu quả, nhiều bà con nông dân nóng lòng dùng phương pháp thủ công cắt bỏ những phần lúa nhiễm bệnh để tránh lây lan cho cả ruộng lúa. Ông Nguyễn Văn Phúc, ấp 1, xã Tân Lộc, lo lắng: “Ðã “thử nghiệm” nhiều cách lắm rồi mà vẫn không mang lại hiệu quả. Mang trên mình 2-3 bệnh cùng một lúc sao cây lúa có thể gánh được. Nhìn miếng ruộng thì biết, vụ này không những lỗ vốn mà e rằng còn không có lúa để ăn”.

Anh Nguyễn Văn Miến, nông dân xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, cho biết, khoảng 20 ngày đầu mới xuống giống, mưa đều, lúa phát triển rất nhanh. Cứ mừng thầm năm nay mưa thuận gió hoà sẽ có vụ mùa bội thu. Nhưng khi lúa bắt đầu gần 30 ngày tuổi, sâu cuốn lá, rầy nâu gây bệnh liên tiếp. Nay cây lúa bắt đầu trổ bông, chuẩn bị ngậm sữa lại bị bệnh khô cổ bông - một loại bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây lúa và rất khó phòng trừ.

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật, rầy nâu sẽ tiếp tục gây hại cục bộ trên những diện tích lúa đã bị nhiễm mà chưa được phòng trừ hoặc phòng trừ chưa hiệu quả, có khả năng bị cháy chòm do lúa sắp chín rất khó xử lý thuốc. Riêng đối với bệnh đạo ôn cổ bông, do thời gian qua đạo ôn lá phát sinh trên diện khá rộng với nguồn bệnh có sẵn trên đồng ruộng. Trong thời gian tới, nếu gặp điều kiện thuận lợi rất có thể đạo ôn cổ bông sẽ tiếp tục phát triển và gây hại nặng trên các trà lúa chưa phun ngừa.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng gây hại trên lúa. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, nhằm phát hiện dịch bệnh sớm báo với cán bộ khuyến nông cơ sở để được hướng dẫn phòng trừ kịp thời, tránh ảnh hưởng đến năng suất lúa.


Related news

Hai mặt của ngành chăn nuôi Hai mặt của ngành chăn nuôi

Trong khi ngành chăn nuôi và thủy sản chịu tác động mạnh bởi diễn biến thị trường thì các doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) gần như không hề hấn gì, thậm chí, mỗi ngày một mở rộng.

Thursday. May 21st, 2015
Thu mua cá sấu non coi chừng sập bẫy chiêu trò của thương lái Trung Quốc Thu mua cá sấu non coi chừng sập bẫy chiêu trò của thương lái Trung Quốc

Hơn 2 tháng qua, ở Bạc Liêu xuất hiện nhiều thương lái lùng sục từng nhà dân tìm mua cá sấu loại từ 2 - 5kg khiến loại cá này hút hàng và tăng giá bất thường. Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, đây có thể là chiêu trò phá hoại kinh tế của thương lái Trung Quốc. Người gây nuôi cá sấu nếu không tỉnh táo sẽ sập bẫy khiến cho thị trường cá sấu bị lũng đoạn, kéo theo sụt giảm số lượng và chất lượng cá sấu giống trong tương lai.

Thursday. May 21st, 2015
Hạn chế ảnh hưởng của những cơn mưa trái mùa Hạn chế ảnh hưởng của những cơn mưa trái mùa

Sau những ngày nắng nóng, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa, ảnh hưởng rất lớn đến việc tôm nuôi. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cần chủ động các biện pháp nhằm ổn định môi trường nước phục vụ sản xuất.

Thursday. May 21st, 2015
123 hộ gia đình, cá nhân xin nuôi trồng thủy sản ở Long Sơn 123 hộ gia đình, cá nhân xin nuôi trồng thủy sản ở Long Sơn

Theo tin từ UBND TP. Vũng Tàu, hiện nay trên địa bàn thành phố có 123 hộ gia đình, cá nhân làm đơn xin nuôi trồng thủy sản tại xã Long Sơn. Tuy nhiên do Quy hoạch chi tiết 1/2000 khu nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và chưa được UBND tỉnh phê duyệt, nên UBND TP. Vũng Tàu chưa có cơ sở để tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và.

Thursday. May 21st, 2015
Hiệu quả từ mô hình tôm - rừng Hiệu quả từ mô hình tôm - rừng

Với gần 4.000ha rừng phòng hộ nằm trải dài ven bờ biển của tỉnh Bạc Liêu, rất thích hợp cho việc nuôi trồng các loài thủy sản dưới tán rừng. Nhiều hộ dân nhận khoán đất rừng áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng đã có cuộc sống sung túc.

Thursday. May 21st, 2015